Chúng ta thường cho rằng độ ẩm tương đối (RH) liên quan tới cảm giác không khí/môi trường là “ẩm ướt”, “vừa phải”, “hanh khô” của cơ thể dẫn tới việc cho rằng độ ẩm tương đối dễ chịu nhất đối với con người là khoảng 30-70% hay khoảng 40-60% v.v.... Tuy nhiên, về bản chất cảm giác này liên quan tới khái niệm điểm sương (Dew Point) của vật lý học.
Một số công thức tính điểm sương (Tdp, tính bằng độ C) theo nhiệt độ môi trường (T, tính bằng độ C) và độ ẩm tương đối (RH, tính bằng %) với các tham số a = 6,1121; b = 18,678; c = 257,14; d = 234,5; e = 2,718281828459… (hằng số tự nhiên); ln là hàm logarit cơ số tự nhiên:
* Công thức Magnus:
Γ(T,RH) = ln(RH/100) + b * T / (c+T)
Tdp = c * Γ(T,RH) / (b - Γ(T,RH)). Ví dụ với T = 20 độ C, RH = 92%. Khi đó Tdp = 18,673 độ C.
* Sử dụng phương trình Arden Buck để có độ chính xác cao hơn:
Γ(T,RH) = ln(RH/100 * e^((b-T/d)*(T/(c+T))).
Tdp = c * Γ(T,RH) / (b - Γ(T,RH)). Ví dụ với T = 20 độ C, RH = 92%. Khi đó Tdp = 18,576 độ C.
Tùy theo các tác giả khác nhau thì bộ các giá trị a, b, c cũng có thể là:
a) Barenbrug (1974): a = 6,105; b = 17,27; c = 237,7.
b) Bolton (1980): a = 6,112; b = 17,67; c = 243,5.
c) Buck (1981): a = 6,1121; b = 17,368; c = 238,88 với T từ 0 tới 50 độ C; và a = 6,1121; b = 17,966; c = 247,15 với T từ -40 tới 0 độ C.
d) Sonntag (1990): a = 6,112; b = 17,62; c = 243,12.
Để đơn giản hóa (nhưng với sai số lớn hơn) người ta dùng công thức: Tdp = T – 20 + RH/5. Ví dụ với T = 20 độ C, RH = 92%. Khi đó Tdp = 18,4 độ C.
Có nhiều công trình nghiên cứu về cảm giác của người sống lâu năm ở vùng ôn đới nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về cảm giác của người sinh sống lâu năm ở vùng nhiệt đới liên quan tới điểm sương.
Có một vài khác biệt về các giá trị cảm nhận đó, nhưng nói chung thì người ta cho rằng người ở vùng ôn đới nói chung sẽ thấy dễ chịu khi Tdp trong khoảng 10 - 18 độ C và dễ chịu nhất khi Tdp trong khoảng 13 - 16 độ C, dưới 10 độ C thì họ thấy khô và trên 18 độ thì họ thấy oi bức.
Người ta cho rằng người ở vùng nhiệt đới do quen với điều kiện nóng ẩm hơn người vùng ôn đới nên khoảng nhiệt độ này có thể dịch chuyển về phía nhiệt độ cao hơn khoảng 3 - 4 độ C, tương ứng với khoảng Tdp dễ chịu là 13/14 - 21/22 độ C và Tdp dễ chịu nhất 16/17 - 19/20 độ C.
Với công thức tính Tdp sử dụng phương trình Arden Buck với T = 28 độ C, RH1 = 30%, RH2 = 40%, RH3 = 50% và RH4 = 60% ta có: Tdp1 = 8,8 - 9,0 độ C; Tdp2 = 13,1 - 13,3 độ C; Tdp3 = 16,5 - 16,7 độ C và Tdp4 = 19,4 - 19,6 độ C. Công thức đơn giản hóa cho sai số lớn khi độ ẩm giảm xuống, với Tdp1 = 14 độ C; Tdp2 = 16 độ C; Tdp3 = 18 độ C và Tdp4 = 20 độ C.
Điều kiện T = 28 độ C và RH trong khoảng 50% - 60% cho Tdp trong khoảng 16/17 - 19/20 độ C là khoảng dễ chịu nhất của người vùng nhiệt đới (nhiều gia đình chạy điều hòa ở chế độ này trong mùa hè), nhưng khi RH xuống dưới 40% thì Tdp < 13 độ C cho cảm giác khô.
Với T = 20 độ C và RH = 50 - 60% thì Tdp = 9,3 - 12 độ C nên ở các mức giá trị này người vùng nhiệt đới vẫn thấy hanh khô dù độ ẩm không phải quá thấp. Vì thế, nếu những ngày mùa thu đông ở miền Bắc Việt Nam với nhiệt độ và độ ẩm trong khoảng này thì nhiều người vẫn cảm thấy hanh khô là chuyện rất bình thường.