Thớt này thấy nhiều người hóng nhẩy? Chuyện muôn thuở! Thêm câu chuyên cho nó xôm (copy từ fb):
LÀM DÂU, LÀM VỢ
(mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh)
“Một tụp lều tranh, hai trái tim vàng” là câu nói có hàm ý rằng: Chỉ cần tình yêu, tình cảm thực sự thì vợ chồng dù có khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua. Tuy nội hàm của nó còn thiếu trầm trọng như bao câu trâm ngôn, phương ngôn, hướng ngôn và... loạn ngôn khác, nhưng rõ ràng là nó đề cao tình yêu trong hôn nhân.
Nhiều cặp vợ-chồng đã lấy nhau mà chưa đủ hiểu rằng cuộc sống vợ-chồng trong mối quan hệ chằng chịt giữa bố mẹ, anh chị em, họ mạc của hai bên gia đình, cộng với cuộc vật lộn làm ăn mưu sinh để phát triển kinh tế... nó phức tạp như thế nào. Hình như là đa số các cặp vợ chồng đã lấy nhau trong tình trạng như vậy. Họ lấy nhau có thể do sự ép buộc của bố mẹ, do “định hướng”, sức ép của quan trên... thậm chí có những đôi lấy nhau chỉ vì nhu cầu tình dục trước mắt.
- Anh nghĩ cái gì thế? - bà xã nhìn mình chăm chăm - Mà này! Anh có nhớ thẳng Khái không? Cái thằng mà vừa làm ở trường Mây tre đan, vừa có cửa hàng Thủ công Mỹ nghệ trên phố huyện ấy. Vợ chồng nó hiện đang căng thẳng lắm. Vợ nó là con ông Thượng tá Quân đội chơi thân với ông Hiệu trưởng, ông Hiệu trưởng đã giới thiệu hai đứa với nhau. Thế mà bây giờ đang lôi nhau ra tòa rồi. Nghe đâu thằng này có bồ, con vợ không chịu được nên dứt khoát đòi ly hôn.
- Anh biết trước là đôi ấy không thế này thì thế kia mà... như thế cũng hay! Thằng chồng lại có cơ hội lấy vợ trẻ. May nữa là đằng khác.
- May?... Chẳng hiểu đàn ông nghĩ gì? Có voi lại đòi tiên. Khi khó khăn lấy được vợ con nhà giàu, được bố mẹ vợ cho chẳng thiếu thứ gì. Giờ có của ăn của để một chút là rửng mỡ. Người vợ nào có tuổi rồi cũng phải già, xấu... Thế theo anh, người vợ phải như thế nào thì các ông mới vừa lòng?
Các bà sâu sắc quá nên có thể không hiểu hết những mong muốn rất đơn giản của các ông chồng. Thời trẻ vội vàng, người ta có thể xuề xòa mọi chuyện cho qua, có tính thì cũng là hời hợt bởi họ có rất ít cơ hội, không gian, điều kiện để mà lựa chọn. Đến khi có gia đình thì giai đoạn đầu phải lo làm ăn ổn định, sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng nên người. Người đàn ông còn chịu nhiều áp lực bởi trách nhiệm với bố mẹ, anh chị em ruột - “dâu là con, rể là khách” - Con gái sau khi đã lấy chồng là trở thành người nhà chồng, họ được tham gia mọi công việc trong nhà, trong họ. Sau này về già chết đi cũng là ma nhà chồng. Hiển nhiên, vì khi bố mẹ đẻ của họ chết đi thì họ làm gì còn nơi để mà bấu víu?
- Theo anh thì chỉ cần người vợ cư xử sao cho chồng được ấm lòng thôi. Ai cũng có bố mẹ, ông bà, anh em và những ký ức tuổi thơ gắn liền với những con người đó. Lấy vợ rồi mà người vợ làm cho mình bị tổn thương thì trước sau các bà vợ cũng bị trả giá. Con vợ thằng Khái nó cậy là con nhà giàu, mọi đồ trong nhà đều do nó sắm. Nếu chỉ có vậy thì cũng chẳng sao, đằng này nó khinh gia đình nhà chồng nó một cách tệ hại. Nghe nói nhiều năm nay nó không hề về quê chồng. Nó còn dùng những lời nói mệt thị cả những người thân của chồng. Vậy mong gì nó chia sẻ tinh thần và vật chất với họ? Đấy là do chính nó nói ra để mọi người biết chứ không phải người ta đặt điều cho nó.
