Các cụ/mợ có ai đi Hội Lim không ?
Xin viết đôi lời sơ thảo giới thiệu về Hội Lim:
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Kinh Bắc nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích [tiêu biểu là Chùa Phật Tích - một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo tương truyền, đây là nơi xảy ra câu truyện "Từ Thức gặp tiên": "...Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên..." Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng].
Kinh Bắc xưa sở hữu nhiều lịch sử văn hoá và lễ hội dân gian, mà trong đó lễ hội được nhiều người biết đến nhất và quan tâm nhất chính là Hội Lim.
Hội Lim - là hội chùa làng Lim và đôi bờ con sông Tiêu Tương. Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và đặc biệt nhất là Dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với Ca trù).
Về Dân ca Quan họ, cần hiểu và phân biệt có Quan họ truyền thống và Quan họ mới:
+ Quan họ truyền thống, là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Người dân Kinh Bắc gọi là "chơi Quan họ", chứ không phải là "hát Quan họ". Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.
+ Quan họ mới, còn được gọi là "hát Quan họ", là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng,... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu, tức quan họ mới. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới. Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa...
Giới thiệu làn điệu Quan họ "Người ở đừng về - Con nhện giăng mùng" chắc không ai là không biết:
[YOUTUBE]https://www.youtube.com/watch?v=A8gi3wc99nQ[/YOUTUBE]
Hội Lim "Đến hẹn lại lên" sắp mở rồi, cụ/mợ nào thích nghe, thích tìm hiểu về Hội Lim và Dân ca Quan họ Bắc Ninh xin hãy dừng xe ghé chơi hội ạ !
(Nguồn tham khảo: vi.wikipedia.org, và Youtube)