Làng quê thân thương
Thắm thoát bốn tháng đã trôi qua, những ngày sôi động của Cách mạng tháng Tám cũng lắng dần để trở lại một nhịp sống bình thường, nhưng có lẽ có quy mô tập thể hơn. Lần đầu tôi nghe tới hai chữ “đoàn thể”, bởi lẽ dăm bữa nửa tháng người ta gọi nhau đi họp đoàn thể. Phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên đều đi họp đoàn thể, chỉ có điều là họ họp riêng từng giới và theo độ tuổi. Các cuộc họp khá trật tự, thỉnh thoảng họ lại giơ tay và đếm… Sau này tôi mới biết là họ chuẩn bị để bầu chính quyền thôn xã mới, lúc đó gọi là Ủy Ban hành chính xã.
Trước đây, khi không khí Cách mạng đang sục sôi, một số anh em bà con với gian đình tôi đã tới nhà tôi lục soát để tìm vũ khí, cái giường vải bố với hai thanh dọc được bó gọn lại gác trên tra (gác xép) họ tưởng là súng. Tôi biết chắc cha tôi lúc đó làm quan (sau này tôi mới biết là giám binh lính Nam Triều), nên vì vậy thì chắc là đối tượng của Cách Mạng. Bây giờ ông lại quay về làng. Với đối tượng như Ông khó mà tránh khỏi sự bắt bớ, giam cầm, thậm chí ở những vùng quá khích như Quảng Nam, Quảng Ngãi lúc bấy giờ thì dễ dàng bị khép tội phản quốc để rồi bị xử bắn không cần xử án!. Thế mà bây giờ ông lại về làng, chắc là trốn thoát chăng (?). Ông vừa về đến nhà, hôm sau tôi thấy vài ba người tuổi trung niên, mà toàn là người bà con đến, lúc đầu tôi cứ tưởng là họ đến thăm. Vừa bước vào nhà họ gọi tên cha tôi và hỏi giấy tờ. Cha tôi trình giấy tờ cho họ, liếc qua tờ giấy, từ vẻ mặt hầm hầm họ chuyển sang vui vẻ, hồ hởi và họ nói:
“Bác được Chủ tịch Ủy Ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam cho về nghỉ chữa bệnh à?”
….”Các chú tưởng tôi chạy trốn Cách mạng sao? Tôi được Ủy ban giao cho đưa lực lượng lính khố xanh tham gia Cách mạng, chuẩn bị trợ lực quân sự cho việc cướp chính quyền ở Toran (Đà Nẵng bây giờ) với chức Chủ tịch giải phóng quân. Làm việc được một thời gian tôi bị đau bại liệt tay phải, đã chữa trị nhiều thuốc mà chưa khỏi. Đồng chí Chủ tịch lâm thời Ủy ban hành chính cho phép về an dưỡng và chữa bệnh tại quê nhà, khi nào khỏe trở lại công tác hoặc có thể tham gia công việc tại địa phương theo nguyện vọng”.
Ông nội tôi là thầy thuốc đông y nên ông đã truyền lại cho mỗi cô một bài thuốc chữa trị một bệnh rất hữu hiệu, chính lẽ đó mà cha tôi đã xin về quê chữa bệnh. Nghe xong tường trình, mấy chú reo lên:
…“
Thế thì hay quá, bác ở lại quê tham gia vào chính quyền xã ta, hiện đang vận động ứng cử và đề cử đó. Xã mới thành lập gồm các thôn Minh Lễ, Nội Hà, Giáp Tam, Đồng Đưng, Thong Thông, xóm Rú và Phú Mỵ, dù sao thì bác cũng từng làm quan nên quen với tổ chức chính quyền hơn, bọn em phần lớn chỉ quen với ruộng vườn”.
…”Tôi cảm ơn, nhưng tôi chưa khỏi hẳn bệnh, khi nào sức khỏe trở lại bình thường tôi xin sẵn sàng phục vụ Cách mạng”.
Vâng, cuộc kiểm tra giấy tờ đã chuyển sang cuộc trò chuyện hàn huyên giữa các người anh em đồng tộc. Vài ba cút rượu quê, dăm ba đĩa thịt lợn luộc kèm theo mấy chiếc bánh tráng nướng đã là bạn đồng hành với các câu chuyện kéo dài cho tới tận chiều tà. Khi các bạn đồng hành đã gần vãn, câu chuyện cũng tới hồi kết, những cái bắt tay nồng hậu để rồi ra về, mỗi người tưng bừng như sau mỗi cuộc nhậu thường lệ. Từ hôm đó, hàng ngày có nhiều người tới lui nhà tôi để bàn công việc với Ông cụ.
Ông cụ phân công sắp xếp từng việc cho từng người trong gia đình, ông quan tâm tới việc học hành của chúng tôi. Anh cả vừa thi Pri-me, tôi đang học lớp nhất. Có lẽ việc học hành của tôi là nhàn hạ hơn cả, kiến thức học ở thành phố có tốt hơn, đặc biệt là môn toán và tiêng Pháp tôi học khá nhất lớp, vì thế có khá nhiều bạn bè. Ngay cạnh nhà tôi có hai người bạn cùng trang lứa nhưng khác lớp. Tôi nhớ nhất là cậu Cát. Cậu học kém tôi một lớp và hầu như cậu không đi học, với tính tò mò muốn hiểu biết thế giới động vật ở nông thôn của tôi thì cậu là người hướng dẫn du lịch bậc thầy. Cậu thường dẫn tôi tới các lùm cây móc, cây vằng lồ có gai, cậu chỉ cho tôi những tổ chim cú và bảo tôi chiều nào cũng vắt vài nắm cơm thật to cho vừng vào và đem sang để vào các tổ cú. Sáng nào tôi cũng chạy sang xem chim cú, nhưng chẳng bao giờ thấy mà các vắt cơm thì biến mất. Tôi được giải thích là chúng ăn hết về đêm, sáng ra chúng đi ẩn kín. Cậu bổ sung thêm: “
Cứ kiên trì tiếp tục làm như vậy thì thể nào cũng gặp”. Tôi làm mãi, làm mãi… Một hôm, người anh cả bắt gặp tôi vắt cơm đem giấu, anh ấy hỏi:
“
Mày làm vắt cơm làm gì, cho ai?”.
Tôi trình lại câu chuyện đó, anh tôi cười nắc nẻ và bớp tôi mấy cái, lúc đó tôi mới tỉnh lại câu chuyện mộng du của mình. Mà không thơ mộng yên bình sao được, những sáng hè tinh mơ người ta đi bừa vỡ váng đất cho các ruộng lúa reo thẳng trên đất khô sau cơn mưa mùa hạ, lúa thì con gái non xanh đưa tay vẫy gọi, phả gió mơn man vào da thịt các nông phu từ nhi đồng cho tới lão thành. Ôi! Tôi thưởng thức sự ngấm nắng gió vào da thịt đó mà lòng tran trề khoái cảm. Tôi thường lẻ đi học thật sớm để dọc đường còn thì thầm, vuốt ve những hàng lúa xanh tốt đứng cạnh đường đi. Chẳng mấy chốc cách đồng từ mầu xanh đã biến thành mầu vàng óng ả, mà mấy ai tính đếm được thời gian, bởi lẽ nó cứ lặp lại hoài hoài cái chu trình bất tận như vậy. Không gì vui bằng thu hoạch mùa màng. Tôi thích nhất vụ thu hoạch lúa vào tháng mười, lúc này trời hơi se lạnh, không bụi bặm, lúa gặt xong đạp lấy hạt, rơm phơi được nắng hanh khô mùi thơm ngòn ngọt dễ chịu. Vùi mình vào các đóng rơm mà nhau cốm dẹt, vừa ấm vừa nhâm nhi vị ngọt của hạt gạo nếp non đầu mùa thì thật khó có sự thích thú nào hơn đối với lũ trẻ con chúng tôi lúc đó. Cốm dẹt ở quê tôi khác với cốm dẻo có mầu xanh ở ngoài Bắc, nó được giã cho tới bẹt dí, màu trắng mốc và khô, mỏng như mẩu giấy. Nhà tôi ở ngã ba đường cái quan rẽ đi các chợ Mới, Thọ Linh, Hòa Ninh, Diên Trường nên sáng sáng, chiều chiều nghe các câu hội thoại của các bà, các chị đi chợ ngang qua, đại loai như:
- Nhà ả ăn cơm mới chưa?
- Dzà! Lúc ấy mần lợn!
Toạt đầu tôi cứ ngỡ là họ giết lợn, nhưng sau mới vỡ lẽ ra là họ ăn một loại cốm dẹt mịn dưới dần-sàng, tức là đầu mộng lúa giống như cám lợn. Ồ! Đừng hiểu lầm, nó ngọt lắm đấy!. Hoặc nhứ:
- Khoai ả năm ni có bột không?
- Ồi! ăn mà chó đui mắt đi!
À, thì ra khoai nhiều bột, chó ngồi ngóng người ăn bị bột khoai lang bắn vào làm đui mắt. Ví von như vậy thật là đầy chất hài, tâm hồn nông dân cũng văn nghệ lắm chứ!
