Điểm đầu tiên cháu thăm là cái chùa này, Vatxiengthong ratsavoravihanh
Đây là công trình được xây dựng tại đầu bán đảo nơi ngã ba sông, ngay từ những năm 1559 - 1560 trong thời hoàng kim của Vương quốc Lan Ch’ang, vua Setthathirat I (trị vì từ 1548 - 1571). Là một ngôi chùa đẹp nhất và cũng quan trọng nhất tại cố đô Luang Prabang. Trong ngôn ngữ Lào, “vat” được hiểu là ngôi đền hoặc tu viện, “Vat Xieng Thong” là “Tu viện của Thành phố Vàng” (Monastery of the Golden City). Vat Xieng Thong tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi và yên tĩnh với vị thế khá đắc địa, có hai mặt tiếp nhau hướng ra hai dòng sông: mặt phía Đông Bắc nằm cuối đường Sakarine (Thanon Phothisalat), con đường chính ở Luang Prabang cạnh dòng Nậm Khan, tại đây có một cổng phụ kiểu tò vò bằng vữa trắng; mặt phía Tây Bắc nơi đặt cổng chính nằm ở đường Souvanha Khampong (Thanon Manthatourath) nhìn xuống dòng sông Mekong đục ngầu tải nặng phù sa.
Ngay từ khi thành lập, Vat Chieng Thong đã được xem như phòng trai giới, nơi các vị vua Luang Prabang tổ chức Thọ Bát quan Trai giới, nhận vương miện đăng quang và cũng là nơi quan di hài khi tiễn biệt nhà vua về cõi vĩnh hằng. Năm 1975, sau khi Lào xóa bỏ chế độ quân chủ, tuy Vat Chieng Thong không còn là ngôi đền hoàng gia nhưng hàng năm vào dịp Bunpimay (Tết Lào), các chức sắc trong giáo hội Phật giáo Lào cũng như các quan chức chính quyền tại Luang Prabang đều tề tựu về Vat Chieng Thong hành lễ đón mừng năm mới và rước tượng Phật Prabang từ Vat Sala Prabang trong Bảo tàng Cung điện Hoàng gia về an vị tại đây, biểu hiện lòng sùng kính đối với Đức Phật. Vào buổi tối, hàng ngàn tín đồ tập trung về chùa chiêm ngưỡng tượng Phật bằng vàng và tham dự lễ tắm Phật bằng nước thơm theo nghi thức Phật giáo.
Quần thể Vat Xieng Thong gồm hơn 20 hạng mục lớn, nhỏ được bố trí rải rác trong khuôn viên. Bước vào cổng chính, chếch về bên trái là nhà tang lễ hoàng gia có mặt nhìn về hướng Tây Nam, các công trình còn lại đều nằm bên phải có mặt quay về hướng Đông Bắc. Ngoài các công trình nổi bật như ngôi chánh điện, thư viện Tam Tạng, miếu đường Trắng, miếu đường Đỏ, nhà tang lễ, còn có tháp trống xây dựng năm 1961, khu tăng xá, các mộ tháp cùng một số công trình khác… Các công trình này có cùng một lối kiến trúc và hài hòa với ngôi chính điện, hợp thành một vùng cảnh quan vừa tĩnh vừa rất đổi thanh thoát.