Thấy lạc đề qua tiết mục nhậu nhẹt quá, em phọt quả bài để các cụ mắng cho nó tập trung chuyên môn keke
2 Nhà ( căn hộ ) liền kế cùng một hướng, liệu phong thuỷ có như nhau ?
Đây là một câu hỏi mang tính kinh điển mà rất nhiều người thường đặt ra. Họ đặt câu hỏi có thể bởi vì họ mới tìm hiểu về thuật phong thuỷ - và đây là nan đề. Hoặc cũng có thể câu hỏi này họ đặt ra để nhằm phủ định phong thuỷ, hoặc chế diễu.
Thường thì người đặt ra câu hỏi này là người chưa tìm hiểu sâu về phong thuỷ. Nhưng cá biệt đã từng có một vài người được coi là bậc thầy về phong thuỷ VN cũng đưa ra thắc mắc này.
Trước tiên xin khẳng định rằng đối với bất cứ phương pháp phong thuỷ dương trạch nào đều coi mỗi một căn nhà sẽ có kết quả phong thuỷ khác nhau, không bao giờ giống nhau hoàn toàn. Lý do là sự tương tác Thiên Địa Nhân khác nhau với nguyên lý Nhất Vật Nhất Thái Cực. Phong thuỷ là một môn học thuật mang tính thực nghiệm - nghiệm chứng.
Mỗi phương pháp phong thuỷ đều có những cách phân tích - giải quyết về vấn đề này :
- Trung Châu Huyền Không sử dụng Bài Long Quyết để luận hung cát của mỗi căn nhà có chung hướng độ nhưng khác nhau về vị trí tương quan so với ngã 3 - ngã 4.
( Bài long quyết : Long đối sơn sơn khởi phá quân - phá quân thuận nghịch lưỡng đầu phân ). Hình 1
- Dương Công Cổ Pháp dùng phương vị xuất thuỷ và tứ đại cục thuỷ để định cát hung nên phân kim của mỗi ngôi nhà sẽ cho những kết quả khác nhau.
- Ở một mức độ nào đó, phương pháp phong thuỷ Dương Trạch Tam Yếu được cho là dễ hiểu và đơn giản hơn rất nhiều. Tam yếu trong dương trạch chính là : Chủ - Môn - Táo. Chủ : phòng ngủ chính, Môn : cửa chính, Táo : bếp. Phương pháp này coi trọng sự phối hợp hài hoà giữa 3 yếu tố quan trọng của ngôi nhà căn cứ theo quẻ Dịch.
Vì vậy bài viết này sẽ giới thiệu và ví dụ cụ thể theo Dương Trạch Tam Yếu. Phương pháp này đem ba yếu tố quan trọng của một ngôi nhà tạo thành những tổ hợp cát hung khác nhau.
8 loại cửa chính + 8 loại phòng chủ + 8 loại bếp, ta sẽ có 512 tổ hợp cát hung.
Case study
Có hai ngôi nhà ( căn hộ ) liền kề, cùng mở cửa nhìn về hướng bắc ( Hình 2 ).
1. Căn hộ A ( hình 3 ) có cửa mở tại Tây Bắc ( cung Càn ). Bếp cũng tại cung Càn. Phòng ngủ chính nằm tại phía Đông cung Chấn. Theo Dương trạch tam yếu, cửa Càn kết hợp phòng chủ Chấn là quẻ hung Ngũ Quỷ, nên có câu Quỷ nhập Lôi môn thương trưởng tử là vậy. Và đây được coi như Ngũ Quỷ hung trạch. Vốn dĩ bếp đặt tại cung Càn nếu xét theo cửa Càn thì là bếp Phục vị, nhưng 2 Càn với 1 Mộc là tượng Tam dương đồng cư - 2 kim khắc mộc, đại hung.
Kết luận là căn hộ A là hung trạch với bố trí như trên.
2. Căn hộ B ( hình 4 ) có cửa mở tại Đông Bắc ( cung Cấn ). Bếp cũng đặt tại cung Cấn. Phòng ngủ chính nằm tại phía Tây cung Đoài ( đảo ngược lại so với căn hộ A ). Theo Dương trạch tam yếu, cửa Cấn phòng chủ Đoài là quẻ Diên Niên cát tinh, Cấn tượng trưng cho núi, Đoài tượng trưng cho đầm ( trạch ) - Sơn trạch thông khí, đại vượng trạch. Căn hộ này được coi là Diên Niên cát trạch. Kim thổ tương sinh, vợ chồng chính phối, thiếu niên đăng khoa. Với cửa Cấn, bếp Cấn chính là bếp Phục Vị, với phòng chính, bếp Cấn là bếp Diên Niên, đều là cát tinh tương phối.
Kết luận căn hộ B là cát trạch theo Dương Trạch Tam Yếu.
Vậy đã rõ, cùng một hướng độ, cùng cảnh quan
nhưng các bố trí bên trong ngôi nhà sẽ quyết định sự cát hung của ngôi nhà đó, ngoài ra yếu tố Nhân mệnh cũng là một yếu tố quan trọng cần phải xét đến một cách cụ thể.
Mỗi phương pháp phong thuỷ đều có ưu nhược điểm riêng, và chắc chắn nếu không cùng hệ lý luận thì không bao giờ nên sử dụng chung. Với 2 ví dụ trên theo Dương trạch tam yếu sẽ khác hoàn toàn với Huyền không phi tinh, vì vậy không bao giờ nên dùng chung theo kiểu 1 chân đi guốc 1 chân đi giày.