Ngẫm chuyện chỉ tiêu phạt
SGTT.VN - Lời “thành thật xin lỗi người dân” của ông Nguyễn Duy Hưng, trưởng công an phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội đã bị ông Nguyễn Bá Phương, phó trưởng công an quận Đống Đa làm cho mất phần “thành thật”, ít nhất là ở khía cạnh động cơ phạm lỗi.
Ông Hưng nói: “Tôi đã chỉ đạo các công an viên, trật tự đô thị không được lập chốt chặn xe. Lực lượng này chỉ được phép hỗ trợ công an phường giải quyết việc bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, ùn tắc giao thông”. Nhưng với tư cách là sếp, ông phải “xin lỗi” và “thú thật” để thanh minh, rằng “do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ôtô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, ông nọ, ông kia...” Ông Phương cho rằng ông Hưng phát ngôn như vậy là “hiểu chưa đúng về bản chất công việc” và giải thích “chúng tôi giao chỉ tiêu xử lý vụ việc cụ thể chứ không giao chỉ tiêu số tiền”.
Cho dù còn nhiều tranh luận về câu chữ giữa chỉ tiêu xử lý vụ việc vi phạm và chỉ tiêu số tiền phải thu trong trường hợp cụ thể này, cho dù ngay sau vụ việc của phường Thịnh Quang, ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khẳng định “không có chuyện khoán phạt trong xử lý vi phạm giao thông” thì sự thật hiển nhiên, bản chất câu chuyện vẫn là chỉ tiêu phạt cùng những nhức nhối của nó trong mắt người dân. Vì rằng, nhiều năm trước khi ông Phương đăng đàn “nói lại” với báo chí, chỉ tiêu xử phạt bằng tiền tươi đã được hình thành, phổ biến, áp dụng từ cấp cao nhất là bộ Công an, bộ này phân chỉ tiêu cho địa phương (như Hà Nội), địa phương phân xuống cho các đơn vị trực thuộc (như công an Hà Nội – phòng cảnh sát giao thông phân cho các đội cảnh sát giao thông, đội phân cho từng người một…) Cuối năm 2011, ông Trần Thuỳ, phó giám đốc công an Hà Nội đã cho báo chí biết chỉ tiêu tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông của Hà Nội trong năm 2012 là 500 tỉ đồng, gấp đôi mức 220 tỉ của năm 2011. Ông Thuỳ giải thích: “Việc bộ đưa ra chỉ tiêu tăng gấp đôi số tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông là xuất phát từ tình hình giao thông đang có những diễn biến phức tạp và phải lập lại trật tự”. Đồng thời, ông cũng trấn an “nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông vẫn là đảm bảo giao thông”. Ông còn nhận định: “Năm 2012 là năm An toàn giao thông nên bộ đưa ra con số trên để khuyến khích anh em làm việc”.
Đúng là tình hình giao thông đang diễn biến phức tạp và phải lập lại trật tự nhưng lập lại bằng cách nào là một bài toán mà chắc chắn phạt không phải là đáp số duy nhất. Cảnh sát giao thông hẳn phải mong người dân chấp hành luật lệ giao thông nhưng như vậy thì lấy đâu ra vi phạm để phạt, để hoàn thành chỉ tiêu? Đáng ra, cùng với chỉ tiêu giảm số vụ vi phạm, thì chỉ tiêu tiền phạt – giả như chấp nhận sự tồn tại của nó như một sự đã rồi – cũng phải giảm. Đưa ra chỉ tiêu phạt đổ đồng, năm sau tăng hơn năm trước, có vẻ ngành cảnh sát giao thông không tin vào hiệu quả hoạt động của mình, không tin có nơi nào đó làm tốt hơn nơi khác? Nếu không đổ đồng, thì từ sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch hoá một thời, cũng không thể tin nổi những cao thấp của các loại chỉ tiêu đối với từng đơn vị dựa trên cơ sở hợp lý nào. Vì vậy, cần sớm dẹp cái sự đã rồi này, còn để tránh cả những nguy cơ khác.
Đúng là tình hình giao thông đang diễn biến phức tạp và phải lập lại trật tự nhưng lập lại bằng cách nào là một bài toán mà chắc chắn phạt không phải là đáp số duy nhất. Cảnh sát giao thông hẳn phải mong người dân chấp hành luật lệ giao thông nhưng như vậy thì lấy đâu ra vi phạm để phạt, để hoàn thành chỉ tiêu?
Lời hứa lực lượng ngành sẽ tập trung “đảm bảo giao thông” chứ không chăm chăm vào việc thực hiện chỉ tiêu phạt của ông Thuỳ chẳng những đã không được công an phường Thịnh Quang thực hiện mà có thể, chỉ tiêu trở thành cái cớ nguỵ biện cho việc làm sai của họ. Nhưng, đó là cái cớ được bao phủ bởi vẻ ngoài hợp lý.
Dễ hiểu một điểm trong lập luận của ông Thuỳ, là con số chỉ tiêu 500 tỉ nói trên có tác dụng “khuyến khích anh em làm việc”. Có điều, “làm việc” ở đây có thể là việc phạt nhiều hơn việc điều tiết, hướng dẫn giao thông hay nhắc nhở người vi phạm. Bởi lẽ, một phần tiền xử phạt hàng năm được giữ lại cho cảnh sát giao thông để mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và… thưởng cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu còn). Công an Hà Nội thậm chí còn kiến nghị được giữ lại toàn bộ mà theo ông Thuỳ là để “hỗ trợ” anh em. Không phải ai cũng đứng trên góc độ lợi ích ngành, chẳng hạn trưởng công an phường Thịnh Quang nói thấy đó là “áp lực” hay đối với cá nhân người thực thi công vụ, thu chung rồi chia lại có khi không “tươi” bằng nhân tiện nhận đút lót của người vi phạm luôn. Nhưng, chỉ tiêu vẫn tồn tại, hệ luỵ của nó cũng vì vậy mà tồn tại.
Cũng có thể, đằng sau câu chuyện chỉ tiêu này chỉ đơn thuần là vấn đề tư duy, khoa học quản lý. Nhưng, lại nhưng, phải nghĩ khác, làm khác. Xìcăngđan chỉ tiêu 50 triệu của phường Thịnh Quang gợi nhớ đến xìcăngđan mấy năm trước, khi nhiều hộ kinh doanh ở Tiền Giang đồng loạt treo bảng nghỉ bán vì thuế cao. Ngân sách thâm hụt, nhưng không thể vì thế mà tận thu bằng mọi giá vì sức dân có hạn. Tới mức nâng tầm lý luận, coi việc đóng phí – rút hầu bao của dân là hành động “yêu nước” như bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng thì sức dân sẽ kiệt quệ vì trong năm qua, mỗi mình ông Thăng đã công bố ra bao nhiêu là sáng kiến khuyến khích lòng yêu nước.
http://sgtt.vn/Goc-nhin/176110/Ngam-chuyen-chi-tieu-phat.html
N.L