Sorry AE! Do tình hềnh thực tế. Lịch off sẽ lui lại 1 đến 2 ngày, chi tiết xin thông báo sau.
@vn3d: Tình hình fe thế nào đấy. sang tuần thử sức đc chưa?
Sưu tầm.(baomoi.com)
Phong tục đón tết của người MôngTTO - Đồng bào dân tộc Mông thường đón tết từ 30-11 đến 5-12 âm lịch (ÂL). Tết của người Mông đơn giản, từ việc cúng lễ đến mâm cỗ ngày tết không cầu kỳ, món truyền thống trong ngày tết của người Mông là bánh dầy, những gia đình khá giả thường mổ lợn ăn tết.
Việc cúng giao thừa vào đêm 30-11 ÂL và bữa cơm tất niên rất được coi trọng, sự hiếu khách và mời rượu có lẽ là sự cầu kỳ nhất trong phong tục đón tết của người Mông.
Theo quan niệm của người Mông, nhà nào có nhiều khách đến trong dịp năm mới thì năm đó sẽ làm ăn tốt hơn, vì vậy khách đến nhà không thể từ chối “món rượu”, khách tham dự bữa cơm ngày tết của người Mông chắc hẳn phải chuẩn bị cho mình sức khỏe nhất định để đáp lại những lời mời uống rượu ngọt ngào mà khó có thể từ chối.
Người Mông có thể vui tết hết tháng 12 ÂL với nhiều hoạt động đặc trưng như ném pao, đánh cầu lông gà, ném còn, múa hát... Mọi hoạt động nương rẫy đều nghỉ, các dụng cụ lao động được niêm phong trong những ngày tết bởi theo quan niệm của người Mông, những dụng cụ này cùng người lao động quanh năm vì vậy những ngày tết cũng phải "nghỉ”.
Việc vui chơi ca hát, những lời chúc mừng năm mới hòa cùng những chén rượu ngô ngọt ngào đến say lử là bản sắc rất “vùng cao” của người Mông.
Ấn tượng Tết Mông
KTĐT - "Dịp này, Pà Cò đẹp lắm, cái Tết người Mông cũng vui lắm, được uống rượu chén đôi và say với những điệu múa xòe của thiếu nữ Mông, xuýt xoa trong cái lạnh mờ sương nhưng ấm nồng quanh bếp lửa bập bùng, thoải mái nhón tay thưởng thức món thịt heo bản, rồi rạo rực với những cối giã bánh dày truyền thống...". Theo lời kể của một người bạn, tôi lên xã vùng cao Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, để tận hưởng hương xuân đang giục giã gọi mời…
Ấm áp rượu đôi
Pà Cò là một trong 2 xã (cùng với xã Hang Kia) của tỉnh Hòa Bình có đồng bào người Mông sinh sống, nằm cách Hà Nội khoảng 180km. Trong khi người Kinh còn đang rậm rịch gấp rút với hàng đống công việc cuối năm để đón chờ Tết Nguyên đán thì những thiếu nữ Mông đen, H'Mông hoa đã xúng xính trong những bộ váy áo mới, dập dìu theo tiếng khèn rộn ràng của những chàng trai Mông đang độ tuổi yêu. Mọi ngôi nhà, mọi nẻo đường vào các thôn bản ẩn hiện sắc trắng hoa mận, màu đỏ hoa đào như muốn hòa cùng niềm hân hoan của bao người dân Pà Cò đón chào năm mới.
Thật may mắn, khi tôi được người bạn mời đến thăm và đón tết với một gia đình người Mông là anh Hàng A Hồng - bản Pà Cò con, Trưởng ban phát triển cộng đồng xã Pà Cò. Trong hơi xuân sớm của đất trời ấy, anh Hồng đón chúng tôi như những người bạn đã thân quen từ lâu. Uống rượu chén đôi như là một nghi thức truyền thống của người Mông. Có lẽ tục uống rượu chén đôi khá phổ biến với các đồng bào dân tộc Tây Bắc. Chén rượu đôi trong những ngày lễ, ngày Tết dành cho khách thể hiện tấm thịnh tình chủ, khách. Nhưng với người Mông ở Pà Cò, khi khách đến nhà, sẽ không còn phần biệt rõ khái niệm chủ - khách nữa. Bên mâm cơm và chén rượu ấm cúng, chủ và khách thành bạn, vì chẳng ai phân biệt được mình là chủ hay là khách nữa đây.
Chủ nhà là người đầu tiên tự rót và uống hết 2 chén rượu. "Chén thứ nhất mình uống cho mình, đó là lời chúc an lành và mọi sự tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu. Chén thứ 2 mình uống cho bạn - người ngồi bên tay phải mình, cũng với ý nghĩa như chén đầu, với tượng trưng, những điều tốt đẹp mình mong chờ cũng sẽ đến với người bạn ấy" - anh Hồng nói. Rượu uống xong, 2 chiếc chén sẽ được xoay úp, thể hiện tấm thịnh tình và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi kế bên phải. Rượu chén đôi sẽ đi một vòng khép kín từ phải qua trái mỗi người.
