Cảm ơn các cụ, vậy coolant thì bao nhiêu lít là đủ ạ?
Cháu nhớ hình như 4 lít, tối về cháu kiểm tra lại cái can nước đã và chụp cho cụ cái loại cháu đã dùng
Cái rốn nó nắm ở chỗ nào nhỉ sao e tìm mãi ko thấy.cụ nào chụp ảnh rồi up lên chỉ co 1 phát
Ngay chính giữa, phía dưới bình nước làm mát, thường là con ốc nhựa.
Các cụ có thể tham khảo bài viết này:
Nước làm mát trong hệ thống giải nhiệt của xe phải được thay mỗi năm một lần, nếu dùng trong vùng lạnh, hoặc 2 năm một lần nếu thời tiết không quá lạnh. Đây là điều mà không mấy người trong chúng ta để ý. Thường thì đa số cho rằng chỉ cần kiểm tra xem nước có hao không, nếu có, thì thêm vào là đủ. Có người cả 5,7 năm – thậm chí cả một đời dùng xe – chẳng thay nước làm mát bao giờ. Như vậy là không đúng. Mặc dầu dung dịch không hao hụt, nhưng nồng độ Etylene Glycol xuống thấp, dung dịch làm mát bị acid hóa, sẽ ăn mòn các linh kiện trong hệ thống, như miếng đệm ở đầu xi lanh (head gasket), máy bơm …. Cần thay làm mát hằng năm, hoặc 2 năm một lần. Nếu cầu kỳ hơn, hoặc vì mục đích học hỏi, chúng ta có thể mua những tấm giấy thử nồng độ antifreeze/coolant trong các tiệm bán phụ tùng xe: Nhúng giấy vào nước làm mát, giấy sẽ đổi màu, tùy tình trạng acid hóa. Nhờ đó, chúng ta có thể biết được tình trạng nước làm mát còn tốt hay xấu.
Nước làm mát thì rẻ, mà việc thay nước lại dễ dàng. Không có lý do gì chúng ta lại tiếc với cái xe của mình động tác nhẹ nhàng và cần thiết ấy. Nếu bạn có đôi chút ngại ngần thì xin hãy bắt đầu từng bước tiến trình công tác đó bằng các hướng dẫn dưới đây . Toàn bộ công tác mất chừng nửa giờ đối với người đã quen làm. Tay mơ, mới thử làm lần đầu, vừa làm vừa xem sách và dọ dẫm với dụng cụ, cũng chỉ mất vài tiếng mà thôi.
Phương thức thay antifreeze/coolant đề nghị sau đây cũng có nhắc đôi chút về việc súc bình. Tuy nhiên, nếu chịu khó thay theo định kỳ, hệ giải nhiệt sẽ luôn luôn hoạt động trong tình trạng tốt đẹp, vấn đề súc bình có thể không cần phải đặt ra.
Dụng cụ: Trước khi ra tay … tính việc lớn, chúng ta cần chuẩn bị sẵn những dụng cụ sau đây::
Nước sạch, tốt nhất là nước cất (distilled water), bằng 50% sức chứa trong hệ thống giải nhiệt (khoảng 1 gallon, giá vài ba đồng). Không bao giờ dùng nước từ trong ống nước. Vì các khoáng chất chưa được tinh lọc khỏi nước có thể làm nghẹt bình và hệ thống sau này.
Một bình Antifreeze 1 gallon (tương đương 50% sức chứa trong hệ thống)
Một chìa khóa (tuộc-nơ-vít) Phillips hoặc đầu dẹt
Một phễu
Một chậu chứa dung dịch coolant cũ.
Một đèn bấm
Một đôi găng tay
Giai Đoạn 1: Tháo Nước Ra Khỏi Hệ Thống
Đặt một cái thau lớn dưới đáy bình tản nhiệt, mở nút chặn cho nước thoát vào trong chậu.
