Làm giả nguồn gốc xuất xứ?
a) Cơ sở pháp lí: Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
b) Cấu thành tội phạm
Hành vi khách quan: hành vi sản xuất và hành vi buôn bán hàng giả. Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hoặc cả 2 hành vi này.
Chủ thể: người có năng lực TNHS, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
Lỗi: cố ý trực tiếp
Mục đích: thu lợi nhuận từ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
c) Giải thích
Khái niệm “hàng giả” được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, theo đó hàng giả được chia làm 3 loại:
- Hàng giả về nội dung: là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng. Đây là loại hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng bản chất tự nhiên tên gọi và công dụng của loại hàng hóa đó.
- Hàng giả về hình thức: là hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ… Đây là loại hàng hóa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác nhưng có giá trị sử dụng.
- Hàng giả về nội dung và hình thức: đây là loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác vừa không có giá trị sử dụng mà nó mang tên.
Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi làm ra (tạo ra) các loại hàng giả. Người phạm tội có thể làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp các bộ phận của hàng hóa. Người phạm tội có thể tham gia vào cả quá trình làm hàng giả từ đầu đến cuối hoặc chỉ có thể tham gia vào một công đoạn làm ra hàng giả.
Hành vi buôn bán hàng giả là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để mua đi, bán lại những hàng hóa đã thành phẩm hoặc những bộ phận, chi tiết mà biết là giả để thu lợi bất chính.
d) Hình phạt
Đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này thì “bị phạt tù từ 6 tháng đến năm năm”
Đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 thì “bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”
Đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 thì “phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”
Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm