CSGT trong clip xin lỗi dân lên tiếng nói thật
(ĐVO) - "Ai cũng là con người và cũng có thể mắc sai lầm trong cuộc sống, nếu mình mắc sai lầm sau đó nhận ra và nói lời xin lỗi và rút ra kinh nghiệm thì điều đó còn đáng quý hơn là người mắc sai lầm rồi cứ ỉm đi, đổ tội cho người khác", Trung úy Nguyễn Quang Huy (thuộc Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT TP. Hà Nội) - người nói lời xin lỗi trong clip "Sau khi thắc mắc, CSGT xin lỗi dân" được phát tán trên mạng Internet trong những ngày gần đây nói.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về một clip được phát tán trên mạng internet về việc các chiến sĩ CSGT trực ở chốt Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng (Hà Nội) yêu cầu dừng xe một phương tiện khi "có biểu hiện vi phạm luật giao thông".
Theo clip này, người tham gia giao thông đã vi phạm lỗi rẽ sang đường khác không đúng luật. Nhưng chủ phương tiện đã thắc mắc: “Biển có hiệu lệnh hơn hay vạch kẻ đường có hiệu lệnh hơn”. Đồng thời, anh ta khẳng định rằng mình chạy đúng luật.
Ngoài ra, người chiến sĩ CSGT khi bắt lỗi vi phạm đã không chào đúng hiệu lệnh. Khi bị người vi phạm nhắc nhở anh này mới chào theo đúng hiệu lệnh.
Chiến sĩ Đinh Văn Tuấn, mang số hiệu 661398 trong đoạn clip (Ảnh cắt từ clip).
Lúc này, chiến sĩ CSGT Nguyễn Quang Huy (thuộc Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT TP. Hà Nội) trưởng ca làm việc đã đứng ra nói lời "xin lỗi" rồi để chủ phương tiện tiếp tục đi.
Sáng ngày 23/4, PV báo Đất Việt đã có cuộc trò chuyện với Trung úy Nguyễn Quang Huy để hiểu rõ hơn về sự việc.
PV: Sự việc xảy ra hôm đó có đúng như trong clip không thưa anh?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Hôm đó là vào khoảng 18h30 ngày 18/4, tôi được Đội CSGT số 6 phân công làm việc tại chốt trực Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng. Cùng làm việc lúc đó với tôi có chiến sĩ Đinh Văn Tuấn, mang số hiệu 661398.
Khi đó, trời đã nhá nhem tối. Tại đoạn giao thông từ Đại lộ Thăng Long ra đường Trần Duy Hưng có một biển báo chỉ được đi thẳng chứ không có biển bảo "cấm rẽ phải". Lúc ấy có người lái chiếc xe ô tô rẽ phải sang đường Khuất Duy Tiến thì chiến sĩ Tuấn ra hiệu lệnh dừng xe.
Khi đó, người đàn ông tham gia giao thông đang ngồi trên xe tỏ vẻ khó chịu, lớn tiếng quát nạt và thắc mắc về việc chiến sĩ Tuấn yêu cầu dừng xe.
Sau khi sự việc đó xảy ra, tôi thấy đây là tình huống nhạy cảm khi ở chốt giao thông đó không có biển báo cấm rẽ phải nên không thể xử lý người ta được. Tôi đã chủ động đến nói lời "xin lỗi" rồi để họ đi nhưng họ vẫn lớn tiếng quát nạt.
PV: Trong đoạn clip người đàn ông có nói: "Đây là lần thứ 3 bị xử phạt vì lỗi này"?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Tôi thấy điều thắc mắc của họ là đúng nên đã chủ động "xin lỗi" rồi không xử phạt vì người ta không vi phạm. Việc họ nói bị xử phạt đến 3 lần thì tôi không biết. Cá nhân tôi sẽ không xử phạt những lỗi như thế mà chỉ nhắc nhở. Điều này phải hỏi lại những bộ phận quản lý hồ sơ vi phạm giao thông mới biết được...
Tôi thấy nếu như đúng có sự việc người ta bị xử phạt tại đó với lỗi rẽ sang đường khác không đúng luật là không đúng. Vì như đã nói, đây là "tình huống nhạy cảm".
Đoạn clip được đưa lên mạng internet vào ngày 20/4 .
PV: Trong lúc nói lên lời "xin lỗi" như thế, anh có thấy khó khăn?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Lúc sự việc xảy ra trời đã nhá nhem tối, mọi người đang trên đường về nhà hoặc đi đâu đó để nghỉ ngơi, thư giãn trong những ngày làm việc mệt nhọc. Sự việc xảy ra đã không thể tránh được sự bức xúc với người điều khiển phương tiện.
Đặc biệt trong tình huống người ta không vi phạm lỗi gì mà lại yêu cầu dừng xe rồi nói lỗi người ta vi phạm. Tôi tự đặt mình vào tình huống như thế nên thông cảm cho người ta.
