"Hôm nay, Điện Biên Phủ, tôi không lấy tiền của người VN'
Nơi nào có người Việt Nam, họ mua sâm-panh ăn mừng. Một kiều bào hôm ấy mang một đôi giày cũ đi chữa, gặp ông thợ người Algeria, ông ấy bảo: "Hôm nay, Điện Biên Phủ, tôi không lấy tiền của người Việt Nam". Cố giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới) Nguyễn Khắc Viện sau này khi hòa bình lập lại đã viết những dòng hồi ức của những ngày tham gia tổ chức phong trào cách mạng của Việt kiều trên đất Pháp, với những hoạt động báo chí, tuyên truyền bí mật, gây dựng phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ ở trong nước.
Xuất bản bí mật
Một trong những khoảnh khắc của thời kỳ đó được ông Nguyễn Khắc Viện kể lại, đó là cho đến năm 1952, Chính phủ Pháp còn ra vẻ rộng rãi với Việt kiều ở Pháp và còn hy vọng tranh thủ một số kiều bào, đặc biệt là các trí thức về với Bảo Đại. Nhưng đến cuối năm đó, thấy rõ hết hy vọng lôi kéo kiều bào ta đi với ngụy quyền, nhà cầm quyền Pháp giở trò khủng bố.
5h sáng 13/12/1952, cảnh sát đến nhà một số anh chị em phụ trách các tổ chức Việt kiều, một số chúng bắt về giam ở Sài Gòn, một số thả ra sau khi đe dọa sẽ thẳng tay trừng trị nếu tiếp tục hoạt động chính trị. Mặt khác, chúng buộc đóng cửa các trụ sở, báo chí, giải tán các hội của việt kiều, và mỗi lần có mít tinh, chúng cho côn đồ đến nhằm kiều bào mà đánh đập.
Ông kể:
"Tôi còn nhớ một lần sau một cuộc mít tinh lớn ở phòng Tương tế Paris, quá 12 giờ đêm, ra về, anh chị em Việt kiều tập hợp thành từng nhóm để tự vệ, đi theo là một số bạn Pháp. Bọn phát xít xông vào, hai bên đánh nhau dữ dội, đuổi nhau xuống tận đường tàu điện ngầm, buộc tàu điện phải ngừng lại, nhiều người bị thương. Có một vài cô cậu thuộc phe Bảo Đại, không phải đi mít tinh, nhưng đi chơi đêm về gặp bọn phát xít, bèn hô to lên: chúng tôi không phải Việt Minh, mà là phe Bảo Đại. Bọn phát xít Pháp chửi thề: tao không biết Việt Minh hay Bảo Đại, đều là dân Việt cả, rồi nện cho một trận nhừ tử.
Sau trận khủng bố đó, chúng tôi tổ chức lại phong trào việt kiều theo phương thức bí mật. Mỗi xí nghiệp lớn, mỗi trường đại học hay khu phố có đông người Việt Nam đều có một tổ đảng, và một tổ lấy tên là Quyết Thắng, gồm đảng viên và những quần chúng trung kiên để chỉ đạo và thúc đẩy phong trào của Việt kiều đóng góp vào phong trao chống chiến tranh của nhân dân Pháp.
Một tờ báo bí mật cũng lấy tên là Quyết Thắng ra đời. Qua một con đường đặc biệt, chúng tôi thường xuyên nhận được từ quê hương Việt Nam tờ Cứu Quốc hồi đó ra hàng ngày và tờ Nhân dân ra hàng tuần. Mỗi lần nhận được gói báo in trên giấy xám đen, chữ in nhiều khi không rõ, chúng tôi xúc động đến ứa nước mắt.
Chúng tôi thu lượm các tin tức trên báo, cố gắng tìm hiểu đường lối của **** và Nhà nước rồi viết lại hay đi nói chuyện phổ biến lại cho kiều bào. Và còn nói chuyện cho người Pháp, người Phi, hay viết bài gửi các báo Pháp, hoặc cung cấp tư liệu cho các nhà báo Pháp. Lâu lâu lại tổ chức gặp mặt "đồng hương", hình thức là anh chị em cùng tỉnh gặp nhau, hoặc mở những buổi ca kịch qua đó truyền đạt tin tức và đường lối, đồng thời biểu dương lực lượng. Anh chị em đi làm, đi học về, tối lại lao vào những công việc phân phát truyền đơn, đi gặp người này người khác tranh thủ lấy một chữ ký vào một bản kiến nghị, quyên tiền cho tổ chức.
