Kính các bác tham khảo 2 bài viết này.
http://www.vnexpress.net/GL/Oto-Xe-may/2007/12/3B9FDCA4/
Không nên làm nóng máy quá lâu trước khi đi
Sai lầm của hầu hết tài xế là cho xe chạy cầm chừng quá lâu vào buổi sáng, khoảng 10 phút, thay vì chỉ cần 30 giây. Khi xe di chuyển, động cơ được làm nóng tốt hơn rất nhiều.
Vào mỗi buổi sáng mùa đông, câu hỏi mà các tài xế thường đặt ra là phải chạy máy ở chế độ cầm chừng trong thời gian lâu để máy đủ nóng? Chạy cầm chừng có làm tăng tuổi thọ động cơ hay không? Câu trả lời sẽ làm nhiều người ngạc nhiên.
Dẫn chứng đầu tiên mà người sử dụng dễ dàng nhận ra là khả năng tiết kiệm nhiên liệu là bằng 0 khi chạy cầm chừng. Bởi lúc đó xe không di chuyển. Điều này chứng tỏ bạn càng chạy cầm chừng ngắn, nhiên liệu tốn càng ít.
Theo nghiên cứu của Natural Resources trụ sở Canada, các lái xe thường chạy cầm chừng 10 phút vào buổi sáng, thời gian làm nóng máy vào mùa đông dài hơn mùa hè. Tổng thời gian các lái xe Canada sử dụng để chạy cầm chừng là 75 triệu phút mỗi ngày.
Như vậy nếu giảm thời gian xuống còn 5 phút, Canada tiết kiệm được khoảng 680 triệu lít nhiên liệu một năm. Giả sử mỗi lít xăng có giá 1 USD thì một năm, các tài xế tránh phải rút 680 triệu USD chỉ để làm một việc không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, chạy cầm chừng (hay không tải) còn làm tiêu hao nhiên liệu theo cách khác. Khi động cơ ở chế độ không tải, nó không bao giờ làm nóng tới nhiệt độ vận hành giống như khi chúng ta cho xe chạy. Ở nhiệt độ chưa đủ cao, nhiên liệu không cháy hết có thể hình thành axít hữu cơ và độ ẩm. Các chất này không bay hơi hết và bị giữ lại ở xi-lanh cho đến trước khi dầu được làm nóng hoàn toàn.
Ở đây, axít và hơi ẩm là tác nhân gây nên hiện tượng ăn mòn, hình thành cặn trong dầu và gây cặn than trên van. Các cặn trên van làm ảnh hưởng tới dòng khí nạp, dẫn tới tiêu hao nhiên liệu tăng do van không đóng khít.
Ma sát bên trong động cơ cũng là nguyên nhân khiến xe ăn nhiều xăng. Giữ các thiết bị được bôi trơn đầy đủ là cách giảm thiểu độ ma sát. Thế nhưng bạn nên nhớ một vài thiết bị được bôi trơn bằng cách phun hoặc văng dầu lên. Hầu hết thành xi-lanh được bôi trơn bằng cách này. Vì vậy, khi động cơ chạy cầm chừng, thành xi-lanh không được bôi trơn đủ do tốc độ của trục khuỷu không đủ nhanh để văng dầu lên đó. Như vậy, ở chế độ không tải, động cơ mòn nhanh hơn khi lái.
Ngoài ra, khi động cơ chịu tải, nhiệt độ trong ống xả đủ cao nên nước bốc hơi và thoát ra ngoài, không gây ăn mòn hệ thống xả. Trong khi đó, khi xe chạy cầm chừng nhiệt độ ống xả không đủ cao khiến nước ngưng tụ, hòa tan carbonic và gây ăn mòn hóa học. Đây là lưu ý quan trọng bởi hệ thống xả thường rất đắt tiền.
Dẫu vậy, đôi khi bạn vẫn phải chạy cầm chừng. Nếu buổi sáng trên cửa xe có sương đọng, bạn nên làm nóng máy một thời gian để dầu bôi trơn trở nên linh động và đủ thời gian tới các thiết bị. Ngoài ra, nếu nhiệt độ xuống quá thấp, có thể sử dụng bộ hỗ trợ gia nhiệt.
