Em copy bài của một thầy giáo già cũng thường đi họp lớp cho các cụ thẩm
"Năm nào tôi cũng có dịp được dự vài ba lần hội lớp. Hội lớp của bản thân với các bạn cùng học cấp 2, cấp 3 và nhiều nhất là hội lớp của các lớp học sinh cũ. Hội trường, hội lớp được tổ chức rầm rộ bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 thế kỷ trước. Kinh tế phát triển, đời sống no đủ khiến người ta tìm cách ăn chơi đúng như xưa thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Bên cạnh sự phát triển của các hội đoàn như hưu trí, cựu chiến binh, đồng tuế, đồng hương, cao tuổi… có hội lớp. Mà hình như trong các loại hội thì hội lớp là phổ cập nhất, vì ít có ai trong đời không đi học. Hội lớp Tiểu học thì ít, hội THCS nhiều hơn, nhưng nhiều nhất, đông nhất, ồn ào nhất là hội lớp cấp 3 (nay là PTTH). Rồi hội lớp đại học, hội học sinh cùng du học, … Có người tham gia tới mấy thứ hội lớp.
Hội lớp thường được tổ chức khoảng sau 20 – 25 năm ra trường. Có lý do quan trọng là vào lúc ấy, phần lớn con cái đã trưởng thành, kinh tế đã tương đối ổn định. Phần lớn nhà đã có, xe đã sắm, … nhìn chung là khi gặp nhau, với những gì có ở nhà và mang trên người, ai cũng có thể “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi” (thơ Tố Hữu). Với không ít người, khi đã dư dật thì cái nhu cầu thể hiện sự dư dật trở nên cấp thiết, thậm chí là cấp bách chứ dư dật mà ít người biết thì cũng kém ý nghĩa. Cho nên có lớp ra trường mới 19 năm, nhưng chắc “không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại” nên cũng tổ chức hội lớp, không thể chờ đợi thêm một năm nữa cho hợp với thông lệ. Và cứ thế, 5 năm một lần các hội lớp lại được tổ chức. Cá biệt cũng có những lớp tổ chức thường niên. Gần đây, hình như việc tổ chức hội lớp chưa “thỏa được ước nguyện” nên nhiều nơi còn tổ chức hội khóa.
Vì để “tỏ mặt anh hào” nên các hội lớp đều được tổ chức khá, thậm chí rất hoành tráng tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức. Vì đã vài chục năm mới gặp nhau; vì ai cũng muốn tỏ ra “thành đạt”, tỏ ra cuộc sống của mình rất viên mãn. Cứ thế, dẫn đến tình trạng lớp này to hơn lớp kia, năm sau lớn hơn năm trước. Cho nên sự tốn kém, dẫn đến lãng phí, thậm chí rất lãng phí là điều thường xảy ra. Tiền cho thuê địa điểm, cho trang trí khánh tiết, cho quà cáp các thầy cô giáo cũ, cho ăn uống tiệc tùng, … Ngoài sự tài trợ của một vài thành viên vào bậc “đại gia” trong lớp, chi phí thường được “cam-pu-chia”. Với một số người, đóng góp này là bình thường, không ảnh hưởng gì đến hầu bao. Nhưng với không ít người, những chi phí này là một gánh nặng (đáng tiếc là có “hội” chưa mãn cuộc vui đã rơi vào cảnh buồn vì sự phân bổ). Cho nên, cuối cùng, nói hội lớp nhưng thực ra đó chỉ là hội của một số bạn bè thành đạt trong lớp. Tôi không phản đối (cũng không khuyến khích) việc tổ chức hội lớp. Nhưng nếu có tổ chức, tôi ủng hộ cách tổ chức “tùng tiệm” để làm sao tất cả mọi thành viên trong lớp còn mạnh khỏe và không ở quá xa đều có thể tham gia mà không phải có những mặc cảm. Chúng ta còn có biết bao việc làm có ích cần tới tiền!
Mục đích chủ yếu của Hội lớp là dịp để gặp gỡ bạn bè cùng học suốt 3 năm, nhớ lại những kỷ niệm khó quên cùng nhau dưới mái trường. Đó là quãng đời rất đáng nhớ, tình cảm bạn bè trong những năm tháng này rất hồn nhiên, vô tư cần trân trọng. Với tư cách là giáo viên, thậm chí là giáo viên chủ nhiệm được mời, tôi luôn coi mình là khách, chỉ tham dự phần chính của buổi gặp gỡ. Sau đó, tôi thường cáo từ vì biết sự có mặt của mình vẫn khiến cho mọi người, dù đã không còn là học trò không giữ được vẻ tự nhiên. Biết bao nhiêu điều cần chia sẻ, “bù khú” giữa bè bạn với nhau!
Sau một vài lần hội lớp với tư cách học sinh cũ, tôi có cảm giác trống trải, những câu chuyện vô thưởng vô phạt, những cái cười có thể hết cỡ nhưng vẫn cứ cảm thấy “thế nào ấy”, chẳng có gì là sâu sắc, cũng không có gì là ấn tượng. Là người không thích sự ồn ào, không biết rượu bia, từ đầu tới cuối cuộc đời chỉ là một “ông giáo làng” chẳng có gì khiến mọi người chú ý, càng chẳng có gì để tự hào, tôi không thích tham dự những cuộc gặp mặt này. Thích nhất là những buổi thăm viếng lẫn nhau của từng tốp năm ba người bạn. Những câu chuyện tâm tình, những hồi ức buồn vui của cái thời “nhất quỷ nhì ma” trong một nhóm nhỏ ấy chắc chắn thú vị hơn rất nhiều cái xô bồ, náo nhiệt của đám đông.
P/S: Vừa rồi, có bạn hỏi tôi cảm tưởng về các cuộc hội lớp. Lưỡng lự mãi mới viết vì “trung ngôn nghịch nhĩ”! Tôi biết không phải tất cả các cuộc hội lớp, các bạn dự hội lớp, … đều như những gì tôi vừa nói ở trên. Nhưng cũng phải thừa nhận đó là tình trạng phổ biến. Nếu bạn nào thấy chướng tai, xin nghĩ như người dân ở một ngôi làng nhỏ của Nam Cao “chắc là “nó” chừa mình ra!”