Tôi tới Huế năm 15 tuổi, chẳng biết câu thơ của cụ Bính "Trời mưa ở Huế sao buồn thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày". Tháng 8 dương, mưa dài và nỉ non như mưa hồi sau bão bắc bộ. Chả quen gì ngoài địa danh chợ Đông Ba, thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, mà thắc mắc Huế có em nào mặt chữ điền đâu. Xưa, thời 199x, Huế là áo dài tha thướt, màu tím đi dưới rặng cây vương màu đế kinh.
Sau này, khi trưởng thành rồi, qua Huế, đọc sử rồi, nhìn thế đất Huế, rồi những ngày Huế - Đà tử thủ, bỏ Huế, thủ Đà thời 1975. Mới thấy Huế thật là khác biệt. Cũng sau này mới biết, Huế có cồn Hến và cồn Dã Viên, gọi là tả thanh long, hữu bạch hổ thế đất của các ông địa lý (
), trước mặt là sông Hương êm đềm, xa xa nhìn ra núi Ngự Bình. Tuy rằng, các cụ chọn như vậy, nhưng có dòng sông chảy sau lưng thành, nên, cũng theo phong thủy mà nói, không vững, Huế bị tẩn trận nào, tan tác trận đó
Rồi ngược theo bờ sông mà đến khu Hổ Quyền, nơi tập voi, hổ .... chỗ làng Kim Long mà vua gì, chắc Thành Thái đã làm câu "Kim Long có gái mỹ miều.,,". Kim Long, không nhầm là nơi chọn đất đóng đô, sau khi rời Hương Trà, rồi từ Kim Long, về Huế, là kinh đô cuối. Huế nội thành, năm 2020 có dự án di dời vài nghìn hộ ra ngoài, nghĩ cũng phải. Những tối đi trong nội thành, cái sự lạnh lẽo, âm trầm, gió thổi nhẹ sau tàn lá tối.... thật là nhiều cảm xúc.
Trên đường thiên lý, nếu cầm vô lăng lượn từ Hà Nội, thường là ở Đồng Hới, sau tạt qua Huế vào trưa, nên ăn bát bún, hoặc cơm gà, làm cốc chè ngọt, tới chiều qua Hải vân là tới Đà. Đà và Huế một sự đối xứng hợp lý qua Hải vân quan, một bên hiện đại, một bên trầm mặc, như hai nửa thế giới. Một phóng khoáng bên bờ biển, ồn ào, một tĩnh mịch và yên ắng như chứa cả vài trăm năm lịch sử. Sau này rồi cao tốc sẽ thông qua dãy và rừng Bạch Mã, nhưng Huế khó khác lắm, vì Huế thủ cựu là điều chắc chắn.