Một cách nhìn của giáo viên về đề thi văn CNN, các cụ mợ tham khảo:
MỘT ĐỀ VĂN VƯỢT QUÁ KHẢ NĂNG HỌC SINH LỚP 9
Hôm qua, ngày 02/06/2018, một cháu gái bên hàng xóm là “sĩ tử” “lều chõng” đi tỉ thí vào lớp 10, Trường Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội về, nó vác cái mặt đưa đám sang nói với tôi: “Bác ơi! Cháu vỡ mộng rồi!” Tôi hỏi sao vậy? Nó nói cái đề văn “trường” ra hình như muốn “đuổi” học sinh chứ không phải là “chiêu sinh”, bác ạ! Nó vừa nói đưa cho tôi một tờ giấy có ghi đề, đây bác xem, đề thế này thì phải làm thế nào, cháu thấy quá khó, chẳng biết “chém” thế nào cho đúng. Tôi bảo sao không cầm đề về mà chép mỗi “phần II” thế này? Nó bảo đề bị thu lại, không cho cầm về, phần I, Trắc nghiệm 25 câu, cháu không thể chép, chỉ chép được Phần II thôi. Tôi trố mắt, sao lại thế chứ? Xem đề mà thấy bức xúc quá! Tôi chép ra đây và mạn phép các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ Ngữ văn, xin có đôi lời phân tích và nhận xét đề.
I. ĐỀ
PHẦN II. TỰ LUẬN (2 câu)
Câu 1. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi.
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước...
(Lá, Văn Cao)
Hình ảnh thơ “Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh” gợi cho em suy nghĩ, cảm xúc gì? Trả lời tiếp vào ý của câu sau với không quá 20 chữ.
Hình ảnh thơ “Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh” là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng...
Câu 2. Chế Lan Viên cho rằng:
Cuộc sống đánh vào thơ muôn ngàn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi!
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh ngắn gọn (không quá 200 chữ) bằng bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận (Ngữ văn 9, tập 1, trang 139, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).
II. PHÂN TÍCH VÀ NHẬN XÉT ĐỀ
CÂu 1
- Trước hết, đề ra thiếu tính khoa học, tính chính xác: Ngữ liệu đưa ra là một bài thơ có tên là “Thời gian”, không phải “đoạn” thơ. Phần dưới dẫn nguồn, xuất xứ sai, cẩu thả. Phải nói rõ là (“Thời gian” - 1987, trích trong tập thơ “Lá” của Văn Cao).
- Thứ hai, thiếu tính thực tiễn, tính sư phạm: Bài thơ này nằm trong chương trình Ngữ văn 10, một dẫn luận cho cơ sở lí luận văn học: Văn bản văn học và tính đa tầng, đa nghĩa của văn chương. Trong khi đó, chương trình Ngữ văn 9 chỉ có một bài thuộc phê bình lí luận về thơ: “Tiếng nói của văn nghệ” (Nguyễn Đình Thi), rất trừu tượng, rất khó đọc, có giáo viên bỏ qua không dạy cho học sinh. Vả lại, nó cũng không phục vụ gì cho đề này. Vậy khi chưa được học về lí luận văn học, thì làm sao học sinh có cơ sở nào để đọc hiểu bài thơ và đáp ứng được yêu cầu của đề đây?
Mặt khác, bài thơ “Thời gian” của Văn Cao mang tính triết luận, nhiều tầng, đa nghĩa... phải là người đã sống, đã trải đời, rất hiểu về nghệ thuật, về tình yêu, về cái đẹp...; hoặc đã được thầy cô giới thiệu, giảng giải thì mới có khả năng luận bàn được tính “biểu tượng” mà hai câu thơ gợi ra. Thế chẳng phải là người ra đề trên mây dưới gió, đặt nó vào mình chứ không phải đặt mình vào nó, để cảm, để hiểu, để ra đề cho sát đối tượng, phù hợp với trình độ, khả năng? Thường người ra đề phải nắm rất chắc: học sinh làm được không, làm thế nào và trong thời gian bao lâu? Có như vậy, đề mới đạt yêu cầu.
- Thứ ba, từ những thiếu khuyết trên, dẫn đến những yếu kém tiếp theo, đó là yêu cầu thí sinh thực hiện 2 thao tác nhưng chỉ dẫn lại rất rối rắm, mơ hồ và mang tính áp đặt. Ở chỗ, người ra đề không hiểu được nội dung, tư tưởng bài thơ.