Còn với những ngày nhiệt độ bình thường, chỉ cần chạy cầm chừng khoảng 30 giây là đủ. Sau đó, lái xe từ từ và nhiệt độ máy sẽ tăng đều lên mức cần thiết. Cần tránh tăng tốc đột ngột bởi điều này làm tổn hại nghiêm trọng tới động cơ do dầu chưa bôi trơn toàn bộ các thiết bị.
Chạy cầm chừng ít và cho xe chạy ngay còn giúp hâm nóng cả hệ truyền động, hệ thống lái, hệ thống treo và đưa chúng vào trạng thái ổn định nhất.
Nguyễn Nghĩa (theo Canadiadriver)
http://autopro.channelvn.net/home/200821220383395TM3CA0035/lam-nong-may-bao-lau-la-vua.chn
Làm nóng máy: Bao lâu là vừa?
Vào mùa đông, tài xế thường phải làm nóng máy trước khi khởi hành. Tuy nhiên, có một vấn đề là bạn nên làm nóng máy trong bao lâu và việc này có giúp kéo dài tuổi thọ động cơ? Sự thực đôi khi không phải như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
Thứ nhất, cần khẳng định rằng, xe nổ không tải vẫn tiêu tốn nhiên liệu. Do đó, thời gian xe nổ không tải hoặc làm nóng máy càng ngắn thì càng đỡ tốn nhiên liệu. Nói đơn giản là đỡ tốn tiền. Theo nghiên cứu của Cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên Canađa, chúng ta nên làm nóng máy khoảng 5-10 phút mỗi ngày.
Vào mùa đông, thời gian làm nóng máy có thể lâu hơn so với mùa hè.
Thứ hai, cần lưu ý rằng khi chạy không tải, động cơ không bao giờ nóng đến nhiệt độ như khi xe lăn bánh. Khi đó, axít và hơi ẩm, hình thành trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, không bay hơi hết sẽ đọng lại trong xi-lanh cho đến khi dầu động cơ được làm nóng hoàn toàn. Các chất cặn này sẽ góp phần vào hiện tượng ăn mòn động cơ, hình thành cặn trong dầu máy và cặn bám trong van.
Cặn bám trong van xi-lanh sẽ gây cản trở luồng khí nạp, làm giảm hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu.
Ma sát bên trong động cơ là nguyên nhân lớn dẫn đến việc tiêu tốn nhiên liệu. Đảm bảo các bộ phận luôn được bôi trơn đầy đủ là cách để giảm hiện tượng ma sát; tuy nhiên một số bộ phận của động cơ cần được bôi trơn bằng cách phun dầu nhờn, như trục cam của nhiều động cơ V8, hay thành xi-lanh của hầu hết động cơ.
Khi động cơ chạy không tải, các bộ phận này sẽ nhận được ít dầu nhờn hơn do tốc độ của trục khuỷu không đủ nhanh để bắn dầu lên đó. Ở chế độ không tải, một số bộ phận của động cơ sẽ mòn nhanh hơn
Việc thay hệ thống xả cũng khá đắt. Có một thực tế là khi xe chạy, ống xả phải hoạt động ít hơn so với khi xe nổ không tải, vì hơi ẩm bên trong bộ giảm thanh và ống xả không đủ độ nóng để bay hơi hết và tạo thành cặn bẩn gây ăn mòn ống xả.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm nóng máy trước khi khởi hành. Ví dụ như khi trời nhiều sương, cửa kính xe sẽ bị mờ và việc làm nóng máy sẽ giải quyết được việc này.
Ở điều kiện thời tiết bình thường, thực sự chỉ cần làm nóng máy trong khoảng 30 giây, để dầu bôi trơn tất cả các bộ phận. Sau đó, tốt hơn cả là để động cơ tiếp tục được làm nóng trong lúc xe chạy, chỉ cần lưu ý là tránh tăng tốc đột ngột và để động cơ hoạt động ở tốc độ cao. Việc lái xe chầm chậm sẽ giúp từ từ “khởi động” cả các bộ phận như hộp số, trục truyền động, lốp, hệ thống lái, hệ thống treo và ổ bi của bánh xe. Những bộ phận này không thể được làm nóng chỉ bằng cách cho xe nổ không tải. Ô tô chỉ thực sự bền hơn nếu trước khi khởi hành, tất cả các bộ phận đều được làm nóng.
Một lời khuyên nữa là nếu bạn định dừng xe quá 10 giây thì tắt máy sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đây cũng chính là một phần trong cơ chế hoạt động của công nghệ hybrid.
Theo Dantri.com.vn