Cached anh gúc còn lưu đây:
Review về các trường quốc tế
Posted on 18.01.2016 by Nuôi-Dạy-Con
Đây là bài viết số #383 của topic công dần toàn cầu người Việt trên Webtretho. Bản quyền thuộc bạn anhcaheo. Mình copy về đây để dành cho cá nhân và các bạn nào cần tham khảo. Cám ơn mẹ Chou đã gửi thông tin cho chị.
http://www.webtretho.com/forum/wttshowpost.php?p=34295281&postcount=383
MÙA TUYỂN SINH 2016-2017
Qua Tết là bắt đầu mùa tuyển sinh cho năm học 2016-2017 của các trường. Các trường sẽ bắt đầu quảng cáo chiêu sinh từ đây, phụ huynh chuẩn bị cho con theo học hay chuyển trường vào đầu năm học 2016-2017 cũng cần bắt đầu tìm hiểu, ghi danh, giữ chỗ ngay từ lúc này. Để đáp ứng nguyện vọng của các bạn, Cá Heo sẽ review tình hình các trường quốc tế cho năm học mới này.
1. Các trường quốc tế:
–
Nhóm 1: Bao gồm các trường quốc tế đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế. IS và AAVN vẫn được CIS và NEASC công nhận chất lượng. BIS và BVIS đều được CIS công nhận chất lượng. ABC được COBIS công nhận chất lượng. Riêng WASC đã công nhận chất lượng cho 4 trường dạy chương trình Mỹ: SSIS, TAS, SNA và AmIS (khối lớp 9-12).
–
Nhóm 2: Bao gồm các trường có dạy chương trình IB: giảng dạy IBPYP có IS, EIS, AuIS; giảng dạy MYP có IS, EIS; giảng dạy IBDP (lớp 11-12) có IS, BIS, EIS, AuIS, AmIS, RISS, SSIS, CIS.
–
Comment về chương trình giảng dạy: Các trường quốc tế giảng dạy khoảng 90-100% chương trình bằng tiếng Anh. Theo quy định của Bộ giáo dục – đào tạo Việt Nam, các học sinh Việt Nam đều được học các môn Việt Nam học (tiếng Việt, Văn, Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) bằng tiếng Việt. Nghị định 73 giới hạn các trường có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận học sinh mầm non là người VN, tiểu học và trung học cơ sở được nhận 10%, trung học phổ thông được nhận 20%.
–
Comment về giáo viên: Tổ chức Tú tài quốc tế, các quốc gia Anh, Úc, Canada có hệ thống giáo dục kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo viên nhất. Tổ chức Cambridge CIE và các nước Mỹ, Singapore có hệ thống kiểm soát chất lượng giáo viên khá linh hoạt, không chặt chẽ. Cần lưu ý, không phải giáo viên nào có bằng Cử nhân giáo dục cũng đạt chuẩn (qualified) để trở thành giáo viên. Các nước có yêu cầu riêng. Để trở thành giáo viên đạt chuẩn (qualified teacher status), sau khi đã hoàn thành khóa học Cử nhân, ở Anh cần chứng chỉ PGCE, PGDE (1 năm) và thời gian thực tập, ở Canada cần bằng học thêm bằng Bachelor of Education (1 năm). Khá nhiều giáo viên Philippines đang giảng dạy tại VN, mặc dù họ có bằng cấp sư phạm của Philippines nhưng về cơ bản là không đạt chuẩn của giáo viên quốc tế.
– Comment về tiếng Anh: Mô hình 90-100% tiếng Anh trong các trường quốc tế có thể xem là tương đương với mô hình song ngữ Language Immersion của Canada. Mô hình này cho học sinh học gần như hoàn toàn bằng ngôn ngữ thứ 2 ở trường và phát triển tiếng mẹ đẻ ở nhà hoặc ở ngoài cộng đồng. Kết quả là học sinh có thể đạt trình độ song ngữ hoàn hảo (full bilingualism).
British Vietnamese International School (BVIS) Hochiminh City
2. Các trường song ngữ
– Nhóm 1: Bao gồm các trường được kiểm định chất lượng. Hiện đã có SNA được WASC kiểm định, và mới đây nhất BVIS được CIS công nhận chất lượng.
– Nhóm 2: Bao gồm các trường dạy xấp xỉ 50% bằng tiếng Anh, và dạy một hoặc một vài môn khoa học bằng tiếng Anh, bên cạnh môn tiếng Anh: BCIS, Horizon, Wellspring, VAS, hệ song ngữ của SIS, Tây Úc.
– Nhóm 3: Bao gồm các trường dạy tiếng Anh tăng cường. Dù thời lượng chương trình tiếng Anh có thể tương đương với Nhóm 2, nhưng các trường này thường chỉ dạy môn tiếng Anh thay vì dạy một số môn khoa học bằng tiếng Anh. Có các trường Á Châu, Vstar, Einstein, Pathway, Đinh Thiện Lý, PHS, TIS, APC…
– Comment về giáo viên: giáo viên nước ngoài của các trường song ngữ hầu như được tuyển dụng theo tiêu chuẩn tự đặt ra của các trường, chủ yếu là người nói tiếng Anh và có bằng giảng dạy tiếng Anh. BCIS và Wellspring là các trường sử dụng hoàn toàn giáo viên bản ngữ, trong khi VAS, hệ song ngữ SIS và Vstar dùng nhiều giáo viên VN. Về giáo viên dạy chương trình của Bộ giáo dục Việt Nam, các trường đều không đào tạo theo chuẩn quốc tế cho giáo viên. BVIS là trường duy nhất đào tạo 1 năm cho giáo viên VN theo chuẩn Anh, nhưng BVIS không sử dụng sách giáo khoa VN mà tự thiết kế chương trình tiếng Việt.