Nhan đề bài thơ là “Thời gian” thì chủ đề của nó phải nằm trong tính thống nhất về nội dung và hình thức của văn bản. Cái logic của bài thơ là mối quan hệ giữa thời gian và đời người; thời gian với tự nhiên; cái vô hạn và hữu hạn; cái vĩnh hằng và cái vô thuỷ vô chung. Nghĩa là thời gian cứ vô tình, lạnh lùng trôi và cuốn theo tất cả những gì có trên dòng chảy của nó. Nó là vô tận, vô hạn còn đời người và chiếc lá là hữu hạn. Nó vô hình nhưng có sức tàn phá ghê gớm, đi qua kẽ tay mà làm héo ngón tay, làm khô chiếc lá. Thế nên, tất cả những kỉ niệm đẹp hay buồn gắn với cuộc đời thì cuối cùng cũng theo qui luật (sinh, lão, bệnh, tử) mà rơi rụng như tiếng sỏi rơi vào lòng giếng cạn (vô âm sắc, vô nghĩa, quên lãng, hư vô) mà thôi.
Nhà thơ khẳng định chỉ riêng những câu thơ, riêng những bài hát là còn xanh. Nghĩa là những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người là còn mãi mãi với thời gian. “Và đôi mắt em như hai giếng nước...” Phải chăng đôi mắt em là biểu tượng của tình yêu, Là cửa sổ tình yêu thăm thẳm, thuỷ chung, đẹp đến vô ngần mà trong cuộc đời không thể thiếu? Từ “riêng” được lặp đi lặp lại vừa như muốn minh định, vừa như muốn xác quyết một chân lí muôn đời: Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt với mọi thứ tầm thường và tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của Cái Đẹp - Cái Đẹp của Nghệ thuật và Tình yêu.
Do không hiểu tính logic của bài thơ nên đưa ra những chỉ dẫn rối rắm, áp đặt: nhặt ra 2 câu thơ ra, yêu cầu vừa “suy nghĩ” vừa phân tích, bình giảng, vừa nêu cảm xúc, mà chỉ trói trong 20 chữ. Vậy, người giỏi đến mấy cũng không thể dồn câu, ép chữ vào 20 chữ, với một nội dung như thế (tương đương với 01 câu đơn). Mặt khác, hai câu thơ nhặt ra nằm trong logic văn bản mà lại “mớm cung, mớm lời, áp đặt ”bằng một câu cho sẵn“ mang tính câu chủ đề”, ép thí sinh phải nói theo mình mà không được phép tự do sáng tạo. Như thế có phải ép một con vẹt nói theo mình không? Đổi mới triết lí giáo dục ở chỗ nào?
CÂU 2
- Thứ nhất, người ra đề vẫn rơi vào tình trạng trên: phi khoa học, phi thực tiễn và phi sư phạm. Ở chỗ:
Dẫn một ngữ liệu rất khó, hầu như học sinh không hiểu mấy về phong cách sáng tác của Chế Lan Viên và câu nói này thể hiện quan điểm gì của ông?
- Thứ hai, xét về ý nghĩa của hai câu thơ, Chế Lan Viên muốn nêu quan điểm sáng tác của nhà thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung. Cụ thể: Cuộc sống đòi hỏi rất nhiều ở sự sáng tạo của nhà thơ. Nhà thơ muốn có những tác phẩm hay, phục vụ cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu cao của công chúng thì phải “đi và viết”. Có đi thực tế nhiều thì mới hiểu được cuộc sống, mới “đổ mồ hôi sôi giọt máu cùng nhân dân” và cho ra được những tác phẩm hay mà nhân dân mong đợi. Ngược lại, cuộc sống cũng là mảnh đất, là ngọn nguồn sáng tạo, ngọn nguồn cảm hứng của thi ca: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Nếu “anh” chỉ ngồi trong phòng kín mà sáng tác thì chỉ “ăn bọt bể” do muôn ngàn con sóng ngoài cuộc sống đánh vào mà thôi. Thế có nghĩa là Chế Lan Viên nói về lí luận sáng tác văn chương, mối quan hệ giữa CUỘC SỐNG - NHÀ VĂN - TÁC PHẨM - ĐỘC GIẢ. Oh! Quả là chát chúa với trình độ, khả năng của một học sinh lớp 9. Xin thưa! Nói về quan điểm này, duy nhất chỉ có thể nhận biết qua bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên trong chương trình Ngữ văn 12 - sách nâng cao.
- Thứ ba, phi khoa học, phi thực tiễn, phi sư phạm ở chỗ, đưa ra 2 yêu cầu:
+ Giải thích ý kiến (qua 2 câu thơ trừu tượng, hàm nghĩa).
+ Chứng minh qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
Vậy, nếu như HS không hiểu “ý kiến” trên nói gì thì có dựa được vào bài thơ để chứng minh hay không?
