Em muốn chia sẻ một số thông tin hữu ích để các Cụ cùng lưu ý khi đi gửi tiền ở bank:
- Nguyên tắc chung:
+ Nên chọn các bank lớn, có uy tín để giao dịch thì quy trình của họ sẽ chặt chẽ và hệ thống cũng bảo mật hơn bank nhỏ. 1 số bank uy tín có thể kể ra đây như VCB, BIDV, Vietin, MB, Techcom, VPBank, LienvietPostbank,....
+ Không nên tiếc tiền mà nên bỏ ít tiền để duy trì SMS banking để có thể có được thông tin về mọi biến động với tiền của mình ở bank.
+ Số điện thoại nhận tin nhắn phải là số điện thoại chính của mình. Hiện tại các bank đều tăng cường bảo mật nên nếu muốn đổi số điện thoại nhận tin nhắn trên hệ thống thường phải có chữ ký của khách hàng và bị kiểm tra tréo nên khả năng làm giả giấy tờ là rất khó.
+ Tạo thói quen đọc mọi tin nhắn mà bank gửi cho mình kể cả tin quảng cáo. Tuyệt đối không xóa các tin nhắn nhận được từ bank liên quan đến giao dịch (thông báo gửi, rút, mở sổ tiết kiệm thành công,...), chỉ nên xóa các tin nhắn quảng cáo.
+ Khi nhận bất kỳ 1 tin nhắn nào từ bank thông báo 1 giao dịch mà mình không thực hiện thì phải ngay lập tức gọi lên số hotline (thường ghi ở mặt sau thẻ do bank đó phát hành) để yêu cầu khóa thẻ, khóa tài khoản rồi từ từ mới xử lý tiếp. Tuyệt đối không được vi đó là nửa đêm hay đang có tí việc mà tự nhủ là tí nữa gọi cũng được vì việc này chỉ làm các Cụ mất nhiều tiền hơn và cơ hội cho Bank được vô can cao hơn thôi.
+ Khi có 1 cuộc gọi từ nhân viên bank (tự xưng) yêu cầu các Cụ cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản, mật khẩu giao dịch, mã giao dịch 1 lần (OTP), 3 số xác nhận giao dịch trên thẻ tín dụng,... thì tuyệt đối không cung cấp. Cần ngay lập tức đi ra điểm giao dịch gần nhất của bank để đề nghị kiểm tra lại xem cuộc gọi vừa rồi có phải do bank thực hiện không. Nếu không phải thì cần ngay lập tức tiến hành đổi thẻ tín dụng, đổi mật khẩu truy cập Internet banking vì rất có thể các thông tin này đã bị kẻ xấu có được và nếu còn để nguyên thì khả năng các Cụ mất tiền sẽ là rất cao
- Với các cụ rành công nghệ:
+ Nên sử dụng Internetbanking để thực hiện giao dịch (bao gồm cả gửi, rút tiết kiệm).
+ Địa chỉ Email đăng ký nhận thông tin giao dịch và số điện thoại để xác thực các thông tin trong quá trình giao dịch phải là chính chủ.
+ Lưu mọi Email và tin nhắn của bank, tuyệt đối không xóa gì ngoài các thông tin quảng cáo.
+ Điện thoại phải cài 1 ứng dụng Email và để syn Email liên tục. Việc này sẽ giúp các Cụ nhận được Email thông báo ngay khi có giao dịch và trong trường hợp xấu nhất thì nếu có mất tiền các Cụ cũng sẽ biết ngay khi tiền tiết kiệm của các Cụ bị tất toán.
+ Các hệ thống Internet Banking bây giờ đa phần đều được thiết lập để tự động gửi Email thông báo khi có giao dịch được thực hiện. Do đó nếu các Cụ thực hiện giao dịch mà không nhận được Email thông báo chi tiết giao dịch hoặc các Cụ không thực hiện mà lại tự nhiên nhận được Email giao dịch thì phải ngay lập tức liên hệ số Hotline để phản ánh.
+ Tạo thói quen đổi mật khẩu Internet Banking mỗi 30-45 ngày. Mật khẩu nên có cả chữ hoa, chữ thường, ký tự đặc biệt. Để tránh nhầm thì các Cụ có thể nghĩ ra tầm 3 mật khẩu rồi cứ đổi đi đổi lại trong 3 mật khẩu đấy là được.
+ Các bank bây giờ đa phần đều có app trên điện thoại, nên cài app này về để tiện giao dịch và khi có việc khẩn cấp thì có thể dùng app để thực hiện rất nhiều thao tác trên đó (VD: tạm khóa khóa thẻ tín dụng).
- Với các cụ không rành công nghệ:
+ Nên giao dịch tại các điểm giao dịch của bank. Tuyệt đối không nên giao dịch tại nhà, ngoài địa điểm,....
+ Khi đến giao dịch, chỉ giao dịch với người mặc đồng phục, có bảng tên, thẻ nhân viên,...đầy đủ.
+ Khi gửi tiền phải nhận sổ tại quầy luôn, kiểm tra thật kỹ và chính xác các thông tin của mình và con dấu của bank đúng là dấu tươi;
+ Số tiết kiệm phải được bảo quản cẩn thận, tuyệt đối không ép dẻo, ép plastic để tránh rắc rối sau này;
+ Tạo thói quen ghi chép (ra sổ) tổng số sổ tiết kiệm đang có, ngày gửi, ngày đáo hạn. Sổ nào đã rút thì cần xóa đi để tránh nhầm lẫn;
+ Ngay khi phát hiện ra mất sổ tiết kiệm phải lập tức gọi lên hotline để thông báo và lập tức đi ra điểm giao dịch của bank ở gần nhất để làm các thủ tục thông báo và cấp lại sổ tiết kiệm mới;
+ Vẫn nên cố học cách sử dụng smartphone để có thể cài app của bank và định kỳ lên đó kiểm tra thông tin về các sổ tiết kiệm của mình xem còn ở đó hay không.