Còn ít ngày nữa là khai mạc World Cup Russia 2018, em làm post này để mọi người ôn lại những kỷ niệm về các kỳ WC đã qua.
Với em thì WC để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất là WC USA 1994. Đây là thời kỳ nước ta kinh tế bắt đầu khá lên, nhiều gia đình đã có vô tuyến xem trực tiếp, thông tin bên lề qua các báo cũng nhiều hơn các WC trước.
WC này vẫn giữ thể thức 24 đội chia 6 bảng, lấy nhất nhì + 4 đội thứ ba có thành tích cao nhất vào vòng loại trực tiếp nên nhiều bảng phải tận vòng cuối mới an bài. Bảng có Ireland, Ý, Na Uy, Mexico hết vòng bảng cả 4 đội đều cùng được 4 điểm nhưng Na Uy bị loại vì kém chỉ số phụ.
Em cũng như nhiều người hâm mộ khác, vẫn dành sự ủng hộ cho các đội bóng Đông Âu bởi cái gốc XH-CN. Nga bị loại ngay sau vòng bảng nhưng vẫn để lại kỷ niệm khó quên khi Salenko trong trận cuối gặp Cameroom ghi một mạch 5 bàn để rồi cùng Stoichkov của Bulgaria cùng đạt danh hiệu Vua Phá Lưới với mỗi người 6 bàn thắng. Romania và Bulgaria cũng có những hành trình đẹp khi lần lượt loại các ứng cử viên nặng ký là Argentia và Đức. Trong đó, trận Bulgaria loại Đức để vào bán kết được coi là bất ngờ lớn nhất giải, cả BTC giải cũng bị động trong công tác truyền thông sau trận đấu vì họ không ngờ chuyện Đức bị loại đã xảy ra.
Thời kỳ đó, VN đã bang giao với Nam Triều Tiên và trong WC này rất nhiều người xem đã cổ vũ cho đại diện châu Á như thể là đội nhà, và HQ đã gây ấn tượng mạnh ngay trận đầu ra quân khi cầm hòa Tây Ban Nha 2-2 và ở trận cuối dù thua những cũng làm cho Đức một hiệp hai khiếp vía.
Một đội châu Á khác là Arab Saudi cũng thi đấu thành công khi vượt qua vòng bảng, kỷ niệm đẹp nhất về đội này là cú solo ghi bàn từ sân nhà trong trận thắng Bỉ 2-1. Truyền hình sau đó phát đi phát lại pha này nhiều lần.
Tính theo thành tích vòng bảng thì Ý là đội kém nhất trong số các đội được vào vòng loại trực tiếp. Nhưng kể từ đây cho tới trước giây cuối cùng của WC, Roberto Baggio đã tỏa sáng để đưa Ý loại lần lượt Nigeria, Tây Ban Nha, Bulgaria để vào trận chung kết gặp Brazil. Ở quả đá cuối cùng trong loạt Penalty thì chính Baggio là người đá hỏng và bỗng nhiên bị coi là tội đồ. Thật là oan nghiệt cho Baggio vì kể cả khi anh có đá vào quả đó thì phía Brazin vẫn còn một lượt chưa đá và khả năng Ý thua vẫn là rất cao.
WC này thì Anh và Pháp không giành được vé tham dự, nhưng châu Âu ngoài hai điều thú vị mang tên Romania và Bulgaria thì còn có Thụy Điển với những Martin Dalin, Thomas Brolin, Henrik Larson cũng trình diễn một lối đá đẹp mắt. Thụy Điển cuối cùng đã giành hạng 3 WC.
Ba đội Nam Mỹ được kỳ vọng tiến sâu là Brazil, Argentina, Colombia thì kết thúc theo 3 kịch bản khác nhau: Colombia bị loại thê thảm ở vòng bảng và dẫn tới sự việc một cầu thủ bị bắn chết tại quê nhà sau WC, Argentina sau sự cố của Maradona thì bị Romania loại trong một trận đấu hấp dẫn, còn Brazil với sự tỏa sáng của cặp tiền đạo Romario-Bebeto đã mang về danh hiệu VĐTG thứ 4!
Riêng về chủ nhà Mỹ, mặc dù bị đánh giá là yếu về chuyên môn nhưng với tinh thần thi đấu máu lửa để "quyết không trở thành đội chủ nhà đầu tiên bị loại ngay từ vòng bảng", cùng với sự may mắn khi Colombia đá phản lưới nhà đã có suất vào vòng sau gặp Brazil. Ở trận gặp Mỹ, Brazil đã phải chơi một trận được họ coi là "khó nhất" mới loại được Mỹ. Hình như trận này có tình huống Leonardo phía Brazil bị thẻ đỏ sau khi dùng cùi trỏ đánh chảy máu mũi Tab Ramos của Mỹ.
