Đá Tây, ‘hậu phương’ của ngư dân nơi đầu sóng
Cập nhật lúc :11:36 AM, 15/05/2012
Cách đảo Trường Sa 22 hải lý về phía đông bắc, đảo Đá Tây có hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 9,1 km, rộng khoảng 5,6km, giữa có hồ hình vành khuyên, chiều dài hồ Đá Tây khoảng 6km, chiều rộng khoảng 3,5km, độ sâu của hồ 18 – 35 m. Do vậy hồ rất thuận tiện cho các tàu, thuyền của ngư dân vào tránh gió, tránh giông, bão. Thềm san hô của bãi Đá Tây có thể phân thành 4 bãi riêng biệt, giới hạn ngăn cách giữa các bãi là luồng vào hồ, độ cao trung bình các cụm bãi 0,2 - 0,3 m.
Phía đông của đảo là cụm dịch vụ kinh tế khoa học rộng 3.000m2. Đây là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí, dầu diezen, thực phẩm, thu mua hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí, tăng thu nhập cho ngư dân mỗi chuyến ra khơi.
Mỗi năm, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cung cấp gần 500.000 m³ nước ngọt và hàng nghìn m³ dầu diezen cho tàu thuyền. Đá Tây là 1/5 đảo chìm, 3 điểm nằm ở phía Nam của huyện Trường Sa. Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa.
Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Tây vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm khoa học và phù hợp trong sinh hoạt, cán bộ chiến sĩ trên đảo mỗi năm trồng được hơn 7 tấn rau xanh, nuôi hơn 500 kg gia súc, gia cầm.