Câu hỏi của chủ thớt đưa ra một tình huống khá thú vị thường không xảy ra ở nước ngoài nơi mọi người lái xe rất văn minh, nhưng lại xảy ra mọi lúc mọi nơi trên các con đường của VN.
Trong tình huống đưa ra, cả hai xe đều đi sai, vì giả định là làn bên phải đang trống để xe sau có thể vượt được, tại sao cả hai xe lại cứ phải chạy ở làn bên trái? Luật quy định xe chạy chậm thì phải chạy bên phải. Chậm hay nhanh nó không nằm ở tốc độ bạn đang chạy, mà là nếu bạn không bị vướng và không cần phải vượt xe nào, nghĩa là bạn đang chạy chậm. Ở tình huống này, xe trước đi sai làn, thì bạn nên đi đúng làn, nghĩa là bạn nên chuyển sang làn phải và đi bình thường. Bạn có thể đi nhanh hơn xe kia, nhưng đó không gọi là vượt, vì đây là đường nhiều làn xe, chẳng qua xe kia đi chậm mà đi sai làn mà thôi. Sau khi đã "vượt" lên trước xe kia, bạn KHÔNG xi-nhan và sang làn trái cắt mặt xe kia mà cứ tiếp tục đi ở làn phải bình thường, cho đến khi bạn gặp xe khác chắn trước mặt ở làn phải. Lúc này bạn sang trái, vượt lên khỏi xe đó một đoạn đủ xa và xi-nhan trở lại làn phải, cái đó mới gọi là vượt.
Thói quen đi xe trên làn trái có thể là do ngày xưa VN chưa có đường nhiều làn xe, kể cả có thì đường cũng nhiều xe máy, cứ sang trái đi sát dải phân cách cho nó lành. Nhưng trên đường cao tốc không xe máy, thói quen xấu này làm giảm tốc độ lưu thông khá nhiều. Mình đã chứng kiến nhiều lúc cả đoàn xe dài cứ bám đuôi nhau đi khá chậm dưới tốc độ cho phép ở làn trái. Thành ra đường 2 làn mà cứ như 1 làn. Nhiều xe không dám sang làn phải chạy vì không hiểu khái niệm "vượt", sợ bị phạt nên cả đoàn cứ thế mà bò...