Đọc báo sáng em thấy tình huống này không hiếm. Theo các cụ thì xử lý như nào?
Em định cho con đi học võ, có gì tự vệ và tự xử lý.
Thứ sáu, 6/10/2017 | 01:00 GMT+7
Phụ huynh lúng túng khi con bị bắt nạt ở trường
Nói với cô giáo để xử lý nhóm học sinh hay bắt nạt con trên lớp, hôm sau chị Loan ân hận vì con lại bị đánh vì "mách lẻo". 10 năm ám ảnh vì bị bắt nạt ở trường tiểu học
Những ngày này gia đình chị Loan (Hà Nội) đau đầu chuyện con trai học lớp 4 không chịu đến lớp vì bị bạn bắt nạt ở trường. Từ tháng 9, lớp của Minh có một nam sinh ở trường khác chuyển tới. Em này hay bị đám con trai chế giễu, đặt biệt danh vì thích chơi cùng bạn nữ. Là tổ trưởng, Minh vài lần lên tiếng bênh vực thì bị đám bạn bảo "cũng là pê đê sao mà nói đỡ".
Khi Minh dọa mách cô giáo, nhóm nam sinh quây lại thách thức. Từ đó, mỗi ngày nhóm học sinh kia lại lần lượt đi qua chỗ Minh chế giễu vài câu hoặc dúi đầu em xuống bàn.
Ban đầu nghe con kể chuyện, vợ chồng chị Loan chỉ nghĩ đó là chuyện trẻ con nên bỏ qua. Khi Minh có biểu hiện chán học, sợ đến trường, chị Loan tới gặp giáo viên nhờ can thiệp.
"Tôi nghĩ cô giáo răn đe, đám trẻ sẽ sợ ngay và không dám làm gì nữa. Nhưng tôi đã nhầm. Hôm sau con đi học về mắt sưng lên vì khóc, người nhiều vết tím bởi bị bạn đánh trả thù", người mẹ kể. Chị lo lắng không biết giải quyết chuyện ở lớp cho con như thế nào, trong khi con trai không chịu đến trường.
Một phụ huynh khác cho biết từng loay hoay tìm cách giúp con xử lý chuyện bị bắt nạt. Nam sinh này sau lần đạt giải một cuộc thi của trường đã kiêu ngạo với các bạn học kém nên bị ghét. Đầu tiên em bị bạn trai "đầu gấu" nhất lớp đập mạnh vào vai, khi kháng cự thì bị đánh thêm vào người.
Biết chuyện, phụ huynh tức giận lên gặp giáo viên và cùng xử lý học sinh "đầu gấu". Sau lần đó, con trai chị vẫn bị bạn đập vào người với lý do "tại ngồi gần cửa nên va vào". "Cô giáo đổi chỗ cho con xuống cuối lớp, gần chỗ uống nước để tránh bị lỡ tay va phải, nhưng người bạn kia lại rủ một nhóm lần lượt xuống uống nước để lấy cớ va chạm", phụ huynh kể.
Người mẹ không chuyển lớp cho con vì nghĩ sắp lên cấp 2, thay đổi môi trường sẽ không tốt cho việc học. Tuy nhiên, sau một kỳ học bị bắt nạt, con trai chị bị trầm cảm. Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, em không chịu đi học, khóc lóc, giật phù hiệu trường trên áo đồng phục... khiến bố mẹ hoảng sợ. Chị sau đó phải tìm đến chuyên gia tâm lý giáo dục nhờ chỉ hướng giải quyết.
Những phụ huynh có con thường xuyên bắt nạt bạn cũng đau đầu khi liên tục bị cô giáo, phụ huynh, học sinh trách tội con. "23h vẫn có phụ huynh gọi điện trách cứ chuyện con gái tôi cắt chỏm tóc, chế giễu bạn... Có chị quát um lên, nói tôi không biết dạy con. Vừa tức vì bị mắng nhiền lần, tôi vừa xấu hổ và không biết cách nào thay đổi tính bướng bỉnh của con gái", chị Nga (Hà Nội) kể.
Phụ huynh này cho biết, đã nhiều lần nói chuyện nhẹ nhàng, phân tích đúng sai, cả răn đe bằng đòn ron cho con. Song con gái lớp 5 chỉ ngoan ngoãn một thời gian rồi tiếp tục gây chuyện.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, qua nhiều lần được phụ huynh chia sẻ chuyện con bị bắt nạt nhận thấy sự lúng túng của cha mẹ trong ứng xử khi con bị khủng hoảng. "Rất nhiều người mẹ đã mất ngủ, khóc thương con. Điều này làm trẻ càng sợ hãi, nghĩ mình kém cỏi và không dám tự giải quyết vấn đề", bà Hương phân tích.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần học Lã Thị Bưởi cũng chỉ ra nhiều sai lầm của phụ huynh khi tiếp nhận thông tin con bị bắt nạt ở trường. Một số coi đó là chuyện vặt của trẻ con, chỉ cười cho qua; số khác nổi đóa trách "sao lại để bạn đánh", hoặc răn dạy hàng loạt điều "con phải làm"... Những cách này sẽ khiến trẻ tủi thân vì không được bố mẹ đồng cảm, các sự cố sau đó trẻ không chia sẻ nữa.
Cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (năm 2011-2012) cho thấy, 41% trẻ vị thành niên "đồng ý" và 29% "đồng ý một phần" với nhận định lúc khó khăn thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn nói với người trong gia đình. Nghiên cứu về gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các tổ chức khác tiến hành cũng chỉ ra, chỉ 26,9% trẻ vị thành niên tâm sự với mẹ, 12,4% với anh chị và 2,6% với bố.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Quỳnh Trang
Nguồn:
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/phu-huynh-lung-tung-khi-con-bi-bat-nat-o-truong-3650672.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=ho&vn_campaign=vn