MC Mỹ Linh: 3 thực tế đáng buồn từ câu chuyện "con lợn"
"Tôi thấy có vẻ khá nhiều người phản ứng tiêu cực với vấn đề này nhưng tôi nghĩ Trang Hạ là người đọc nhiều, đi nhiều, thông minh, chắc chắn cô ấy không phát ngôn hồ đồ. Nếu là tôi, tôi sẽ không nói vậy, nhưng không có nghĩa là cô ấy sai". Nhà báo, MC Mỹ Linh chia sẻ.
Hiện đang có nhiều tranh cãi xoay quanh phát ngôn 2 năm trước đây của nhà văn Trang Hạ: "Đàn ông ăn, ngủ...thì khác gì con lợn", chị ủng hộ hay phản đối ý kiến này?
- Tôi nghĩ câu nói này có văn cảnh của nó chứ không phải là một câu phát ngôn được trích dẫn ngắn gọn và cắt hết xuất xứ.
Có vẻ khá nhiều người đang phản ứng tiệu cực với vấn đề này nhưng tôi nghĩ Trang Hạ là người đọc nhiều, đi nhiều, thông minh, chắc chắn cô ấy không phát ngôn hồ đồ. Nếu là tôi, tôi sẽ không nói vậy, nhưng không có nghĩa là cô ấy sai.
Câu chuyện của Trang Hạ thực chất không mới,đó vẫn là cuộc đấu tranh về bình đẳng giới ở Việt Nam. Vấn đề có chăng chỉ ở cách so sánh khá nhạy cảm. Qua con mắt của một người làm văn hóa như chị, việc Trang Hạ đem con lợn ra để chỉ những người đàn ông lười biếng, có thô thiển và nặng nề?
- Tôi thấy người Việt Nam mình rất "tếu", một câu nói như vậy thì cáu loạn lên, chẳng buồn nghĩ xem nó được nói trong văn cảnh nào, nghĩa bóng của nó là sao, và bản chất của câu nói là để bàn để vấn đề gì.
Điều cần tranh luận thì không tranh luận đi chấp nê vào một từ. Người Việt, đôi lúc còn đùa nhau "ngu như chó ", "đồ ranh con " thậm chí còn thô tục nặng nề hơn, vậy mà trong trường hợp này đột nhiên trở nên nhạy cảm hơn cần thiết nhỉ ?!
Tôi nghĩ việc đám đông xúm vào phản ứng với câu này của nhà văn Trang Hạ chỉ ra 3 thực tế:
1 - Người Việt còn lâu mới tiến tới việc dân chủ trong tranh luận, cứ quan điểm trái mình là cáu inh lên, lôi hết các loại vũ khí ra để mạt sát thay vì lắng nghe và tìm hiểu vì sao người khác nói thế.
2 - Chúng ta cần được học để biết tranh luận, nắm bản chất vấn đề chứ không bị chi phối bởi vài câu từ mà làm quên béng mất vấn đề mà đối phương đặt ra là gì ?
3 - Thói quen ứng xử bằng bạo lực trước những vấn đề mà mình không giải quyết được. Cáu thì chửi, bực thì đánh. Mạt sát cũng là một cách hành xử bạo lực, bạo lực tinh thần. Nói thật là tôi rất sốc với một bức ảnh nhìn thấy trên mạng, họ chế giễu Trang Hạ rất tệ.
Tôi không nghĩ những người phản ứng vì câu nói của Trang Hạ là những người độc ác nhưng họ đùa hơi ác. Việc đùa ác này lại trở thành hiệu ứng đám đông, phản ứng ngay cả khi không đọc bài thì quả thật đáng buồn.
Bản thân chị có cái nhìn thế nào về đàn ông Việt? Ưu, khuyết điêm của họ là gì?
- Tôi là người sinh ra và lớn lên ở thành phố, những người sống quanh tôi đều là tri thức nên cái nhìn của tôi về đàn ông có thể không toàn diện, nhưng khá đẹp đẽ.
Do công việc, tôi cũng đi và tiếp xúc nhiều tôi thấy đàn ông Việt Nam có nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm - đều liên quan đến suy nghĩ gia trưởng.