Nhà tôi không nhiểu ruộng vườn nên còn làm thêm việc mua bán, mùa lúa mua lúa giã thành gạo, mùa lạc gom lạc phơi khô, bóc vỏ lấy hạt để đem ra chợ Vinh, vào Huế bán, nên cũng có cài anh chị bà con ở trong nhà giúp việc. Tôi không bận bịu gì lắm với công việc nhà nông, chủ yếu là chăn bò và đưa nước uống ra đồng, hoặc thỉnh thoảng đứng lên bừa để bò kéo cho nhẹ. Cha tôi bao giờ tha thứ cho sự học kém và thiếu tự giác học tập, nên không lúc nào tôi quá lạm dụng vào công việc để rong chơi. Tuy nhiên, các cuộc đấu bóng đá trên các ruộng vừa gặt rạ vào các buổi chiều là điều không thể thiếu. Duy nhất tôi có quả bóng cao su ở làng quê, sợ cha mẹ mắng ham chơi, thỉnh thoảng tôi không ra bãi đá bóng, bọn trẻ con ngứa ngáy chân tay, không chịu nổi kéo nhau đến nhà tôi đòi mượn bóng làm ầm ĩ, buộc lòng người lớn trong nhà phải xua tôi đi theo bọn nó cho đỡ ồn ào. Và thế là trúng kế vặt của con trẻ mà chắc người lớn cũng chẳng lạ gì!.
Vài ba mùa lúa đã trôi qua, không khí thanh bình đã bị xáo trộn. Cha tôi từ Ủy ban hành chính xã ít về nhà ăn cơm trưa như mọi lúc. Ông đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Quảng Minh. Tôi thường xuyên phải mang cơm trưa lên cho ông. Văn phòng Ủy ban luôn chật ních người, người xin giấy nhập ngũ, người theo các cơ quan kháng chiến. Thanh niên trai tráng trong làng, xã đi thoát ly gần hết, đặc biệt là các anh có học vấn cao. Những cuộc hội hè vui vẻ, đấu vật, đấu võ của trai tráng trong làng, trong xã trong những ngày tháng thanh bình sau khởi nghĩa tháng Tám không còn là nội dung sinh hoạt chính ở nông thôn nữa. Hội các cụ, các mẹ lo tiếp tế, úy lạo cho những đoàn quân Nam tiến đi qua làng. Ủy ban hành chính vận động bà con quyên góp tuần lễ vàng, mua công trái kiến thiết quốc gia, đón tiếp và giúp đỡ đồng bào từ Thừa Thiên – Huế tản cư ra các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh. Làng tôi là nơi gặp gỡ của hai dòng người đi ngược nhau, kẻ ra trận, người lui về hậu phương bởi lẽ họ phải chuyển tàu vì cầu sắt đã bị phá để thực hiện khẩu hiệu “tiêu thổi kháng chiến”. Có khi phải chờ tàu tới vài ngày, nên khách của làng lên tới vài nghìn người. Đúng là hạt gạo bẻ đôi, nghèo giầu bất kể, nhà nào cũng phải nhận đón tiếp một vài gia đình, cho ăn, cho ngủ, có nhà nhận hàng chục gia đình. Các đoàn thể, Ủy ban lo việc này hàng tháng trời nên ai nấy đều phờ phạc. Nhà tôi có tới vài tram cái nong phơi thóc cũng được dùng vào việc làm bàn ăn và giường ngủ cho các gia đình tản cư. Ngoài ngõ, trong vườn, sân trường học bày la liệt các loại nong. Ai cũng cố gắng thực hiện cho được sự vận động “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Mọi người lăn xả vào mà nhường cơm, sẻ áo rất vô tư, mặc dù không ít trường hợp bà con tản cư trút lên đầu họ những nỗi bực bội do mệt mỏi, mất mát và tính kiêu kỳ của người thành thị… Đồng bào tản cư, bộ đội rút đi vãn, dân làng lại âm thầm thu dọn cái riêng tư của mình, chuẩn bị cho tiêu thổ kháng chiến. Họ biết đi đâu!?. Lấy rừng núi ruộng vườn làm lá chắn, lấy ý chí dân tộc, nhiệt tình cách mạng làm thanh gươm, dân làng tôi vào trận chỉ có thế thôi. Sau những ngày như thế đến đứa trẻ con như tôi cũng mệt mỏi, rã rời không giúp rập với người lớn sao được!.
Bây giờ ngồi viết lại những dòng này tôi mới thấu hiểu và trân trọng cái đức tính cao thượng của hết thảy những người thời đó không kể sang hèn. Vật chất thời đó sao nhiều bằng bây giờ nhưng sao tấm lòng con người rộng mở, vô tư làm vậy!?. Lúc đó chưa ai nói tới chủ nghĩa xã hội, lại càng không biết tới khái niệm kinh tế thị trường. Có lẽ con người chỉ nghĩ rằng một nước không chỉ có vài người, muốn giữ nước trước hết phải giữ người. Vậy là họ đùm bọc nhau.