Bước 1: Chờ máy nguội, mở nắp bình tản nhiệt (Radiator)
Bước 2: Bò vào dưới đầu xe, nhìn lên đáy bình tản nhiệt, để tìm lỗ thoát nước nằm ngay phía ngoài, rất dễ thấy nhờ cái nút khía bịt ngang, hoặc một bù long có mũ hình chữ T.
Bước 3: Đặt một cái thau lớn – dung tích khoảng 10 lit – dưới đáy bình tản nhiệt. Dùng tay hoặc một cây kìm xoắn để mở nút cho nước thoát vào trong chậu.
Bước 4 – Đóng nút để bịt lỗ thoát nước.
Bước 5 – Đổ đầy nước lã vào bình, cho đến khi nước dâng lên đầy bình, hoặc từ ngoài nhìn vào có thể thấy mặt nước lấp loáng bên trong.
Bước 6 – Đậy nắp bình tản nhiệt.
Bước 7: Mở máy cho chạy khoảng 5 phút để nước sạch lưu hành qua mọi ngõ ngách trong hệ giải nhiệt.
Bước 8: Tắt máy, để máy nguội, rồi làm lại từ bước 1 tới bước 4.
Tại sao lại phải làm lại một lần nữa? Đó là một cách súc bình đơn giản, thay vì nhét ống tưới vườn vào bình tản nhiệt rồi xối nước cho đến khi nào thấy nước trong chảy ra. Làm như vậy cũng không thể rút hết nước cũ ra khỏi hệ thống được. Trong khi đó, để nước chảy xuống đất, tràn ra đường hoặc vào các đường mương, là một hành động dẫn đến nhiều rủi ro. Trước kia, người ta vẫn làm như vậy, vì không để ý đến tác hại của dung dịch coolant đối với môi trường. Nhưng kể từ khi khám phá được sự độc hại ấy – ngấm xuống đất làm ô nhiễm mạch nước ngầm, chảy vào mương lạch giết hại cá mú và các loài thủy sinh… - người có trách nhiệm với môi sinh không bao giờ làm như vậy nữa. Chúng ta nên thong thả tháo nước 2 lần, bằng cách cho chảy vào một cái chậu hứng bên dưới, để sau đó có thể đem dung dịch coolant cũ đi bỏ ở một nơi qui định.
Quan Trọng: Khi cho máy chạy, cần theo dõi chuyển động của cây kim trên đồng hồ nhiệt. Đừng bao giờ để kim lấn vào vùng đỏ báo động. Tắt máy ngay khi thấy xe có vẻ nóng hơn bình thường.
Nếu là xe cũ, đừng nên dùng các loại dung dịch pha sẵn để súc bình (Cooling system flush treatments) ở các cửa hàng bán đồ phụ tùng xe hơi. Là vì, hệ thống giải nhiệt trong xe cũ có thể bị rỉ sét nhiều chỗ, súc bình như vậy chưa chắc đã là một điều nên làm, là vì dung dịch súc bình có thể cà sát mạnh gây rò rỉ ở đáy hoặc thành bình.
Giai Đoạn II: Chế nước làm mát mới và cho “ợ khí” ra khỏi hệ tản nhiệt
Bước 1: Xem lại cẩm nang bảo trì (manual) để biết hệ tản nhiệt trong xe của mình cần bao nhiêu Nước làm mát . Mua Antifreeze (Etylene Glycol) đúng loại, (có thể nhờ nhân viên cửa hàng tìm giúp bằng cách nói hiệu và đời xe của mình), đưa về pha chung với nước sạch theo tỷ lệ 50/50 (một nửa Antifreeze, một nửa nước) đổ dung dịch ấy vào đầy bình tản nhiệt. Hoặc làm như sau: Đổ antifreeze nguyên chất – bằng một nửa dung tích của hệ giải nhiệt – vào bình, sau đó đổ đầy nửa phần còn lại bằng nước lã sạch để có một hỗn hợp 50/50.