Hình ảnh hầm của De Castries với cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nêu lên trang đầu các báo Pháp
Trước đó tôi phải nằm bệnh viện nhiều năm, có dịp quen thân với nhiều bạn Pháp, sau về Paris là cả một mạng lưới nhà quen, nay đến ở nhà này, mai đến ở nhà khác rất thuận tiện cho công tác bí mật. Nhờ vậy có chỗ an toàn ăn ở, gặp gỡ các anh em phụ trách nhóm này nhóm khác ngồi viết bài tiếng Việt hay tiếng Pháp...".
Hourra, Hồ Chí Minh
"Sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì báo chí Pháp ngày nào cũng nêu to lên, nào là chiến tích anh hùng của quân Pháp, nào là thất bại đắng cay của Việt Minh, nào là tội ác của cộng sản. Tuyên truyền cuộc đấu tranh giành dư luận giữa hai phe tả và hữu ngày càng sôi nổi. Anh em sinh viên châu Phi tham gia ngày càng hăng hái vào các cuộc mít tinh, diễu hành. ..
55 ngày đêm Điện Biên Phủ, anh chị em Việt kiều cùng các bạn Pháp tiến bộ và anh em châu Phi sống những ngày sôi động, tình cảm dân tộc và quốc tế dạt dào. Những bạn nước ngoài mỗi lần gặp chúng tôi cầm chặt cả hai tay, nhiều người ôm choàng lấy chúng tôi. Ngày 7/5, tất cả các báo Pháp đề tít lớn: Điện Biên Phủ thất thủ. Trên đường phố lớn ở Pari, những anh em cộng sản Pháp, sinh viên châu Phi gắn những tờ báo đó lên ngực diễu hành qua lại, bọn ********* phát xít cúi đầu im lặng.
Hễ người Việt Nam, bất kỳ là ai, ở xí nghiệp, ở trường học, trong tàu điện ngầm là họ hô to: Hourra, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ. Nơi nào có người Việt Nam, họ mua sâm banh ăn mừng. Một kiều bào hôm ấy mang một đôi giày cũ đi chữa, gặp ông thợ người Algeria, ông ấy bảo: "Hôm nay, Điện Biên Phủ, tôi không lấy tiền của người Việt Nam". Rồi ông ôm choàng bạn Việt kiều. Ngày hôm ấy, thật là hãnh diện làm một con em của Việt Nam, một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh hầm của De Castries với cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nêu lên trang đầu các báo càng làm tăng lòng hãnh diện ấy. Đến cả một số người trước kia theo Bảo Đại nay cũng vỗ ngực (trước người Pháp) là Việt Minh.
Phái đoàn Chính phủ ta đến Geneva. Việt kiều muốn ùa sang gặp nhưng không có hộ chiếu, và biên giới Pháp - Thụy Sỹ lúc ấy canh phòng rất nghiêm ngặt. Chỉ có những người có quốc tịch Pháp mới đi được. Một hôm, tôi lấy vé tàu từ Paris đến Annơmátxơ, một thị trấn của Pháp ở sát Geneva.
Theo hướng dẫn của các đồng chí Pháp, tôi đến gặp một đồng chí làm nghề nuôi gà, hàng ngày lái xe đi Geneva bán trứng, nên quen thuộc hết bọn lính biên phòng. Tối đến, anh cho tôi ngồi cạnh, chiếc mũ trùm lên đầu. Qua đồn gác, bọn lính gọi: "Ê, Pân, đi đâu đấy? - Đi Geneva xem cine". Thế là tôi qua lọt; xe chạy thẳng lại khách sạn của phái đoàn ta. Gặp nhiều anh em quen biết từ xưa, gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, tôi báo cáo cho phái đoàn Việt Nam về tình hình ở Pháp, tình hình bà con kiều bào. Mấy ngày ăn ở ấm cúng thân tình sâu sắc với các đồng chí trong phái đoàn, rồi anh Pân lại đưa tôi trở về Pháp".
Nguyễn Khắc Viện (trích theo Điện Biên Phủ - Tuyển tập hồi ký - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia)