P/S : vãi thật các cụ, 1 ban quản lý khu công nghiệp lại có quyền cho phép các thí sinh không đủ điểm chuẩn đậu DH
tỉnh Thanh Hoá nhiều chuyện lại thật
Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã đứng ra chủ trì tuyển được 439 học sinh THPT trên toàn quốc dù không đạt điểm chuẩn vẫn được nhập học ở nhiều trường đại học tại Việt Nam. Nguồn: KLAND
Các mùa tuyển sinh đại học gần đây đã xảy ra “chuyện lạ”: Không cần đạt điểm chuẩn đầu vào vẫn bước qua cánh cổng đại học, không phải đỗ vào trường “thường thường bậc trung” mà là những đại học danh giá ở Việt Nam. Trong 3 năm 2015, 2016, 2017, đã có 439 học sinh không đạt điểm chuẩn vẫn được nhập học ở các trường đại học (ĐH) như: Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Y-Dược Thái Bình, Trường ĐH Giao thông Vận tải... Điều lạ hơn là những thí sinh này đều trúng tuyển theo diện được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc.
Không có nhiệm vụ, vẫn được tuyển sinh!
Báo Lao Động nhận được phản ánh của nhiều sinh viên đang học tập tại Trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Y-Dược Thái Bình, Trường ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Thủy Lợi... về việc trong khoa, ngành mà các em đang theo học có những bạn có điểm thi THPT quốc gia thấp hơn mức điểm chuẩn của trường, nhưng vẫn được vào học.
Không biết vì lý do gì, nhưng sinh viên cảm thấy không công bằng. Trong khi các em phải đổ mồ hôi, học ngày học đêm, nhiều bạn chỉ vì thiếu 0,25 điểm mà không có cơ hội vào được trường mơ ước. Vậy mà, có thí sinh thiếu từ 1-2 điểm so với điểm chuẩn, vẫn ung dung ngồi trên giảng đường.
Đây là một chuyện lạ, nhưng càng lạ hơn khi những thí sinh này đều trúng tuyển theo diện được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc.
Vì sao một ban quản lý khu kinh tế ở địa phương lại đứng ra tuyển sinh, liên kết với các trường ĐH, rồi “giúp” được thí sinh không đủ điểm chuẩn vẫn trúng tuyển vào các trường ĐH lớn ở Hà Nội? Căn cứ vào quy định cụ thể nào để xét tuyển thấp hơn từ 1- 2 điểm so với điểm chuẩn vào từng ngành trong các trường? Việc này có làm mất cơ hội của những học sinh khác? Việc tuyển sinh có minh bạch, công tâm, khách quan? Rất nhiều câu hỏi mà chính những sinh viên đặt ra khi biết những “chuyện lạ” này.
Chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu để có câu trả lời cho sinh viên. Theo thông tin của Lao Động, ngày 27.10.2014,
ông Vương Văn Việt - thời điểm đó là Phó ************* tỉnh Thanh Hoá - ký QĐ số 3588/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Khu Kinh tế Nghi Sơn) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.
Trong 3 nhóm nhiệm vụ, không có bất kỳ nhiệm vụ nào cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì, đầu mối với các trường đại học, tuyển sinh học sinh THPT trên toàn quốc đi học trình độ ĐH.
Ngày 27.4.2015, ông Phạm Đăng Quyền - Phó ************* tỉnh Thanh Hoá - ký quyết định số 1582/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án. Kế hoạch 1582 cũng tập trung các giải pháp đào tạo nghề và thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Trong 5 nhóm giải pháp, cũng không có nhiệm vụ nào cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn được đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học đại học.
Không có căn cứ, không được phép, tại sao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn làm được điều này? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) để tuyển sinh. Những thí sinh có nhu cầu đi học ĐH sẽ được các đơn vị này “gửi” hồ sơ ra các trường ở Hà Nội.
Trong 3 năm 2015, 2016, 2017, đã có 439 học sinh đi học ở các trường ĐH theo dạng này. Cụ thể, năm 2015, có 34 học sinh nhập học Trường ĐH Thuỷ Lợi. Năm 2016 tuyển được 156 học sinh đi học ở các trường: ĐH Y dược Thái Bình: 4; ĐH Thuỷ Lợi: 7; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 68...
Năm 2017 tuyển được 249 học sinh trở thành sinh viên chính quy của các trường: ĐH Y dược Thái Bình: 19; ĐH Giao thông Vận tải: 21; ĐH Ngoại Thương: 23; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 83; ĐH Kinh tế quốc dân 103.
Tất cả học sinh đi học theo dạng này đều được vào học ở các khoa danh giá, chính quy, có điểm tuyển đầu vào ĐH cao. Đáng lưu ý, trong thông báo tuyển sinh này, điểm chuẩn đầu vào được xác định thấp hơn điểm chuẩn đầu vào cùng chuyên ngành đào tạo của trường ĐH từ 1-2 điểm. Chẳng hạn, điểm chuẩn đầu vào ngành Y khoa, ĐH Y Dược Thái Bình tuyển sinh đầu vào năm 2017 là 27,5 điểm nhưng nhận hồ sơ với điểm tuyển thấp hơn 1-2 điểm.
