CÁI BONG BÓNG LỢN
Copy của
www.xuankhe.com
Không biết các bạn bằng tuổi mình ở những miền quê khác có chơi cái bong bóng lợn (heo) không? Lớp nhỏ tuổi hơn (tức khoảng u50) thì chắc không biết trò chơi này vì đã có những đồ chơi hiện đại rồi, từ khoảng 1975 về lại ít ra cái bóng bay cũng không còn quý hiếm nữa, ngay cả ở nông thôn, miền núi.
Đó là cái bong bóng (quê tôi gọi thế) tức là cái bọng đái của con lợn. Chỉ có ngày Tết mấy gia đình mới chung nhau làm thịt một con lợn để ăn Tết, nhà tôi thường nuôi một chú từ cả năm trước để cuối năm “xử lý" vào ngày 29-30 Tết. Đám trẻ như chúng tôi đếm từng ngày để được cho cái bọng đái ấy, đương nhiên con chủ nhà nuôi lợn mới có đặc quyền ấy. Phải chăm chỉ đun nước sôi, làm các việc vặt lăng săng xung quanh giúp người lớn để lấy cảm tình, rồi tìm thời cơ để ngỏ lời trước kiểu xí phần, đến lúc mổ bụng con lợn phải đứng gần đấy (nhưng không làm vướng chân người lớn) để xin đúng lúc người ta lôi ruột gan lòng mề con lợn ra và phân loại.
Xin được rồi là chạy biến đi chỗ khác để gia công thành cái bóng bay làm đồ chơi.
Đầu tiên là bóc cẩn thận những mỡ và bạc nhạc dính xung quanh cái bọng đái, lấy vôi bóp thật kỹ (càng lâu càng tốt), rửa sạch rồi lộn ngược, lặp lại việc dùng vôi bóp kỹ - rửa sạch - dùng muối hạt bóp kỹ - rửa sạch và lặp lại việc này nhiều lần nhằm mục đích luyện cho cái bọng đái ấy mềm, mỏng ra.
Khi đã sạch sẽ, lộn theo chiều ngược rồi kiếm một cái ống (cọng lá đu đủ chẳng hạn) lồng vào đoạn đầu ống bong bóng để thổi càng căng càng tốt. Dùng một đoạn dây chỉ buộc chặt đầu ống tay lăn thật kỹ quả bóng trên nền gạch sạch. Sau khi quả bóng đã mềm lại thì lại gỡ chỉ để thổi tiếp cho thật căng sau đó lặp lại việc nhào bóp - thổi căng - nhào bóp khoảng 5-7 lần.
Thế là có một quả bóng to cỡ quả bưởi hoặc hơn tùy trình độ gia công - là niềm tự hào với đám trẻ trong xóm. Đứa nào cũng muốn sờ vào một tý, chỉ có đứa em gái là được đặc quyền cầm vào một lúc thôi, bọn hàng xóm chỉ được đứng nhìn!
Quả bóng chỉ chơi được 1 ngày, đến tối phải hong lên bếp lửa cho nó khô dần, không bị thối thì hôm sau mới chơi tiếp được. Nếu giỏi bảo quản, chế biến thì sau Tết vẫn chơi được nhưng lúc này bên trong có mùi thối, bên ngoài thì dính bụi bẩn đen xì rất khó coi.
Ngày nay đồ chơi đã quá hiện đại, đẹp đẽ, sạch sẽ thì những trò của thế hệ tôi không thể tồn tại được vì mất vệ sinh, xấu xí... Nhưng mỗi thời phải có trò của mình chứ.
(Ảnh sưu tầm internet chỉ có tính minh họa)