Giả thiết, HS giải mã được 2 câu thơ thì cũng phải nắm thật chắc hoàn cảnh sáng tác bài thơ rằng: giữa năm 1958, Huy Cận đã đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, từ chuyến thực tế này, hồn thơ bơ vơ, ảo não của Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, về niềm vui của con người lao động miền biển, trên quê hương của họ. Cảm hứng đầy tự hào, phấn khởi, bay bổng, lãng mạn ấy đã được nhà thơ thể hiện trong bài thơ, qua chu trình hoạt động của đoàn thuyền đánh cá... Không khí yêu đời, yêu cuộc sống tràn ngập bài thơ cùng những hình ảnh thơ đẹp, kì vĩ... như mặt trời xuống biển... con thuyền lướt trùng khơi cùng tiếng hát... cùng buồm trăng, mây cao, dàn trận lưới, gò bụng biển... gọi cá vào... Hình ảnh những chàng trai khoẻ mạnh kéo lưới, giong thuyền... trong ánh bình minh nhô mặt biển...mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi... Chốt lại vấn đề: Nếu không có “đi” thì nhà thơ không thể có thi phẩm hay, làm xúc động lòng người, có tác dụng động viên khích lệ người lao động thêm yêu quê hương, đất nước và hăng hái xây dựng cuộc sống mới...
Về dung lượng, nếu HS làm bài xuôi thuyền mát mái mà gò kiến thức (2 yêu cầu như trên) vào 200 chữ thì liệu có thoả mãn được lượng kiến thức mà “đáp án” áp đặt không? Có phát huy được tính chủ động sáng tạo của HS khi làm bài không? Có đủ thời gian để giải quyết cả 25 câu trắc nghiệm và 2 câu tự luận này trong vòng 60 phút không?
III. BÌNH LUẬN
1- Đây là một đề văn phi thực tế, quá sức với khả năng của học sinh lớp 9. Kiến thức vượt qua vành đai chương trình dạy - học. Đề này chỉ có thể phù hợp với học sinh giỏi lớp 12, song cũng chưa chắc đã giải mã đạt yêu cầu. Và ngay cả giáo viên cũng chưa chắc đã nhằn nổi.
2- Cách ra đề khập khiễng giữa DẠY - HỌC - THI thế này thì học sinh sẽ bị “chết” một cách oan uổng và ngoạn mục. Bấy nhiêu ngày đổ mồ hôi trán dán mồ hôi... mông, gù lưng, lòi mắt, chạy show hết thầy nọ cô kia học hành mà nay “lều chõng” đi thi lại gánh về một thất bại nặng nề. Và ngược lại, trường cũng thất bát trong việc chiêu sinh, lấy ai mà dạy?
3- Vì sao trường thi lại không cho thí sinh mang đề về để có thời gian xem lại, suy ngẫm xem mình làm được đến đâu, sai hay đúng để rút kinh nghiệm cho lần sau? Thu đề vì bị sợ lộ đề ra ngoài, bị mổ xẻ gắp sạn, hay để sang năm cho thi lại mà không cần ra đề khác? Dù lí do gì thì nó cũng thể hiện việc cửa quyền, giấu dốt, bảo thủ, đi sai Luật Giáo dục VN.
4- Đề thi văn vào chuyên, giỏi hay tuyển sinh đại trà của Hà Nội, hầu như không năm nào không vướng “sạn” gây bức xúc cho dư luận xã hội. Thiết nghĩ trên cứ hô hào đổi mới “triết lí giáo dục” mà nó vẫn chỉ ở mãi trong “thời kì lí thuyết”, chưa bao giờ được đưa vào thực tế cả. Bởi cái lòng tự trọng về nghề nghiệp, cái trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai của những người leo cao chui sâu, nó thấp dưới mức sàn thì làm sao Việt Nam có một nền giáo dục đuổi kịp một số nước trong cùng khu vực như Lào và Campuchia được.
(P/S: Tôi nói với cháu rằng thôi về đi, đừng buồn, thua keo này bày keo khác. Bác chắc chắn đề này không phải do giáo viên của Trường Chuyên ngữ ra, mà có thể là Sở, Phòng hay Cục khảo thí... gì đó, được thuê ra đề... Nó oà khóc, vừa chạy đi vừa nói: “Nhưng cháu chỉ thích vào Chuyên ngữ để thực hiện được ước mơ làm phiên dịch của cháu thôi! Tôi nhìn theo con bé mà thấy tội nghiệp. Lòng nghẹn lại...)
Nguồn:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=640754892972692&id=100011145603752