[Funland] Hồi ký (Phóng tác) về đường ống xăng dầu Trường Sơn.

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Trong những ngày cả nước kỷ niệm 40 năm ngày Điện Biên Phủ trên không và kỷ niệm ngày Thành lập QDND, em xin góp một câu chuyện về "Đường ống xăng dầu" của Đoàn 559 trong những năm KCCM. Em sẽ post từng ít một, nếu các bác thấy có hứng thú, em sẽ post tiếp....


"Nếu gọi Đường mòn Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống dẫn dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó."

Đồng Sỹ Nguyên
Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
DÒNG SÔNG MANG LỬA​
Kính tặng đồng đội và những người đã ngã xuống
trên tuyến đường ống dẫn dầu Trường Sơn huyền thoại
Chương 1

XĂNG VÀ MÁU

Năm tháng sẽ trôi qua. Bụi thời gian sẽ dần khoả lấp những hồi ức chiến tranh. Chiến tranh sẽ chỉ còn lại trong những trang lịch sử, những trận đánh, những dấu mốc hào hùng. Đường mòn Hồ Chí Minh – Đường Trường Sơn là một cái tên luôn gắn với cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nó không đơn giản là một địa danh, bởi chiều dọc, nó là cả dãy núi Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây tổ quốc. Chiều ngang từ chân dãy Trường Sơn giáp với duyên hải miền Trung sang đến những cánh rừng già ngút ngát trên đất bạn Lào và Cam pu chia. Nó không đơn giản là một sự kiện, vì nó sục sôi khói lửa suốt mười sáu năm trời. Đường mòn Hồ Chí Minh là một mạng đường chằng chịt, vĩ đại mà có lẽ trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới khó nơi nào sánh được. Mạng đường đó không chỉ có đường ô tô, mà cả đường sông, đường giao liên chuyển quân từ Bắc vào Nam, đường dây thông tin, đường ống xăng dầu. Đường mòn Hồ Chí Minh như một huyết quản khổng lồ tiếp máu từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Người Mỹ hiểu rất rõ điều này và họ tìm mọi cách ngăn chặn. Trên bốn triệu tấn bom đạn đã dội xuống tuyến đường. Mỗi cung đường đều trở thành mặt trận. Mỗi cửa khẩu, điểm vượt sông hoặc những nơi địa hình phức tạp, dễ bị chia cắt đều trở thành trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt. Núi đồi bị san phẳng, rừng đại ngàn trơ trụi vì bom đạn và chất độc hóa học. Hàng vạn người đã ngã xuống hoặc để lại một phần cơ thể của mình trên tuyến đường Trường Sơn. Đường mòn Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn là nơi tôi luyện ý chí, là nơi thử thách lòng dũng cảm của con người.

Đường ống dẫn xăng dầu là một tuyến đường đặc biệt trong hệ thống các tuyến đường trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Đó là một dòng sông mang lửa, vì nó sẽ bất chợt bùng cháy khi gặp một tia lửa nhỏ. Vậy mà nó đã vượt qua đỉnh Trường Sơn, qua núi cao, sông sâu, vượt qua mưa bom bão đạn đánh phá hủy diệt của Không lực Hoa Kỳ. Dẫu bao người đã ngã xuống, nhưng tuyến đường ống vẫn kiên cường đứng vững, đảm bảo xăng cho vận tải cơ giới và các hoạt động chiến đấu trên Đường Hồ Chí Minh, không ngừng vươn sâu vào các chiến trường, đến tận Nam Bộ. Câu chuyện đó khó tin như một huyền thoại.