Ở WC này, Maradona dính bê bối chất cấm và điều này cũng ảnh hưởng không ít tới Argentina. Sau giải Maradona tuyên bố vụ bê bối này có bàn tay nhám nhúa của Mỹ vì Mỹ biết Maradona chơi thân với Fidel Castro!
Giải lần này có một tình huống thú vị là một cầu môn trong trận Bulgaria-Mexico bị sập xuống nên trận đấu phải tạm ngưng ít phút để BTC thay cầu môn mới!
Riêng với người xem ở VN, chắc không ai quên sự kiện trận tranh hạng ba giữa Thụy Điển và Bulgaria bị ĐTHVN ngưng không phát sóng để chia buồn với Triều Tiên vì chủ tịch Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong Un) mới qua đời.
Sau WC này, em vẫn theo dõi khá đầy đủ các WC sau nhưng cảm giác về sự háo hức và lôi cuốn không còn nhiều như trước.
Em biên tập thêm chút cùng cụ giải năm 94 nhé.
Giải mất 2 nhà cựu VD là Uruquay và Anh. Trong khi Uruquay có Francescoli, Fonseca và Ruben Sosa thua ở vòng bảng trước Bolivia, thì Anh cũng bất ngờ khi không hơn được Norway trong bảng vòng loại của mình.
Những sự vắng mặt đáng tiếc khác gồm Bồ Đào Nha, do lứa các nhà vô địch trẻ thế giới 89, 91 cũng đang ở phong độ cao; Đan Mạch- ĐKVD châu Âu, có Michael Laudrup trở lại; Nam Tư- ngay từ đầu đã không còn ở bảng 5, khiến mọi chuyện của Nga và Hy lạp dễ dàng hơn rất nhiều; Tiệp Khắc- lần xuất hiện cuối cùng ở vòng loại. Và hai sự vắng mặt đáng tiếc nhất vào giờ chót của Pháp và Nhật Bản, để thua bàn ở phút 90 trong trận cuối cùng của vòng loại.
Argentina phải chơi play-off sau khi thua bẽ mặt Colombia 2 lượt, trong đó trận 0-5 chắc là một trong những trận thua nặng nề nhất của họ. Phải vòng qua 2 lượt với Australia, với sự trở lại của Maradona. Trong một thể trạng béo ị và nặng nề, nhưng đúng phẩm chất của một huyền thoại bóng đá, chỉ cần một cú câu bóng đã đủ khién đội chuột túi phải chờ cơ hội góp mặt, sau lần duy nhất 1974.
Trong vòng loại, khán giả ở Vn được xem mọt số trận phát lại của Nga và Pháp ở VTV2 qua kênh R1 và TFI, em không biết Italia 90 có được xem như thế không. Còn không khí vòng loại được BDQT và TTVH truyền tải rất đều đặn.
Trước khi giải diễn ra, cuối năm 93 có giải tứ hùng US Cup, coi như là sự kiện khởi động. Đén sát ngày tranh tài, xảy ra sự cố tảy chay đội tuyển của Ruud Gullit và hàng loạt cầu thủ S.N.G khi không còn đặt nặng vấn đề tổ quốc và dân tộc.
Đài THVN phát series Lịch sử World Cup khoảng 10 ngày trước khi giải khởi tranh, bắt đầu từ tổng hợp 1958, đến giải 1966 là có thước phim màu. Tiếng bình luận của BLV Huy Hùng, em cho là rất hợp với không khí huyền hoặc của ngày hội bóng đá. Còn nhớ đi liền là quảng cáo Dunhill có tiếng nhạc giai điệu Blue Danube, cặp đôi ngồi trên thảm cỏ xanh, chứ h chắc để quảng cáo thuốc lá, luật sẽ bắt dùng hình ảnh hai ông thủng phổi nằm trong viện. Riêng về documentary cho Lịch sử WC, em mới ngó trên fifa.com, có từ trận CK 1930, còn cỡ năm 54, 58 đã nét căng như HD, công nhận thế giới kinh khủng thật.
Nước Mỹ có thể đá bóng không giỏi, nhưng về làm tiền đúng là bậc thầy của thế giới. Chủ tịch BTC Alan Rothenberg kêu gọi tài trợ dễ dàng, suy cho cùng, các nhãn hàng tốt nhất là từ Mỹ mà ra. Bố trí lich sân đấu cũng tính đến việc đội tuyển sẽ đá ở nơi có cộng đồng nhập cư đông đảo, như Hy Lạp, Ireland, Italy. Chả thế mà các sân toàn cỡ 6, 7 chục nghìn gần như không có trận nào có ghế trống. Sau này em nhớ đâu thống kê là các chủ nhà khác thì lỗ, riêng Mỹ thì cả WC và Olympic làm là lãi. (??).
Các kỷ niệm của bác x2bx2 đã là những gì hay nhất của cuộc tranh tài.