Ai cho phép điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vẫn trúng tuyển?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, một trong những trường đang có sinh viên trúng tuyển theo hình thức như đã nói ở trên - cho biết, trường làm đúng theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đạo tạo (GDĐT) về việc đào tạo nhân lực theo cơ chế đặt hàng. Hằng năm, trường vẫn tuyển sinh theo cơ chế này nếu được Bộ GDĐT giao chỉ tiêu, hoặc nhận được các văn bản “đặt hàng” của địa phương.
Việc xét tuyển có khác (điểm xét tuyển thấp hơn từ 1-2 điểm so với điểm chuẩn vào trường), nhưng thí sinh xét tuyển theo diện này sẽ vào học cùng với các thí sinh xét tuyển theo quy chế tuyển sinh, được hưởng mọi quyền lợi như những sinh viên khác.
Lãnh đạo Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng cung cấp cho phóng viên văn bản số 2403 ngày 5.6.2017 của Bộ GDĐT do ông Bùi Văn Ga (khi đó là ********** Bộ GDĐT) ký. Văn bản nêu rõ: Bộ GDĐT nhận được công văn số 4032 ngày 18.4.2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghỉ bổ sung chỉ tiêu để đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Bộ chấp thuận đề nghị này và giao chỉ tiêu cho các trường. Trong đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải được giao 85 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo.
“Chỉ tiêu giao là vậy, nhưng thực tế nhà trường chỉ tuyển được 24 sinh viên. Đúng là điểm trúng tuyển của các thí sinh này thấp hơn so với điểm chuẩn của trường, nhưng văn bản của Bộ GDĐT cho phép tuyển như vậy, miễn là thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn”- ông Nguyễn Thanh Chương cho hay.
Cũng theo đại diện Trường ĐH Giao thông Vận tải, trong số 24 thí sinh trúng tuyển theo diện này, hiện chỉ còn 20 em vẫn đang theo học. Những sinh viên này vẫn theo được chương trình đào tạo của nhà trường. 4 người còn lại đã bỏ học hoặc bị buộc thôi học.
Những câu hỏi về đối tượng tuyển sinh
Tiếp tục tìm hiểu để có câu trả lời cho thắc mắc của sinh viên “cơ sở nào để thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vẫn trúng tuyển?”, phóng viên liên hệ với ông Bùi Văn Ga - nguyên ********** Bộ GDĐT, người ký các văn bản giao chỉ tiêu tuyển sinh cho trường ĐH, để thực hiện đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo ông Ga, năm 2015, sau khi nhận được đề xuất của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ về việc đào tạo nhân lực cho khu vực này, Bộ GDĐT đã ban hành công văn số 4348/BGDĐT-GDĐH về việc đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Tại công văn này, Bộ GDĐT cho phép thí sinh có điểm thi THPT quốc gia thấp hơn điểm chuẩn vào ngành học (không thấp hơn quá 2 điểm) vẫn được trúng tuyển.
Giải thích lý do vì sao lại đưa ra “tiêu chí lạ”, khi tuyển sinh theo cơ chế đặt hàng lại được “ưu tiên” từ 1-2 điểm, ông Bùi Văn Ga nói rằng, thời điểm đó, các địa phương có đề xuất như vậy để hỗ trợ họ trong việc thu hút nhân lực. Thậm chí, một số địa phương còn kiến nghị cho họ tuyển thí sinh dưới điểm sàn, nhưng Bộ GDĐT không chấp thuận, vì phải đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục đại học.
Nếu căn cứ thực hiện đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn là theo công văn 4348, thì trong công văn, phóng viên không tìm được dòng nào nói đến việc áp dụng được cho cả Thanh Hóa mà chỉ là các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ mới được tuyển sinh như vậy.
Ngoài ra, đặt giả thiết việc tuyển sinh này thực hiện được theo công văn 4348 của Bộ GDĐT, thì việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc cũng không đúng. Vì trong công văn 4348 nêu rõ,
đối tượng tuyển sinh là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh trong khu vực. Đằng này, thí sinh trúng tuyển, phần lớn có hộ khẩu ở Hà Nội, vào học các trường danh giá ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, số
thí sinh trúng tuyển ở Hà Nội năm 2017 là 12 thí sinh, trong đó Thanh Hóa chỉ có 3 (thí sinh ở Hà Nội nhiều gấp 4 lần thí sinh có hộ khẩu ở Thanh Hóa). Các trường khác cũng tương tự, phần lớn thí sinh Hà Nội trúng tuyển theo diện thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Đây là những câu chuyện lạ mà sinh viên mong muốn phía Thanh Hóa, các trường đại học như đã dẫn ở trên, Bộ GDĐT có câu trả lời rõ ràng, minh bạch để đảm bảo công bằng cho sinh viên “
học thật thi thật”.
Trao đổi với Lao Động,
ông Nguyễn Đình Xứng - ************* tỉnh Thanh Hoá - cho hay, ông không hay biết về việc tuyển sinh này. Mọi việc do một phó chủ tịch thực hiện.
Theo ông Xứng, cái sai ở đây là thực hiện không theo quy định. Đáng lẽ phải thành lập hội đồng, xin ý kiến và thực hiện mọi việc công khai minh bạch nhưng thực tế, những người thực hiện lại chủ quan, không rõ ràng.
https://laodong.vn/xa-hoi/khong-dat-diem-chuan-439-thi-sinh-van-do-cac-dai-hoc-danh-gia-811948.ldo