Huyền thoại đó bắt đầu từ năm 1968, khi Hoa Kỳ xuống thang đánh phá miền Bắc Việt Nam, thực hiện ném bom hạn chế từ vĩ tuyến hai mươi trở vào. Với Hoa Kỳ,“Ném bom hạn chế” là một hành động có lợi cả về ngoại giao và quân sự. Về ngoại giao, Hoa kỳ được tiếng là có thiện chí. Nhưng về quân sự, thực chất đây là một giải pháp tập trung cao độ bom đạn để ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam qua vùng cán soong, nơi đia hình bị thu hẹp lại như yết hầu. Chỉ sau mấy tháng Mỹ “Ném bom hạn chế”, việc chi viện từ miền Bắc vào miền Nam đã lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Tất cả các cửa sông, các bến phà đều bị rải thủy lôi dày đặc. Các kho nhiên liệu liên tiếp bị đánh phá. Trên địa bàn Quân khu 4 và đường Trường Sơn đã hình thành những trọng điểm ác liệt, đặc biệt là tam giác lửa Vinh-Nam Đàn-Linh cảm, các trọng điểm như Đồng Lộc, Xuân Sơn, Đèo Đá Đẽo, Trà Ang, chuỗi trọng điểm ATP gồm Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu la Nhic ở khu vực cửa khẩu đường hai mươi Quyết thắng….Đủ mọi thứ bom đạn từ trên trời trút xuống suốt ngày đêm đã làm cho những chiếc xe vận tải vượt qua trọng điểm cực kỳ gian nan. Với xe chở xăng dầu thì vượt qua trọng điểm coi như chỉ một phần nghìn tia hy vọng, vì chỉ cần trúng một mảnh bom là xe có thể bốc cháy. Sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, nhu cầu lương thực, vũ khí, khí tài tăng lên rất lớn. Trong điều kiện đich đánh phá như vậy, không có xăng dầu thì mọi sự vận chuyển đều bị đình trệ. Các mặt trận và Đoàn 559 gặp rất nhiều khó khăn. Kế hoach mở đường, vận chuyển cho mùa khô có nguy cơ bị đình hoãn. Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên đã có lúc phải điện về Bộ: Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không chuyển xăng và lương thực vào, có nguy cơ hàng vạn bộ đội VÀ Thanh niên Xung phong bị đói…
 
Chỉnh sửa cuối:

hongtuoi06

Xe tải
Biển số
OF-172458
Ngày cấp bằng
18/12/12
Số km
226
Động cơ
344,711 Mã lực
Hay quá tiếp đi cụ
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Chiếc xe Gaz-69 chở đoàn Phái viên Tổng Cục bắt đầu thể hiện khả năng giã chiến của nó từ trọng điểm Truông Bồn. Dưới ánh đèn dù sáng rực, lũ máy bay đã phát hiện ra mấy chiếc xe tải đang ở đầu bắc trọng điểm. Chúng gầm rít, bổ nhào, và những loạt bom bắt đầu rung chuyển. Chiếc Gaz-69 đã đi được hai phần ba trọng điểm, cách mấy chiếc xe kia tới hơn cây số, nó chồm qua những hố bom bi đan nhau thành lưới ổ gà, những hố bom phá được lấp vội, lái xe phải cài cầu, tăng hết ga mới vọt lên được. Cậu lái xe là người có kinh nghiệm nên thường chọn giờ vượt trọng điểm khá chính xác. Nhờ vậy, xe của họ đã vượt trót lọt qua một số trọng điểm. Tuy nhiên đến Ngã ba Đồng Lộc, được thông báo phải mất hai đêm mới có thể thông đường. Thục đành đi bộ theo đường giao liên, và tranh thủ đi nhờ các xe tải chạy từng đoạn. Phải mất bốn ngày, từ Hà Nội, anh mới vào đến QH.