– Comment về mô hình song ngữ: Mô hình 50-50 (50% học bằng tiếng Việt, 50% học bằng tiếng Anh) gần giống với mô hình dual language của Mỹ (song ngữ Mỹ – Tây Ban Nha, song ngữ Mỹ – Hoa) hoặc mô hình song ngữ của châu Âu hiện nay và được chứng minh là có hiệu quả cao trong – Phát triển 2 ngôn ngữ cùng lúc (mô hình additive bilingualism). Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp với song ngữ cấp tiểu học. Các phụ huynh muốn con sử dụng hoàn hảo tiếng Anh đều có xu hướng chuyển con sang mô hình 100% tiếng Anh ở cấp trung học. Lấy ví dụ Singapore, việc học tiếng mẹ đẻ (Hoa, Malay, Tamil) chỉ bắt buộc ở cấp tiểu học, sau đó học sinh có thể học hoàn toàn bằng ngôn ngữ chung (tiếng Anh) và dành thời gian học ngoại ngữ khác. Các bậc cha mẹ cũng có thể tham khảo chính sách ngôn ngữ này khi định hướng cho con, vì đặc điểm của học sinh Việt Nam là: tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, ngôn ngữ trường học là tiếng Anh (hoặc cả Anh và Việt), ngôn ngữ cộng đồng là tiếng Việt, do vậy để duy trì chính sách song ngữ, không thể áp dụng hoàn toàn mô hình Immersion của Canada hay Two Way của Mỹ được.
3. Cơ sở vật chất: Nhìn chung trong những năm qua, các trường đều rất tích cực xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn. IS sẽ có thêm học xá mới vào năm 2017, VAS có thêm mega campus tại Gò Vấp vào năm học 2016. Phía các trường công lập và bán công của VN cũng có nhiều cải tiến. Ví dụ, riêng Q.7 có ít nhất 2 trường khang trang được xây mới trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, là Lê Văn Tám và Võ Thị Sáu, cùng với giai đoạn 2 của trường bán công Nam Sài Gòn sắp hoàn tất.
4. Học phí: Học phí các trường quốc tế tại VN không rẻ hơn các trường trong khu vực châu Á. Học sinh trung học học tại VN có thể nhận được chất lượng giáo dục tương đương mà có thể ở gần cha mẹ, không mất thêm sinh hoạt phí. Học sinh chọn du học phổ thông thì có thêm cơ hội rèn luyện trong môi trường cộng đồng dùng tiếng Anh, rèn luyện khả năng tự lập, nhưng phải xa cha mẹ, và tốn chi phí sinh hoạt, máy bay…
5. Tâm lý phụ huynh: Phụ huynh không còn sính trường quốc tế như một vài năm về trước. Nếu như vài năm trước, có không ít phụ huynh cho con học trường quốc tế bằng mọi giá, thì giờ đây đã nhận thấy cái giá của cân nhắc không kỹ là không hề nhỏ: trẻ không sử dụng thành thạo tiếng Việt, trẻ không hòa nhập được với đời sống cộng đồng ở ngay tại VN, giá trị nhận được không tương xứng với chi phí bỏ ra, trường quốc tế không đồng nghĩa với học giỏi, giỏi tiếng Anh không đồng nghĩa với thành công khi xin học bổng, vv…. Sự thay đổi diễn ra hiện nay là phụ huynh lựa chọn theo mục tiêu của mình, đó là: nếu trẻ có cha/mẹ/quốc tịch nước ngoài, hoặc sẽ định cư nước ngoài, hoặc sẽ làm việc hẳn ở nước ngoài, thì vẫn cần chọn chương trình 100% tiếng Anh. Nếu trẻ sẽ đi du học châu Âu, Bắc Mỹ và trở về VN làm việc thì chọn chương trình song ngữ. Nếu trẻ sẽ học ở VN hoặc châu Á và sẽ làm việc ở VN thì sẽ học chương trình tăng cường tiếng Anh. 6. Kiểm định chất lượng: Thật đáng mừng là dưới sức ép của phụ huynh, và cũng có thể từ những review của Cá Heo mà các trường quan tâm đến kiểm định chất lượng nhiều hơn. 10 năm về trước hầu như cả trường học lẫn phụ huynh đều không quan tâm đến vấn đề này, thì hiện nay phụ huynh rất thường xuyên hỏi trường về tình trạng kiểm định chất lượng. Những trường có kiểm định chất lượng tuyển sinh dễ dàng hơn vì tạo được sự tin tưởng với phụ huynh.
7. Chương trình học: Hiện nay, những chương trình học hay nhất, tiến bộ nhất đều đã có ở VN: IB, Cambridge, Montessori, IPC, Anh, Mỹ, Úc, Canada, Singapore… Phụ huynh luôn luôn có thể lựa chọn được một chương trình học tốt. 8. Xếp hạng: Năm nay, mình sẽ không đưa ra bảng xếp hạng để các bạn tham khảo nữa. Bạn đã có khá nhiều thông tin, và có thể tìm ra được trường học phù hợp mà không cần có xếp hạng của Cá Heo. Mặc dù khi xếp hạng, mình luôn cảnh báo đó là ý kiến riêng của Cá Heo và bạn chỉ nên tham khảo, nhưng cũng không tránh được một số bạn coi đây là thông tin duy nhất để tham chiếu thứ hạng trường, điều đó là không chính xác
(Nguồn: Topic Công dân toàn cầu người Việt, Webtretho)
FACEBOOK NUÔI DẠY CON