- Cũng phải thông cảm cho nó chứ! - bà xã lại nói - Cuộc sống khó khăn, người phụ nữ cũng khổ lắm. Giữ thì cũng là giữ cho chồng con chứ có phải chỉ vì bản thân mình đâu.
- Tất nhiên trong chuyện này thằng Khái cũng có lỗi, nó nhu nhược quá! Nếu nó là người có bản lĩnh thì không đến mức để con vợ nó đối xử với người thân của mình quá đáng như vậy. “... dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” mà - Đấy là anh nói trường hợp của nó thôi chứ anh thì chả giám làm thế - Có thể thời đó nó không làm ra tiền... chứ mấy trường hợp bạn anh thì vợ có thế nào thì chúng cứ mặc, chúng cứ lẳng lặng làm! Vợ có điên khùng lên thì rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận thôi. Có nhiều lựa chọn cho các bà vợ mà...
- Anh nói thế là em chưa thông đâu nhá! Phải thuận vợ thuận chồng chứ!
- Ai chẳng muốn thuận vợ thuận chồng? Khi người ta biết rõ là bà vợ sẽ phản đối thì nói ra làm gì để căng thẳng? Trong khi mình vẫn phải làm tròn bổn phận của một người con, người anh trong gia đình... lẽ ra con vợ hiểu và thông cảm cho chồng thì đâu nên chuyện? “Anh em kiến giả nhất phận”, mỗi người đều phải tự lo liệu cuộc sống của mình. Nhưng không phải vì thế mà thờ ơ, vô cảm nếu như mình có điều kiện hơn.
- Các ông cứ bao biện... bây giờ vợ già rồi, thích lấy vợ trẻ thì cứ nói, lại còn bày đặt ra này nọ.
- Người vợ cần cư xử sao cho người chồng được ấm lòng, kể cả những giai đoạn chồng mình còn yếu thế chưa làm ra được nhiều tiền, thì bất cứ người chồng nào cũng thầm cảm ơn vợ. Nếu có gì hệ trọng xảy ra thì người chồng cũng không nỡ đối xử tệ với vợ. Vợ chồng tâm đầu ý hợp thì đi đâu cũng có nhau, sự việc nào của gia đình, của dòng họ cũng đều tham gia thì làm gì có cơ hội mà bồ bịch? Loại trừ những trường hợp là những kẻ vô văn hóa, chà đạp lên đạo lý làm người thì hầu hết là như thế đấy. Cái tình nó quan trọng lắm. Ngược lại, cuộc sống căng thẳng, buồn phiền về chuyện gia đình, thấy như có lỗi với người thân... thì người ta chỉ chờ có cơ hội để được giải tỏa. Khi gặp cô nào đó tôn trọng mình, nói ngọt như mía lùi, biết đề cao mình lên thì tự nhiên người ta thấy như sống lại. Đó là lúc người ta tự nhận thức lại mình, thấy cái phần đàn ông đích thực của mình được khơi gợi thì cũng là lúc muốn xóa ván cũ, làm ván mới.
- Tóm lại là các ông muốn lấy vợ mới, cứ dài dòng văn tự!... mà em hỏi thật nhé: Với con mụ vợ quạ khoang này thì anh có cảm thấy được ấm lòng không?
- Đời còn dài, sao đã có thể nói trước được?
- Khiếp! Già hết cả rồi, còn dài gì nữa? Tại sao chưa bao giờ thấy anh khen vợ lấy một câu?
- Anh khen thì vô nghĩa. Người ngoài khen mới quan trọng.
- Thế các cụ trong họ có khen cháu dâu, con dâu này bao giờ không?
- Hình như cũng thấy có một số người khen... lâu rồi, để anh nhớ lại xem nào...
- Khiếp! Chưa bao giờ khen vợ được một lần!