Hơn nữa, đây cũng là tình huống "khó để xử phạt" nên không thể yêu cầu họ nộp phạt được. Chính vì thế, tôi đã chủ động nói "xin lỗi" để làm họ giảm sự bức xúc, đồng thời giữ hòa khí để những người tham gia giao thông khác không tò mò mà đứng lại xem, gây ách tắc giao thông.
PV: Sau khi clip được đưa lên mạng Internet đã có nhiều ý kiến dư luận cho rằng: CSGT xin lỗi như thế đã thừa nhận mình sai, một người nắm vững pháp luật để xử phạt người khác mà sai thì không chấp nhận được?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Xin lỗi chưa hẳn là mình đã sai. Việc tôi "xin lỗi" trong tình huống đó là hiểu được tâm lý của người tham gia giao thông đồng thời là muốn xây dựng một hình ảnh CSGT thân thiện.
Bản thân người điều khiển giao thông lúc đó cũng có những lời lẽ cư xử không phải khi lớn tiếng quát nạt, chửi bới. Trong đoạn clip được đưa lên mạng đã bị cắt đi khá nhiều. Người đó văng tục, chửi bậy nhằm về phía chúng tôi.
Bản thân chiến sĩ Đinh Văn Tuấn cũng còn rất trẻ, mới ra trường nên còn nhiều thiếu sót, chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý cách tình huống trực tiếp ngoài hiện trường nên cũng có thể thông cảm cho cậu ấy.
PV: Đầu tháng 4 vừa qua, Phòng CSGT TP. HCM có mở lớp huận luyện CSGT học cười và nói lời xin lỗi trước khi xử phạt người vi phạm. Hà Nội cũng cần mở lớp như thế này?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Đây là một việc làm rất tốt và rất bổ ích. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là "cái tâm" của người làm chiến sĩ CSGT.
Khi ra đường làm nhiệm vụ không nên chỉ chăm chăm tìm ra người vi phạm để phạt mà mục đích hướng tới là việc làm sao cho người tham gia giao thông có ý thức và ít vi phạm hơn.
Tôi có đọc được những bài viết về lớp tập huấn này trên mạng. Có nhiều ý kiến thắc mắc: Làm sao có thể phân biệt được đấy là nụ cười thật, nụ cười giả? Theo tôi, khó có thể phân biệt được điều này. Người CSGT có "thiện chí" thì tất nhiên sẽ "cười thật" và làm người khác thấy "đẹp".
PV: Anh có nghĩ gì mình là người tiên phong thực hiện "văn hóa xin lỗi" trong xã hội ngày nay?
Trung úy Nguyễn Quang Huy: Trong thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng nói về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, việc "phê bình và tự phê bình", và việc "xin lỗi, nhận trách nhiệm" trước những sự việc cụ thể.
Tôi thấy đấy là việc làm cần thiết và đúng đắn, nhất là đối với những người làm trong cơ quan nhà nước, phục vụ sự phát triển xã hội và lợi ích của nhân dân.
Hơn nữa, như tôi đã nói, "xin lỗi" không hẳn là mình đã sai hay không chỉ mình trực tiếp gây ra thiếu sót thì mới "xin lỗi". Chỉ cần mình thấy phải có trách nhiệm trước sự việc xảy ra thì nói lời "xin lỗi" cũng là tự nâng cao đạo đức của chính bản thân mình.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này !
Trung tá Nguyễn Chí Công - Đội trưởng đội CSGT số 6 (Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sự việc, chiến sĩ Nguyễn Quang Huy và chiến sĩ Đinh Văn Tuấn đã báo cáo sự việc về Đội CSGT số 6. Lúc đó trời tối, ánh đèn đường làm lóe mắt dẫn đến việc chiến sĩ Tuấn yêu cầu dừng xe. Đây có thể được coi là sự việc ngoài ý muốn, không phải là việc có dấu hiệu lạm quyền, moi móc cố tình xử phạt. Việc chiến sĩ Tuấn chưa chào khi chủ phương tiện chưa ra khỏi xe là điều hoàn toàn đúng với quy trình xử phạt người vi phạm.
Mỗi chiến sĩ CSGT trước khi được cử đến các chốt giao thông làm việc đều được trải qua một lớp huấn luyện về quy trình quy định xử phạt vi phạm, chiến sĩ Đinh Văn Tuấn cũng đã được huấn luyện.
Tuy nhiên, trong thời gian đứng chốt chiếc sĩ Tuấn đã mắc phải sai sót nên đội CSGT đang có kế hoạch đưa chiến sĩ Tuấn đi tập huấn lại lớp huấn luyện quy trình xử phạt trước khi đưa chiến sĩ Tuấn ra làm việc ở các chốt giao thông trong thời gian tiếp theo".