QH là một hang đá nằm giữa khu rừng già cây cao vút. Dưới tán rừng này, có thể dấu nhiều xe mà địch không thể phát hiện. Nền hang khá bằng phẳng. Hang sâu hàng trăm mét, rộng đến mức xe vận tải có thể vào được. Chiều cao của hang có chỗ tới gần chục mét. Trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, thì có một hang đá như thế này quả là lý tưởng để làm nhiều việc. Một đại đội kỹ thuật đang gấp rút hàn bể chứa xăng lớn trong hang. Trong hang, suốt ngày là tiếng búa, thiếng máy hàn. Những tiếng động ấy cứ đập qua đập lai thành hang nghe đến chói tai. Vậy mà mấy cậu lính xe, công binh vẫn ngủ say như chết. Suốt đêm làm việc căng thẳng trên tuyến đường, đây là nơi họ có thể vô tư thả mình vào giấc ngủ. Những nơi an toàn như thế này, lính thường gọi là “ấm gáo”.
Ngả lưng sau mấy ngày đi đường vất vả, Thục vẫn nhớ như in lúc nhận nhiệm vụ lên đường. Buổi sáng, Cục trưởng gọi anh lên: “ Cần đi Khu bốn gấp. Chủ nhiệm bảo đây là một việc hệ trọng, cần một sỹ quan trẻ, xông xáo đốc chiến, cậu cử ai thì lên cùng họp luôn để tôi trực tiếp giao nhiệm vụ”
Lần đầu tiên Thục được trực tiếp gặp tướng Đinh Đức Thiện, và có dịp ngắm kỹ ông: Dáng người cao lớn, nước da trắng đã hơi sạm, chắc vì​
công việc đè nặng lên ông. Gương mặt to, xương xương với đôi mắt luôn nhìn thẳng, cương nghị, quyết đoán. Nhin đôi mắt ấy, Thục hiểu rằng ông không bao giờ chấp nhận lối làm việc qua loa, vô trách nhiệm. Cuộc họp sáng hôm ấy thực sự căng thẳng khi Bộ Tham mưu Tổng Cục báo cáo tình hình đánh phá của địch trên các tuyến đường Khu Bốn,đặc biệt là sự bế tắc trong việc vận tải xăng dầu.Chủ nhiệm Tổng cục lắng nghe các ý kiến, các đề xuất để đối phó với địch trên các tuyến vận tải chiến lược, và ra các chỉ thị. Cuối cuộc họp, ông hỏi:

- Vận chuyển xăng cho mặt trận vẫn là việc khó nhất, tốn nhiều xương máu nhất. Trước mắt, bằng mọi giá phải chuyển được xăng vào cho đoàn 559. Tổng Cục quyết định cử một số sỹ quan đi các hướng đốc chiến. Ngành Xăng dầu cử đồng chí nào vào Quảng Bình?
Cục trưởng đứng lên:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi cử đồng chí Hà Đức Thục.
Thục đứng nghiêm:
- Báo cáo, có tôi.
Là một sỹ quan cấp úy đứng trước một viên tướng nổi danh như Đinh Đức Thiện, Thục không khỏi hồi hộp. Chủ nhiệm nhìn anh vài giây rồi gật đầu:
- Trông bản lĩnh đấy. Tôi hỏi: Cậu có hiểu được mức độ khó khăn, ác liệt của công việc này không?
Thục đứng nghiêm:
- Báo cáo, tôi hiểu, tôi hứa hoàn thành nhiệm vụ.
- Thế là ổn rồi- Chủ nhiệm ôn tồn - Tôi sẽ trực tiếp ký giấy giới thiệu cho cậu đến các binh trạm. Trong công việc, cậu sẽ cùng bàn với đơn vị, và phải thường xuyên trực tiếp báo cáo về tổng cục. Không phải tôi không tin ở các binh trạm, nhưng nước tình hình vận chuyển xăng dầu lên phía trước thế này, tôi muốn đồng chí như con mắt của Tổng cục ở những nơi khó khăn nhất.
Ra khỏi phòng họp, Cục trưởng vỗ vai Thục:
- Cậu thành nhân vật quan trọng rồi đấy. Nhưng nhớ rằng cậu sẽ phải đến những điểm nóng nhất. Ở đó, thương vong diễn ra hàng ngày.