Sau khi uống cạn và úp chén, người vừa uống sẽ rót đầy rượu vào 2 chén đó rồi chuyển cho người tiếp theo ngồi kế bên phải. Đến lượt ai cầm chén, người ấy cũng làm tương tự như người trước đã làm: Uống cạn chén thứ nhất chúc cho mình, và uống tiếp chén thứ hai cho người bạn ngồi bên phải, với ý nghĩa không đổi. Hai chén rượu cứ thế đi một vòng quanh mâm cơm. Trong lòng ai cũng lâng lâng niềm vui, cảm kích vì sự trọng thịnh của gia chủ. Vòng rượu đầu tiên cũng là duy nhất mang ý nghĩa chúc tụng trong năm mới. Sau đó, tùy vào khả năng mỗi người mà việc uống rượu tiếp tục.
Đối với người Mông ở Pà Cò, Tết dù thế nào cũng không thể thiếu một con gà, thịt lợn và bánh dày. Có thể ví bánh dày trong Tết truyền thống của người Mông nơi đây có ý nghĩa và tầm quan trọng như bánh chưng trong Tết cổ truyền của người Việt. Nhà khá giả thì có thể mổ lợn to, nhà chưa có điều kiện kinh tế thì có thể mổ lợn bé hơn hoặc anh em, họ hàng chung một lợn. Nhưng trong 3 ngày Tết đầu tiên của người Mông, mọi người chỉ ăn toàn thịt, chủ yếu thịt lợn, ngoài ra còn là thịt gà, thịt ngan. Tuy nhiên, trong 3 ngày đầu tiên của năm mới (mồng 1, mồng 2 và mồng 3/12 Tết), bữa cơm của người Mông ở Pà Cò tuyệt đối không có rau xanh. Phong tục không ăn các loại rau xanh trong 3 ngày đầu năm mới đã có từ rất xa xưa, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác của người Mông ở Pà Cò, và hiện giờ vẫn được người dân nơi đây thực hiện như một trong những phong tục thiêng liêng và thành kính. Ngoài ra, trong 3 ngày này, người Mông ở Pà Cò không mua bán, không tiêu tiền, với tín ngưỡng giữ lại của cải, tiền bạc trong gia đình.
Say nồng nét truyền thống
Đặc biệt trong Tết của người Mông, sẽ diễn ra các trò chơi truyền thống, như đánh quay (cù), đánh pao, đánh lông gà, và nhiều trò chơi dân gian phổ biến của dân tộc khác như kéo co, đẩy gậy... Đây là cách giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của người Mông ở Pà Cò (và cả Hang Kia). Những trò chơi truyền thống không chỉ mang ý nghĩa đối với người dân trong bản mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hòa Bình, và cộng đồng người Mông Tây Bắc nói chung.
Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, những năm gần đây, đồng bào Mông ở Pà Cò (và Hang Kia) đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như nhiều tổ chức xã hội trong việc tổ chức vui xuân, đón tết cổ truyền cho bà con, cùng với việc phát triển đời sống kinh tế cũng như nâng cao nhận thức, áp dụng về tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2010, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã hỗ trợ cộng đồng xã Pà Cò tổ chức Lễ hội xuân để đồng bào Mông nơi đây có một tết truyền thống thật ý nghĩa và sống động, với nhiều hoạt động vui chơi, những trò chơi truyền thống của người dân vùng cao như: Thi trang phục dân tộc Mông truyền thống, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, giã bánh dày...
Nói về những hoạt động vui chơi cho bà con trong ngày Tết cổ truyền 2011, ông Sùng A Sa - Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Tất cả các bản trong xã đều có các đội văn nghệ, trong mỗi bản cũng có những hoạt động vui Tết cho bà con. Mấy năm gần đây, xã đã được các đơn vị, tổ chức hỗ trợ tài chính và phối hợp tổ chức lễ hội tết xuân cho người dân trong xã, nhân thêm sự vui mừng khi Xuân về trên đất Pà Cò. Các trò chơi dân tộc đã có từ xa xưa, giờ trong những dịp Tết cổ truyền, mở ra các dịp lễ hội ở xã, giữa các thôn bản thi với nhau, vừa tạo ra không khi vui xuân cho người dân, vừa là lưu truyền những nét đặc trưng trong tết truyền thống. Như Tết năm nay, dù thời tiết rất lạnh, nhưng bà con ở các thôn bản về xem lễ hội và tham gia thi đấu rất nhiệt tình, phấn khởi.
Giờ đây, khi Tết xuân Pà Cò vẫn còn đang rộn ràng đón chào năm mới, với những ánh mắt, những nụ cười của thiếu nữ Mông e ấp như nụ đào chớm nở bên những chàng trai đi tìm vợ, thì tôi và người bạn lại phải bịn rịn trở về Hà Nội, trở lại với sự bận rộn của những công việc cuối năm song kỷ niệm về Pà Cò với một lễ hội tết Mông với những nét văn hóa đặc sắc vẫn mãi in đậm trong tôi.
Trần Triều Vương
http://youtu.be/CuPaaEuGwos