Theo em thì đó là điềm xấu cụ ạ. Báo hiệu 1 năm khó khăn và nhiều bất trắc.
Mưa đá làm hỏng hàng nghìn nhà dân
Ba đợt mưa đá chiều tối 24/1 (30 Tết) khiến hơn 2.500 ngôi nhà ở tỉnh Bắc Kạn bị hư hỏng mái, kinh phí khắc phục khoảng 30 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, từ trưa đến 21h30 ngày 24/1, địa bàn xảy ra ba đợt mưa đá. Hơn 2.540 ngôi nhà bị hỏng mái, mức độ hỏng trên 50%. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Ngân Sơn (1.659 nhà), Chợ Mới (416), Bạch Thông (388), Na Rì (54), Chợ Đồn (25).
Sáng 25/1 (mùng 1 Tết), Đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng, Phó trưởng Ban Thường trực Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu, đã lên Bắc Kạn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo người dân đón xuân, ổn định nơi ở.
Ngoài Bắc Kạn, từ hôm qua đến hôm nay, nhiều tỉnh thành như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa cũng xuất hiện mưa đá. Tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trận lốc xoáy cùng mưa đá đã làm tốc mái 13 ngôi nhà.
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ đêm đến 4h sáng nay, 10 trên 11 huyện, thành phố của tỉnh bị mưa đá và giông lốc. Thống kê ban đầu gần 2.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng mưa đá, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
|
Mưa đá làm thủng mái nhà dân ở Lạng Sơn. Ảnh: Dương Thị Thịnh. |
Tại các xã Phương Tiến, Phong Quang, Phương Độ ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, mưa đá rơi trong khoảng 10 phút, từ 13h25, phủ trắng xóa đường đi. Anh Nguyễn Văn Nhẫn, 18 tuổi, xã Phương Độ, cho biết những viên đá to hơn hòn bi ve làm dập nát hết vườn rau và cây cối quanh nhà. "Cũng may nhà của người dân tộc Tày lợp bằng lá cọ nên không thủng mái", anh nói.
Tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), 8h sáng nay trong cơn giông, mưa đá rơi rào rào xuống sân bê tông, mái nhà. "Mưa kéo dài khoảng 10 phút, song đá rơi chỉ khoảng 3 phút, làm một số diện tích ngô sắp thu hoạch, mía và cây tràm bị gãy đổ", ông Nguyễn Văn Trinh, xóm trưởng xóm 4 xã Nghĩa Bình nói.
Mưa đá kèm gió giật tại xóm 4, xã Nghĩa Bình sáng 25/1. Video:
Nguyễn Hải.
Ghi nhận của cơ quan khí tượng, từ 19h ngày 24/1 đến 7h sáng nay miền Bắc mưa phổ biến 10-30 mm. Một số trạm mưa lớn hơn như: Đình Lập (Lạng Sơn) 60 mm, Phả Lại (Hải Dương) 100 mm, Hà Nội 80 mm, Bến Hồ (Bắc Ninh) 120 mm. Mưa đã gây ngập cục bộ ở Hà Nội trong đêm giao thừa.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, giông lốc, mưa đá xuất hiện do sự tương tác của không khí lạnh với hội tụ gió trên cao. Tháng 1 vẫn là chính đông, thời tiết chủ đạo là rét, mưa nhỏ, mưa phùn, việc xuất hiện mưa đá vào thời điểm này là hiếm gặp (thường giao mùa tháng 4-5 và 9-10 mới có).
|
Mưa đá phủ trắng lối đi ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Văn Nhẫn |
Cơ quan khí tượng cho biết, không khí lạnh từ Trung Quốc sáng nay đã tràn xuống miền núi phía Bắc, chiều và đêm nay sẽ tới Đông Bắc Bộ (gồm Hà Nội), sau đó đến Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, hôm nay Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa (16-50 mm trong 24 giờ), có nơi mưa to (50-100 mm trong 24 giờ) và giông. Trong cơn giông, người dân cần đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, sấm sét, mưa đá.
Đêm nay, mưa có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, nhiệt độ giảm 4-6 độ so với hôm qua. Riêng Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm nay trời rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ trở xuống), vùng núi có nơi rét hại (trung bình ngày từ 13 độ trở xuống). Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá.
Dự báo đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ kéo dài 4-5 ngày