Không phải vì lời động viên của Cục trưởng, mà bằng việc Chủ nhiệm Tổng Cục trực tiếp giao nhiệm vụ, Thục đã thấy rõ trách nhiệm của mình hết sức nặng nề.
 
Chỉnh sửa cuối:

laicanthan

Xe container
Biển số
OF-84069
Ngày cấp bằng
29/1/11
Số km
8,634
Động cơ
498,076 Mã lực
Em đánh dấu bài của cụ chủ cái ạ
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Thục vươn vai sau một giấc ngủ vùi bù lại mấy ngày đi đường vất vả. Anh ngước lên nhìn vòm lá cây xanh ngút ngát. Có vài hố bom trước cửa hang, mà sao anh cảm thấy nơi đây thanh bình lạ. Dòng suối trong vắt chảy từ hang ra. Tiếng chim hót trên vách đá, một chú sóc chuyền cành, tiếng ac mô ni ca của môt câu lính lái xe từ trong ca bin vọng lại. Kỹ sư Vĩnh, Đội trưởng đội thi công bể hàn chỉ cho Thục mấy hố bom, và dặn:
- Không có việc thì ông nên hạn chế ra ngoài, vì đôi khi theo vết bánh xe, máy bay địch vẫn ném bom vào đây thăm dò.

Thục hỏi​
- Sao tôi thấy quang cảnh thanh bình quá?
- Cũng phải có lúc yên tĩnh cho chúng mình thở chứ. Chờ Trưởng Ban xăng dầu Binh trạm đến đưa chúng mình đi, ông sẽ hiểu thế nào là đất lửa Quảng Bình.
Thiêng thật, vừa nhắc đến thì Trưởng Ban Xăng dầu Binh trạm 112 xuất hiện. Theo hiệp đồng, hôm nay anh phải đến QH để cùng Vĩnh và phái viên Tổng cục Hậu cần đi nghiên cứu thực địa, tìm phương án chuyển xăng cho Đoàn 559. Dáng người cao gầy, nhanh nhẹn, người sỹ quan bắt tay Thục rất chặt, giọng miền Nam trầm ấm:
- Tôi là Thành, Trưởng Ban Xăng dầu binh trạm 112. Anh vào đúng lúc quá. Suốt cả tháng nay Binh trạm trưởng Nguyễn Điền lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Trong 559 điện ra thúc dục, Bộ và Tổng cục liên tục đôn đốc. Tuyến ống của chúng tôi thì đã buộc phải dừng vận hành hai tuần nay rồi.
Ở Tổng cục, Thục đã nghe nói tới tuyến dẫn xăng độc đáo của Binh trạm 112 nên anh cũng nóng lòng muốn tận mắt xem tuyến ống này ra sao. Tuy nhiên anh vẫn hỏi:
- Sao lại dừng vận hành tuyến ống?
- Cứ đi thực địa ta sẽ rõ- Thành thân mật nắm tay Thục .
Ba người đi theo lối mòn được tạo thành bởi hai vệt bánh ô tô, tới một khu đất bằng phẳng dưới tán cây rậm rạp. Đây chính là điểm đầu của tuyến ống. Một bể xăng chôn ngầm , một chiếc máy bơm đặt trong hầm có mái che. Một lán nhỏ chứa phụ kiện, là chỗ ở của thợ vận hành. Mấy cái hầm chữ A chắc chắn và đoạn giao thông hào thoát hiểm. Vĩnh chỉ mấy nóc nhà thấp thoáng sau nương ngô và nói:
- Đó là xóm Hung. Chúng ta phải đưa xăng vượt qua ngọn núi kia để sang xóm Trứng.
Thành sôi nổi kể:
- Anh Thục biết không, cách đây hai tháng, khi 559 điện gấp đòi xăng, đường ô tô địch chặn ác liệt quá, trời mưa, trận bom nọ nối trận bom kia làm đất đá bị xới tung lên thành một lớp bùn nhão nhóet kéo dài suốt 3 cây số trọng điểm. Cả sức người và sức máy ủi đều không thể khắc phục được. Mấy ông công binh thử dùng phương pháp nổ mìn vi sai xem có thể hất được lớp bùn đi không. Sau loạt nổ thứ hai, khối bùn tung lên trời rồi lại rơi bẹt trở lại mặt đường. Gần một tháng trời không có xe nào qua được trọng điểm. Trước tình đó, Tổng Cục đã cử Đội của anh Vĩnh vào phối hợp giúp đỡ Binh trạm. Các anh ấy thực sự là cứu tinh của chúng tôi đấy.

