Triệu năm xưa bạn biết không
Dâm Đàm lại chính là sông Nhị Hà!
Khói sương lãng đãng mờ xa
Giấu bao huyền tích phù sa lấp bồi...
HN một ngày Chủ Nhật nắng đẹp...gió mát...phong cảnh Tây Hồ thật quyến rũ...
View từ cafe Thang Loi Hotel
Cafe xong tức cảnh sinh tình làm một vòng ngắm Dâm Đàm trong nắng thu...
Chạy xe chầm chậm thưởng thức làn gió mát rượi thổi vào hồn ta cảm xúc chợt dâng trào...vẳng nghe đâu đây những vần thơ man mác buồn...
Sen úa tàn rồi đấy biết không
Dẫu hương còn thoảng chút trên đồng
Cánh hồng phai nhợt theo màu hạ
Nhụy trắng ngả vàng trước gió đông
Kẻ sớm thay lòng chào cúc mới
Người khuya đổi dạ đón nhài nhung
Riêng ta hồn ủ trong hè mãi
Nhuộm sắc hông liên giữ đỏ lòng…
Mặt Hồ Tây vẫn lung linh mây trời...nắng & gió...chợt bừng lên sức sống của một HN kiêu hùng từ ngàn xưa...trải qua bao năm tháng chiến tranh...giờ thịt da đã thay đổi từng ngày...
Phóng tầm mắt xa xa một đô thị mới hiện đại như minh chứng cho sức mạnh bất khuất của cả dân tộc!
Bao mùa sen nở, rồi sen tàn, nhưng không tàn lụi. Ðầm sen mênh mông, bát ngát, giờ thu hẹp dần, nhưng không thể mất đi. Vì dưới đáy sâu bùn đất, vẫn sống dai dẳng những ngó sen, rễ sen âm thầm. Vì bên đầm sen, vẫn bền bỉ những gia đình sống bám chặt như mọc rễ, cắm sâu, không thể nhổ bật, ngay cả những cơn gió lốc đô thị hóa, mỗi ngày mỗi mạnh ở góc đất hồ Tây.
Một loài hoa sống bằng bùn hôi đen kịt, mà vươn lên, trổ lá, đơm hoa và dâng hương cho đời. Một mùi hương quý phái, cao khiết mà rất đỗi giản dị, khiêm nhường. Có lẽ, nếu không có thức bùn đặc quánh, tích tụ dễ đến mấy trăm năm dưới đáy đầm Quảng An này, thì sen Bách Diệp nơi đây chắc hẳn không thể kết tinh thứ hương đặc biệt, mà bất kể loài sen nào trên mọi góc đầm ao cả nước, có thể sánh nổi. Người đời xưa nay thường bảo rằng: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Phàm là dân ven hồ Tây, ai cũng giữ cho mình thứ "tâm sen" ấy. Bởi sen như là được tạo hóa sinh ra, chỉ để đặt trân trọng nơi chùa chiền, thờ cúng. Sen cũng kén người chơi, nhất là trà sen càng phải chọn lựa kỹ lưỡng. Ấy là giống sen Bách Diệp, nôm na thì gọi là sen trăm cánh, xếp thành nhiều lớp. Cánh lớp ở ngoài cùng to, càng vào bên trong nhụy, cánh càng nhỏ dần, sắc càng thắm hồng mặn mà. Chẳng phải như giống sen quỳ, ít lớp cánh mà cánh từ trong ra ngoài đều đặn như nhau. Sen quỳ thường nhạt hương, thế nên người ta bán nhan nhản trên đường, chỉ để cho ai cắm chơi hoặc cứ để trên cành cho già hoa, rồi lấy hạt tươi hay phơi nắng hè làm sen khô...
Gần năm chục năm trước, sen um tùm phủ kín cả một góc hồ Tây. Sen mọc lan, lấn sang cả những ao hồ kế bên. Giờ thì, sen thu hẹp dần, co cụm, chen chúc còn chừng mười lăm héc-ta. Giờ thì, vào mùa sen nở rộ, mỗi ngày chẳng hái được bao nhiêu. Mà muốn ướp một cân trà sen thượng hạng phải cần tới một nghìn rưỡi bông. Bây giờ, nhiều ngôi làng ven hồ đã lên phố, nhiều người chẳng còn tha thiết gắn trọn đời với sen nữa.
Ðời sen thì ngắn ngủi như đời người. Sen tàn, để lại hương. Sen tàn rồi lại sinh sôi, không thua sắc, kém hương. Hương sen thoang thoảng, như có như không, cũng không nồng nàn, ngào ngạt. Nhưng khi đã thấm ngấm vào tâm trí, vào ký ức và kỷ niệm, mãi mãi không phai nhạt. Và không thể bị trộn lẫn, pha tạp với những mùi hương... thị trường tạp nham, xô bồ và thực dụng.