III. Sụp đổ - món quà của cuộc sống
Sẽ chẳng có vấn đề gì để nói nếu cuộc sống vẫn diễn ra theo cách thường nhật: đi làm, về nhà, chăm sóc con cái, tụ tập bạn bè... Cho đến khi một khủng hoảng nào đó lớn lao đánh gục con người bạn. Thế giới vật chất lẫn tâm hồn của chúng ta dường như hoàn toàn sụp đổ.
Phản ứng đầu tiên của tâm thức đó là tìm kiếm mọi lý do, tìm kiếm những giải pháp trong thế giới vật chất, thế giới quan của mình nhằm chống đỡ với sự sụp đổ bất ngờ ấy. Không ít người trong số đó không thể tìm được thấy điều gì ngoài sự chán nản, khổ đau và tuyệt vọng.
"Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa". Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tìm thấy bông hoa trong tuyệt vọng của ái tình. Những tuyệt vọng khác (danh vọng, của cải...) cũng mang đến chiếc chìa khóa mở cánh cổng một thế giới khác nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn thế giới của sự tuyệt vọng mà chúng ta đang chìm đắm. Điều kiện sơ khởi của nó là sự chấp nhận, chấp nhận thực tại đang hiện hữu như một phần của kiếp sống nhân sinh.
Thực tại vẫn ở đó, tâm thức đã khác, ánh sáng bình minh của một thế giới khác bắt đầu le lói sau đêm tối. Tâm thức bắt đầu một hành trình mới thay đổi phiên bản cao hơn của chính mình...
... Sau nỗi tuyệt vọng. Cùng với lắng dịu của thời gian. Đa phần chúng ta bắt đầu tự đặt những câu hỏi mà cuộc sống hối hả trước khi sụp đổ chúng ta chưa bao giờ hỏi: "Tại sao tất cả những điều này lại đến với tôi?", "Tại sao tôi không thể thoát ra khỏi trạng thái này?" hay những điều xa hơn thế "Tôi là ai?", "Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?" " Tôi cần làm gì để thoát ra khỏi trạng thái tuyệt vọng"...vân vân và vân vân những câu hỏi.
Cứ gõ cửa, cửa sẽ mở. Cứ đặt câu hỏi sẽ có câu trả lời. Khi không thể tìm thấy câu trả lời trong thế giới vật chất, con người sẽ quay vào trong để gõ cánh cửa tâm linh. Các cánh cửa có ở tôn giáo, những bản hướng dẫn hành trình từ nguyên thủy...
..Như một đứa trẻ lần đầu tiên đến lớp, nó háo hức khám phá thế giới mới với tất cả lòng nhiệt thành, vững chắc trong niềm tin mới và tìm kiếm mọi hiểu biết liên quan về thế giới mà nó vừa bước vào. Con người đọc các giáo lý, kinh điển, xây dựng niềm tin và bắt đầu thực hành.
Ở giai đoạn này, đứa trẻ cố gắng khoe chiếc phiếu bé ngoan mình nhận được, cách nó đánh vần chữ O, A....
Nhiều người nghĩ rằng có thể nhanh chóng đạt được điều gì đó to lớn huyền bí với tôn giáo của mình. Đôi lúc, họ chú tâm nhiều đến những điều huyền hoặc, những thành tựu của năng lực siêu nhiên nào đó như tợ tướng, giấc ngủ tỉnh thức, con mắt thứ ba... mà quên mất mục đích ban đầu của họ đến với thế giới của tâm linh này là thoát khỏi trạng thái khổ đau, tìm thấy sự bình yên nơi mình...
... Như tất cả trạng thái háo hức diễn ra trước đó, trạng thái háo hức này rất lấy làm tiếc lại diễn ra không được lâu.
Dù cho lòng nhiệt thành có rực cháy đến đâu, niềm tin có vững chắc thế nào, đứa trẻ cũng nhanh chóng nhận ra cái phiếu bé ngoan mà nó được nhận chỉ là bước chân đầu tiên cho hành trình vạn dặm mà nó sắp phải đi, việc đánh vần bảng chữ cái chỉ là phần nhẹ nhàng nhất cho những gì mà nó cần thực hành tiếp theo. Con đường tâm linh của con người chưa bao giờ là dễ dàng.
Không những vậy, con đường đó lại đi ngược với sự vận hành của bản ngã (cái tôi). Con đường đó là phá bỏ định kiến cũ, phá bỏ các quy tắc cũ, phương thức tư duy cũ, cách nhìn cũ, phá bỏ cái tôi.
Đứa trẻ bắt đầu có sự trễ nải...
Còn tiếp...