- Trưởng ban quá lời rồi – Vĩnh cắt ngang - Bọn tôi có kỹ thuật, có thiết bị thì phải làm được một cái gì đó cho Binh trạm chứ. Chỉ ngặt nỗi năng lực chúng tôi cũng hạn chế nên ta phải dừng lại giữa chừng – Rồi Vĩnh hăng hái thuyết minh tác phẩm của mình - Trước khó khăn của Binh trạm, chúng tôi điểm lại toàn bộ vật tư, thiết bị, thấy có thể làm được đường ống vượt qua ngọn núi này. Chúng tôi tìm tất cả mọi thứ ống có trong binh trạm, có trong kho của mình, và dùng tôn hai ly hàn thành tuyến ống.này.
Ba người leo theo dọc tuyến ống. Phía bên này dốc là đoạn chịu áp lực bơm nên tất cả đều dùng ống thép hàn. Để đề phòng bị địch đánh, cứ vài chục mét lại có một hầm trú ẩn. Quá lưng chừng dốc là một cái kho trung chuyển nhỏ gồm mấy cái phuy hai trăm lít nối với nhau bằng hệ thống ống và van. Một cái máy bơm nhỏ đặt trong hầm. Vĩnh giải thích:
- Máy bơm ở chân dốc có thể không bơm được qua núi, thêm nữa, ống hàn do chúng tôi chế tạo không có điều kiện thử áp suất nên phải có trạm bơm trung chuyển này.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Đỉnh núi là một kho trung chuyển gồm hai bể cao su, tổng sức chứa bốn nghìn lít. Những bể chứa này do bộ đội khiêng lên. Từ đây, xăng tự chảy xuống chân dốc.
Thục đang thích thú xem những chiếc bể cao su đặt trong hầm, thì bỗng có tiếng rít qua đầu và tiếng bom nổ rất gần. Theo phản xạ, cả ba nhảy xuống mấy cái hầm gần đó. Vĩnh nhìn về phía đám khói bom đang bốc lên, lo lắng:
- Chúng ném bom tọa độ vào khu vưc cửa hang của mình rồi. Không biết có ai việc gì không. Hy vọng không xẩy ra chuyện gì, vì giờ này anh em thường đang ngủ trong hang.
Sang bên kia đỉnh núi, Thục nhận ra đây mới thực là tuyến ống theo kiểu chiến trường. Mọi thứ ống: Ống cao su, ống nhựa, ống tôn, ống chân nhà bạt, ống phóng rốc két của Mỹ…, tóm lại là mọi thứ được gọi là ống. Chỗ nối giữa chúng nếu không phải là khớp nối kỹ thuật thì được quấn bằng xăm ô tô. Vì tính chất phức tạp của tuyến như vậy nên cứ mấy chục mét độ cao lại có một phuy hai trăm lít để điều chỉnh áp suất. Đoạn dốc năm mươi mét cuối cùng thì không còn kiếm đâu ra mét ống nào nữa, nên ống được nối tiếp bằng những cây lồ ô đục thủng các mắt. Vĩnh giải thích:
- Đây thực sự là bất đắc dĩ. Trong cuộc họp hiến kế, tôi đề xuất biện pháp này và được binh trạm ủng hộ ngay. Đương nhiên sức chịu áp của loại ống này rất kém nên các phuy trung chuyển phải bố trí dày hơn. Ngày vận hành đầu tiên Sau khi khắc phục xong mấy sự cố kỹ thuật thì xăng bơm qua núi một cách khá trôi chảy. Binh trạm trưởng ôm lấy tôi nói rất cảm động: “cậu đã cứu bọn tớ một bàn thua trông thấy”. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau thì đủ thứ khó khăn phát tác: Xăm ô tô ở các chỗ nối ống không chịu được xăng nên xăng rò chảy nhiều. Ống lồ ô cũng không chịu được xăng nên ngấm nhiều, và chúng nhanh chóng bị tóp lại. Anh em khắc phục sự cố vất vả đã đành, nhưng điều đáng nói là xăng tổn thất dọc tuyến ngày càng lớn. Cả khu rừng mùi xăng nồng nặc. Trong điều kiện này, chỉ một quả bom bi rơi vào tuyến thì tổn thất khó mà lường hết được. Chúng tôi đã cầm cự vận hành được hai tháng qua, số xăng chuyển đi cho 559 được tổng cộng một trăm năm mươi tấn, nhưng xăng tổn thất cũng khá lớn.
Thành xen vào:
- Một trăm năm mươi tấn xăng tương đương với năm mươi xe chở xăng vượt trọng điểm. Điều ấy quan trọng lắm . Tuy nhiên giờ thấy chân xăng còn ít qúa nên Binh trạm phải quyết định cho ngừng vận hành., nghĩ cách khác sao cho xăng có thể chuyển qua trọng điểm mà tổn thất ít nhất.
