Dưới đây là chia sẻ của anh Trần Văn Nghĩa ở Hoàng Mai (Hà Nội) về quyết định sai lầm khi mua ô tô cũ cách đây 2 năm của mình:
Tôi sinh năm 1985, quê ở Thái Bình, đang làm việc cho một ngân hàng thương mại nhà nước với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Vợ tôi nhỏ hơn tôi 2 tuổi, cũng có công ăn việc làm ổn định với thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Sau khi kết hôn, chúng tôi để dành khoản tiền mừng cưới và tích góp thêm được một ít, nhờ bố mẹ vay thêm nửa tỷ đồng để mua một mảnh đất, dựng được căn nhà hai tầng nho nhỏ. Sau 3 năm, nhờ chăm chỉ làm và tiết kiệm, hai vợ chồng cuối cùng cũng trả hết được hết nợ.
Đầu năm 2016, khi trả xong khoản nợ cuối cùng, thấy còn dư ra khoản tiền 60 triệu đồng, vợ chồng tôi tính đến chuyện mua một chiếc xe ô tô cũ để thuận tiện cho việc về quê. Bởi, chúng tôi nghĩ, nhà cửa giờ đã ổn định, dù diện tích đất chỉ rộng 40 mét vuông nhưng nhà xây lên cũng đủ rộng rãi để vợ chồng con cái thoải mái sinh sống. Trong khi đó, thu nhập của cả hai vợ chồng cũng được gần 30 triệu/tháng, dư sức nuôi xe ô tô.
Đúng lúc ấy, anh bạn trên cơ quan có ý muốn bán chiếc xe ô tô cũ đang đi với giá 460 triệu đồng để “lên đời” xe mới xịn hơn. Nghe thuyết phục bùi tai, nào là xe tốt, hàng “ngon”, xe đi luôn giữ gìn,... vợ chồng tôi quyết định lấy 60 triệu đồng có trong tay rồi vay thêm 400 triệu nữa để mua luôn chiếc xe đó.
Khoản tiền vay đó, tôi hỏi của người thân với mức lãi suất 10%/năm. Với đà tiết kiệm như trước, chúng tôi dự định sẽ trả hết cả gốc lẫn lãi trong vòng 2,5 năm.
Suy nghĩ và quyết định nhanh chóng nên chỉ sau 1 tuần, vợ chồng tôi đã tự tin lái chiếc xe về nhà. Tuy nhiên, vì nhà trong ngõ nhỏ, không đủ chỗ cho ô tô, chúng tôi phải gửi xe cách nhà 1,5km với giá 1,3 triệu đồng/tháng. Hàng ngày tôi cũng không đi làm được bằng xe ô tô bởi cơ quan không có chỗ gửi, nếu đi phải gửi ngoài, tiền phí gửi rất tốn kém.
Bởi nhiều lý do như vậy, mua xe ô tô được một thời gian, vợ chồng tôi mới chỉ dùng làm phương tiện đi lại cho những chuyến về quê thăm gia đình nội ngoại.
Song, công việc của cả hai vợ chồng đều bận rộn, con cái còn nhỏ nên thời gian về thăm quê cũng hạn chế, trung bình mỗi tháng 1 lần. Do đó, xe ô tô toàn phủ bạt để ngoài bãi, chẳng mấy khi phải dùng đến.
Sau một năm mua xe, lúc thanh toán tiền lãi cho chủ nợ, tôi hoảng hồn ngồi cộng nhẩm những khoản chi cho xe trước đó. Chỉ đi khoảng chục lần vậy mà tiền gửi xe hết 15,6 triệu đồng, tiền đăng kiểm hết gần 2,5 triệu đồng, tiền lãi trả một năm hết 40 triệu đồng. Tiền xăng xe đi lại không đáng kể nhưng cũng hết khoảng 5 triệu đồng vì mỗi lần về quê hết 500.000 đồng/lần (tính cả phí cầu đường). Như vậy, tôi phải chi tới 63 triệu đồng cho cái xe ô tô của mình trong vòng 1 năm.
Vợ tôi than thở rằng, năm về quê được chục lần, 63 triệu này có thể đi taxi trong vòng 2 năm mới hết, mà cũng không phải lo nghĩ chuyện lái xe an toàn.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định bán chiếc xe ô tô cũ của mình cho một người quen ở quê với giá 410 triệu đồng, tức lỗ 50 triệu đồng so với giá lúc mua. Nhưng tôi nghĩ bán được giá đó cũng xem như may mắn vì ô tô cũ trượt giá rất nhanh.
Bán xe, vợ chồng tôi ngồi cộng lại, chi phí cho xe một năm hết 63 triệu, bán xe đi lỗ mất 50 triệu đồng. Hậu quả, chỉ vì cách suy nghĩ đơn giản, không tính toán kỹ mà sau một năm mua xe, vợ chồng tôi đốt mất gần 120 triệu đồng vào chiếc xe ô tô trong khi hiệu quả sử dụng không đáng là bao. Qua đó, tôi cũng rút ra được bàn học chi tiêu cho bản thân rằng, khi làm gì cần suy trước tính sau chứ không chỉ tính toán đơn giản một chiều như lần mua xe ô tô đó.