http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/cuc-truong-hang-hai-cuu-ho-bat-cap-nhung-da-lam-rat-tot-2860051.html
Cục trưởng Hàng hải: Cứu hộ 'bất cập' nhưng 'đã làm rất tốt'
Cho rằng đơn vị đầu tiên tiếp nhận thông tin tàu chở 30 người chìm trên biển đã báo tin trễ, sai khiến lực lượng cứu hộ không thể triển khai sớm, Cục trưởng Cục Hàng hải đánh giá "việc cứu nạn đã làm rất tốt".
'Truy' trách nhiệm tàu chở 30 người bị chìm
Giám đốc mượn 3 tàu bảo dưỡng đón công nhân đi chơi
Công tác cứu hộ được cho là tốt dù còn bất cập. Ảnh:
Duy Công. Là một trong những người may mắn sống sót, anh Nguyễn Văn Cương (25 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết
, khoảng 19h tối 2/8, khi tàu chìm đã "gọi điện cầu cứu rất nhiều nơi như công ty chủ quản, người thân, cảnh sát 113...". Đến hơn 1h sáng, tức 6 giờ sau khi tàu chìm, lực lượng cứu hộ mới đến nơi, cứu sống được 21 người. Dư luận cho rằng, cứu hộ đã đến quá trễ, nếu sớm hơn sẽ có thêm nhiều người sống sót.
Tuy nhiên, theo bản tường trình gửi các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - cán bộ Công ty cổ phần Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marine, khoảng 18h ngày 2/8 nhận được thông tin tàu H29 sắp hết nhiên liệu và yêu cầu ra tiếp nhiên liệu. Nhưng lúc này tại Khu chế xuất Đông Xuyên chỉ có ca nô nhỏ không thể đi được "và cũng không biết địa điểm tàu H29 ở đâu". "Đến khoảng 20h chúng tôi mới biết là tàu đang bị trôi ở khu vực biển Cần Giờ và có nhờ tàu của biên phòng xuất phát luôn", ông Tuấn nêu.
Cũng theo ông Tuấn, 25 phút sau ông nhận được tin nhắn là tàu bị chìm liền liên hệ với các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. "Do tôi là đầu mối trên bờ nên có rất nhiều thông tin như: tàu bị nạn tại bãi tắm Cần Giờ (chưa biết tọa độ cụ thể), không có hành khách là trẻ em và có mặc áo phao nhưng không biết số lượng đủ không, tàu không có thông tin liên lạc hàng hải... tôi cũng không liên lạc được với những người trên tàu đó", ông Tuấn viết trong tường trình.
Nhật ký cứu nạn của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ghi nhận, đến 21h mới nhận được thông tin từ ông Tuấn là "có phương tiện thuỷ bị chết máy tại Cần Giờ" và nhờ hỗ trợ. Cảng vụ đã hướng dẫn anh này liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm khu vực 3. Gần nửa giờ sau trung tâm này báo ngược trở lại rằng "có tàu chở khách bị chìm tại Cần Giờ" và yêu cầu thông báo cho Cảng vụ Hàng hải TP HCM.
Khoảng 22h, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã điều tàu SAR272 ra khu vực cứu nạn đồng thời điều động tàu của Cảng vụ Vũng Tàu 2, một số tàu dịch vụ và các tàu gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Mất nửa giờ sau họ mới nhận được thông tin về toạ độ tàu gặp nạn. Lúc này, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu biết tàu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra nên yêu cầu liên lạc với tàu SAR272 (chỉ huy hiện trường) để phối hợp tìm kiếm.
Đến khoảng 1h ngày 3/8, tức gần 3 tiếng sau khi xác định được toạ độ tàu gặp nạn, tàu SAR272 cứu được 3 người và lực lượng Bộ đội biên phòng TP HCM cứu được 14 người. Mất khoảng 2 tiếng sau ca nô dịch vụ cho biết đã cứu được 4 người, trong đó có 2 vợ chồng người nước ngoài nâng tổng số các nạn nhân được cứu sống lên 21 người. 9 nạn nhân còn lại được thông báo mất tích.
Bộ đội biên phòng triển khai tàu tìm kiếm người còn mất tích.
Ảnh: Quốc Thắng. Theo thượng tá Phạm Long Bào – Trưởng Đồn bộ đội biên phòng xã Long Hoà (Cần Giờ, TP HCM), hơn 21h đơn vị ông mới tiếp nhận điện báo của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3. Trong đêm tối, 6 chiếc tàu chở hơn 70 người lên đường cứu hộ nhưng gặp nhiều khó khăn bởi trời tối đen, mưa to khiến tầm nhìn hạn chế. Sóng to gió lớn và khu vực tìm kiếm rộng cũng là yếu tố khiến công tác cứu hộ trong đêm chậm đi rất nhiều. “Chúng tôi phải lên phương án chia thành từng khu vực để tìm kiếm đến khoảng 1h sáng hôm sau mới phát hiện và cứu được 17 người đang đu bám quanh con tàu chìm”, thượng tá Bào kể lại.
Trao đổi với VnExpress ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các bên tham gia cứu nạn. "Triển khai như thế là rất tốt", tuy nhiên, ông Nhật cũng nhìn nhận việc cứu hộ "có chỗ bất cập" bởi chưa huy động thuyền ghe của người dân xung quanh khu vực. Chỗ chìm tàu là khu vực cạn, thuyền nhỏ của người dân dễ tiếp cận hơn và họ cũng thông thuộc địa hình.
Ông Nhật cũng cho rằng, lý do khiến hiệu quả cứu hộ không cao là "do công ty quản lý tàu báo tin trễ, không chính xác". Tin báo về vị trí tàu gặp nạn là chỉ một vùng biển bao la chứ không cụ thể khiến các tàu cứu nạn gặp nhiều khó khăn. “Trong bối cảnh như vậy việc tìm kiếm 3 tiếng đồng hồ từ 22h đến 1h sáng hôm sau đã là tốt lắm rồi. Qua tiếp xúc điều tra ban đầu từ những nạn nhân sống sót thì việc có người gọi điện cầu cứu các cơ quan chức năng lúc gặp nạn là không có cơ sở”, ông Nhật nói.
Trước đó, tối 2/8, tàu khách H29 chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM), tàu gặp sóng lớn và bị chìm. 21 người được cứu, 9 người mất tích.