Thục tần ngần nhìn đoạn tuyến bằng những cây lồ ô. Chắc đây là đoạn tuyến ống dẫn xăng độc nhất vô nhị trên thế giới sử dụng loại vật liệu này. Hẳn là những cây lồ ô liên tục được thay mới nên bên cạnh tuyến còn những thân cây teo tóp. Anh khâm phục tinh thần giám nghĩ, giám làm của những người lính trong điều kiện vô cùng khó khăn. Và anh cũng hình dung ra nỗi gian truân của những người lính vận hành, khắc phục sự cố trên đoạn tuyến độc đáo này.
Thành cắt ngang trầm tư củaThục:
- Giờ chúng ta ra đường ô tô xem có nghĩ ra cách gì khác chuyển xăng qua trọng điểm được không – Anh chỉ một con đường mòn - Đây là đường tốt nhất để đi ra trọng điểm 468.
Từ sáng đến giờ, phía trọng điểm 468, tiếng bom liên tục ì ầm vọng lại. Đến đỉnh dốc, chỗ lối mòn đổ xuống đường ô tô, Thành dừng lại bên một cái hầm chữ A đào sẵn:
- Ta nghỉ ăn trưa đã. Theo quy luật thì trận bom sáng cuối cùng đánh vào trọng điểm là khoảng mười một giờ.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Thục ngạc nhiên:
- Quy luật ổn định vậy sao?
- Ổn định thì không thật ổn định, nhưng trong khoảng dăm ngày thì tạm yên tâm. Nắm được quy luật, công binh và Thanh niên xung phong mới giảm được thương vong trên mặt đường đấy.
Ba người chưa ăn hết nắm cơm thì một loạt bom mới lại bắt đầu nổ. Nơi đây rất gần trọng điểm nên mọi người phải xuống hầm. Tiếng máy bay gầm rít, những loạt bom phá, bom bi, rocket nối nhau. Ngồi trong hầm đã cảm thấy chói tai và cảm nhận được mặt đất rung chuyển. Khoảng mười lăm phút thì trận oanh tạc chấm dứt. Thành đưa bi đông nước mời hai người uống rồi thong thả:
- Chừng vài chục phút yên tĩnh nữa là đi được. Chúng ta sẽ có khoảng gần hai tiếng tạm yên tâm để đi qua trọng điểm. Bắt đầu từ đây, phải rất chú ý nghe ngóng động tĩnh từ trên không, nhưng điều trước hết, phải thận trọng quan sát mặt đường xem sáng nay chúng nó có rải bom lá, bom tai hồng, hay bom vướng nổ không. Nếu có thì phải trở về, chờ công binh dọn dẹp đã.
Thục khâm phục sự dày dạn của Thành. Anh ta nói chuyện đạn bom như ngồi đánh cờ. Người ở hậu phương nghe đến bom đạn ở đất lửa Quảng Bình thì luôn cảm thấy căng thẳng. Vậy mà ở đây, con người lại bình tĩnh lạ. Bất giác anh nhớ đến một câu thơ của Phạm Tiến Duật: Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ.
Nhô ra khỏi đám cây xanh cuối cùng trên triền núi, Thục quan sát được toàn cảnh trọng điểm 468. Đã qua một số trọng điểm, nhưng toàn đi ban đêm nên Thục không hình dung hết. Đã tưởng tượng, mà anh không khỏi ngỡ ngàng. Không biết các thế hệ sau có thể hiểu hết những nơi gọi là trọng điểm giao thông thời chống Mỹ như thế này không. Gọi là Trọng điểm 468 vì cây số 468 là trung tâm trọng điểm. Trọng điểm dài tới hơn ba cây số. Đoạn tuyến đi qua cây số 468 một bên là núi cao, sườn dốc nên ta luy đường rất cao và dễ sạt lở, một bên là vực sâu. Nếu xe ra đến giữa đường mà đường tắc thì chỉ có cách đứng im làm mồi cho máy bay đich. Qua cây số 468 một đoạn, là ngã ba khe Ve. Nơi đây một hướng là đưởng 15 đi tiếp vào Nam, một hướng rẽ phải theo đường 12 lên Đèo Mụ Giạ, biên giới Việt Lào, vào tuyến 559. Ngã ba đường ấy cũng nằm giữa triền núi hiểm trở, lại phải qua một con suối lớn nên nó trở thành hiểm địa, nơi máy bay địch tập trung ngăn chặn. Ngày nối ngày, máy bay đich dùng đủ mọi thủ đoạn đánh phá: Rải thảm, tọa độ, bổ nhào theo đợt, tập kích bất ngờ. Bom đạn cũng đủ kiểu:

