Chuyện hỏa thiêu
Ở Việt Nam ta, từ trước cho đến nay, trừ các bậc tu hành, còn người bình dân, chết thường địa táng. Mỗi một dân tộc, hay một địa phương lại có những phong tục nghi lễ khác nhau. Ở các nước văn minh, người ta cũng đang chuyển dần từ địa táng sang hỏa táng. Ở Hoa Kỳ, vào thập niên 70, trong 10 người chết mới có 1 người hỏa táng, nhưng hiện nay cứ 4 người chết đã có 1 người hỏa táng rồi. Tỷ lệ người hỏa táng hiện nay là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025, số người chết ở Mỹ được hỏa táng sẽ lên đến 50%. Riêng ở Việt Nam, do nhu cầu bảo vệ môi trường và dân số tăng nhanh, chính quyền ở nhiều địa phương khuyến khích người dân nên chuyển sang phương thức hỏa táng. Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ được môi sinh, không mất đất, lại giảm bớt được rất nhiều công đoạn như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời…
Cho nên việc hỏa táng ngày càng được phổ biến rộng rãi. Ngay trong Di chúc Bác Hồ, Bác cũng mong được hỏa táng. Trong cộng đồng Phật giáo, nhiều người quan niệm nên dành đất cho người sống ở, hơn là xây quá nhiều những mộ chí, những nghĩa trang cho người đã mất. Nhiều gia đình cũng đã lựa chọn phương thức hỏa táng này. Việc hỏa táng đang dần trở nên thông dụng. Cũng có điều khiến nhiều người còn có chút băn khoăn. Với người sống thì rất tốt rồi. Còn với những người đã khuất thì sao? Việc hỏa táng liệu có phù hợp và có điều gì không tốt ảnh hưởng tới người chết không? Tôi có hỏi một số nhà ngoại cảm đích thực về việc hỏa táng. (Tôi muốn gọi những nhà ngoại cảm đích thực để khu biệt họ với những kẻ lừa bịp giả danh ngoại cảm làm nhiễu loạn đời sống mà dư luận đang lên án). Họ nói hỏa táng giúp người chết siêu thoát được tốt hơn. Việc người chết có linh hồn là điều có thật. Vì thế nhiều nhà ngoại cảm đã nói chuyện được với người chết. Điều đó cũng là có thật và đã được chứng minh bằng khoa học.
Còn việc để tro cốt, thờ cúng tro cốt ở đâu là sở thích của từng gia đình. Không có gì ảnh hưởng đến người chết cả. Có gia đình mang tro cốt về nghĩa trang an táng, xây mộ, phủ cỏ xanh lên như mọi ngôi mộ khác. Có gia đình không có người hương khói, thờ cúng thì gửi vào chùa. Cũng có người để một phần tro cốt lên bàn thờ gia đình. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích của gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương.
Ở trong Nam, người dân hay đưa tro cốt về gia đình. Trong khu vườn nhà mình, có một số gia đình xây một cái am rất đẹp thờ. Trong am thường lưu giữ hình ảnh và bình tro cốt của người thân. Nhiều gia đình, không xây am mà để tro cốt lên bàn thờ. Ngoài Bắc không có phong tục này và cũng ít người làm như vậy. Họ đưa tro cốt vào mộ, xây ngoài nghĩa trang.
Việc để tro cốt ở đâu, có khi còn là ý nguyện của người đã khuất. Có người yêu cầu con cháu thả tro cốt họ xuống sông, xuống biển hoặc rải xuống nơi họ yêu mến và có nhiều kỷ niệm khi còn sinh sống. Nhớ lại mấy năm trước đây, theo một ký giả người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, trong trận bóng tại cầu trường San Francisco, lúc đang diễn ra trận đấu, một chiếc máy bay nhỏ bay trên cầu trường và thả xuống một chất bụi màu hơi đỏ. Nước Mỹ đã chứng kiến vụ khủng bố ngày 9/11, rồi lại nghe về vi khuẩn Anthrax, nên khán giả chạy tán loạn. Cầu thủ phải ngưng ngay trận đấu. Về sau báo chí cho biết chất bụi màu hơi đỏ đó là tro cốt của người quá cố mà khi còn sống ông ta là fan của đội cầu San Francisco. Ông đã để lại di chúc là khi ông chết phải thiêu xác và rải trên cầu truờng San Francisco cho ông.
Trải tro cốt xuống biển