Bước 2: Đổ đầy bình nước phụ (overflow reservoir) cũng bằng dung dịch 50/50 ấy.
Bước 3: Vẫn mở nắp bình, đề máy cho chạy đến khi bình tản nhiệt “ợ hơi”, tức là sủi những túi bọt khí nấp ở đâu đó trong hệ thống giải nhiêt ra. Mực nước coolant trong bình sẽ từ từ hạ xuống, trong lúc có những bong bóng khí khá lớn từ trong lòng bình thoát ra vì hệ thống đang “ợ khí”. Luôn luôn để mắt trông chừng sự xê dịch của cây kim trên đồng hồ nhiệt.
Bước 4: Đổ dung dịch đầy bình tản nhiệt, và đổ vào bình phụ tới mức cần thiết.
Bước 5: Đậy nắp áp suất trở lại
Bước 6: Nếu thấy máy có vẻ nóng hơn bình thường, thêm nước coolant, là vì có thể còn có túi khí đọng ở đâu đó đang được “ợ” ra.
Bước 7: Dùng một cái phễu, chuyển nước coolant cũ vào trong bình plastic, rồi đi đổ ở một chỗ thích hợp. Nhiều tiệm sửa xe, cửa hàng phụ tùng…. Có thu nhận nước coolant cũ, nhớt cũ, để đưa đi tái sinh. Bằng không, đích thân chúng ta có thể đưa chúng đến một trung tâm nhận đồ tái sinh gần nhà.
Nói thêm về chất lượng nước làm mát:
Tuổi thọ của một dung dịch antifreeze/coolant tùy thuộc vào khả năng chống mòn với sự hiện diện của các hóa chất như Silicates, phosphates và borates. Bao lâu antifreeze còn đủ nồng độ kiềm (alkaline), nó còn làm được nhiệm vụ đó. Nhưng trải qua thời gian, các hóa chất này bị phân hủy, làm cho antifreeze mất tính kiềm và trở thành acid. Nếu dung dịch coolant có nồng độ kiềm thấp và acid cao, hiện tượng bào mòn sẽ xảy ra với những bề mặt kim loại bên trong blốc máy và bình tản nhiệt, gây rò rỉ nhiều nơi. Nhôm là kim loại dễ bị tổn thương nhất khi gặp coolant có nồng độ acid cao.
Vì thế, tìm hiểu về bảo trì liên quan nước coolant, vấn đề không phải là châm thêm khi thiếu nước, nhưng là phải thay coolant khi dung dịch không còn tác dụng nữa. Chúng ta nên thay nước ít nhất 2 năm một lần, tốt hơn thì mỗi năm một lần. Thực ra, nhiều hãng xe cho biết đã tìm ra những công thức antifreeze “trường thọ” có hiệu lực đến 4 năm hoặc 50,000 dặm. General Motors thậm chí còn có loại coolant “Dex-Cool” xài được 5 năm, hoặc 100,000 dặm trong những xe GM từ đời 1996 đổ lên. Nhưng những loại coolant được gọi là “trường thọ” này nếu pha trộn chung với một antifreeze khác, hoặc nước coolant cũ trong hệ thống, thì khả năng chống mòn cũng suy giảm rất nhiều.
Tựu trung, chúng ta chẳng nên kiếm những loại antifreeze trường thọ ấy, nhất là khi nó lại đắt hơn loại bình thường quá nhiều. Vả chăng, dù không so đo gì về tiền bạc, liệu chúng ta có dám để nước trong xe của mình đến 4,5 năm mà không thay hay không? Theo ý kiến chúng tôi thì không. Thay Antifreeze/coolant mỗi năm hoặc 2 năm một lần là một thứ bảo hiểm rẻ tiền và an toàn nhất.
Trích từ
http://www.oto-hui.com/diendan/f19/suc-binh-va-thay-nuoc-lam-mat-cho-o-100135.html