Hiến xác cho khoa học là một tâm nguyện cao cả, đáng được mọi người tôn vinh trân trọng. Khi chúng ta chết đi, thần thức theo nghiệp tái sanh còn thân thể trở về cát bụi. Nếu chút cát bụi của tấm thân tứ đại này có thể làm được gì lợi ích cho đời thì chúng ta nên làm.
Quan niệm cho rằng sau khi chết, hiến tặng các bộ phận cơ thể thì khi tái sanh thân thể sẽ khiếm khuyết các phần đã cho, hoàn toàn thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nghiệp thức tái sanh tốt hoặc xấu của một cá nhân mới là nhân tố quan trọng quyết định tất cả về cảnh giới, sanh loại, giới tính, hình dạng, tính tình… của cá nhân ấy ở kiếp sau.
Sự chấp ngã (yêu thích thân xác) của con người quá nặng nề nên rất khó giải thoát. Có không ít vong linh vì quyến luyến thân xác nên không đi đầu thai hoặc có biểu hiện đau khổ khi thi thể không trọn vẹn. Trong các quốc gia Phật giáo, phong tục hỏa táng rất thịnh hành. Người Phật tử quan niệm rằng thi thể người chết chỉ là vật chất đơn thuần, nếu không hiến tặng cho khoa học thì đem thiêu đốt thành tro bụi. Hỏa táng nhằm giúp cho quá trình phân tán tứ đại nhanh chóng đồng thời cũng khiến cho hương linh xóa bỏ chấp thủ xác thân để nhanh chóng được tái sanh.
Kinh Tăng Chi Bộ (tập 2, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý), Đức Phật dạy: "Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý". Thân thể là một trong những thứ mà chúng ta yêu thích nhất, quý hơn hết thảy các thứ quý giá ở đời. Vì thế, nếu hiến tặng thân thể thì phước báo về nhan sắc cũng như các phương diện khác ở kiếp sau sẽ trở nên thù thắng vô lượng.