Ưu điểm của người đàn ông gia trưởng là luôn đứng mũi chịu sào, gánh vác mọi trọng trách của gia đình, là bờ vai vững chắc để vợ con nương tựa. Yếu điểm của họ là ít chấp nhận sự khác biệt của người bạn đời. Muốn yên ấm thì sống như họ muốn, làm như họ thích. Nếu bạn ngoan thì yên ấm, không thì sẽ có vấn đề. Cấp độ của sự gia trưởng sẽ phụ thuộc vào vị trí xã hội, trình độ văn hóa và độ văn minh của mỗi người.
Khi bạn "tiến hóa" hơn thì bạn sẽ triệt tiêu bớt được mặt xấu của sự gia trưởng, còn ngược lại thì chúng ta đều biết rồi, họ cấm đoán điều này điều khác, thậm chí là đánh đập...
Một số phụ nữ không đồng tình với Trang Hạ, họ cho rằng cái bếp phải dành cho người phụ nữ, họ hoàn toàn hạnh phúc khi người đàn ông của mình thỏa mãn, hài lòng. Chị có đồng ý quan điểm đó?
Xã hội đa dạng, có gia đình nào giống gia đình nào đâu ? Có người không đồng tình thì cũng có người đồng tình, tôi nghĩ việc này bình thường. Cá nhân tôi cũng được nuôi dạy theo kiểu cổ điển, tôi không thích người đàn ông của mình làm những việc nhỏ nhặt trong gia đình.
Tôi thích đàn ông để làm những việc lớn, là nơi cho mình nương tựa, bảo ban mình, cho mình cảm giác nể phục. Tuy thế, giữa việc bạn không phải làm với việc bạn không sẵn lòng giúp đỡ lại là hai chuyện khác. Có thể tôi sẽ chẳng nhờ vả việc gì, tôi làm hết, nhưng tôi phải thấy ấm áp khi biết chắc chắn rằng nếu tôi chỉ cần than mệt thì sẽ có người sẵn lòng giúp đỡ tôi.
Một điều nữa, tôi nghĩ cũng rất quan trọng, là thái độ hàm ơn giữa đàn ông với đàn bà. Phụ nữ nên biết ơn người đã cho mình bờ vai để nương tựa. Đàn ông nên biết ơn người đã cho mình nơi ấm cúng để trở về sau ngày làm việc. Sự hàm ơn đó nên được thể hiện bằng lời nói và việc làm thì mọi sự sẽ yên ổn. Bạn không giúp vì vợ bạn không cần, nhưng bạn biết cảm ơn thì cũng vẫn đẹp. Bạn không muốn giúp và cũng không cảm ơn vì bạn nghĩ bạn là đàn ông thì ... đúng là tệ rồi còn nói gì.
Dưới "mắt nhìn" của mình, chị thấy đàn ông Tây có khác đàn ông Việt nhiều không?. Họ có sẵn sàng nấu cơm, rửa bát, quét nhà cho vợ?
Tôi nghĩ không có khái niệm "Tây" hay "Ta" mà nên chia thành đàn ông văn minh và đàn ông bảo thủ.
Đàn ông văn minh thường biết quý trọng người đàn bà mà họ yêu vì người đàn bà đó cũng chính là hình ảnh của họ. Nếu người đàn bà đó xinh đẹp rạng ngời thì cũng đồng nghĩa rằng người đàn ông đã biết làm cho vợ hạnh phúc.
Mà làm cho hạnh phúc thì có nhiều cách, không chỉ có một cách duy nhất là rửa bát quét nhà. Mà sao chúng ta cứ buộc chặt nhau vào cái ý nấu cơm rửa bát quét nhà nhỉ ?
Tôi nghĩ vấn đề mà Trang Hạ đặt ra là sự chia sẻ những trách nhiệm gia đình, những công việc hàng ngày để người phụ nữ đỡ vất vả. Vậy thì làm cách nào để người phụ nữ đỡ vất vả là điều quan trọng. Còn giải pháp thì đa dạng, tùy đàn ông chọn.
Cảm ơn chị!
(Nguồn: Danviet.vn)