Bom phá phá nát từng đoạn đường, cầu,. Nếu bom rơi lên ta luy thì mỗi trái bom có thể hất hàng trăm mét khối đất đá xuống mặt đường. Bom từ trường sẵn sàng kích nổ khi có phương tiện sắt thép đi qua. Bom nổ chậm rình rập, có thể nổ bất cứ lúc nào. Bom cháy để đốt rừng, đốt xe. Bom bi để sát thương những người trên mặt đất. Bom lá, bom tai hồng rải khắp trọng điểm, ai không may dẫm phải thì cụt chân Rồi bom vướng nổ. Thứ bom tai ác này có khi làm tê liệt trọng điểm mấy ngày liền vì phá chúng phải rất thận trọng. Những sợi giây chết chóc mong manh như tóc lẫn trong cành khô, cát bụi khiến cho các chiến sỹ công binh phá gỡ cũng khó tránh được thương vong, rồi rôc két, đạn hai mươi ly… Hàng chục thứ bom đạn ấy nối nhau cày nát trọng điểm khiến cho suốt đoạn đường hơn ba cây số, chiều rộng ngót một cây số không còn sinh vật nào tồn tại. Những thân cây rừng đại ngàn qua hàng trăm trận bom đã bị băm vụn thành dăm. Trên trọng điểm, có khi vẫn còn vài cây lớn. Chúng đã chết, mảnh bom găm đầy mình, nhưng đứng trơ trơ vươn những cành khô đã bị chặt cụt lên trời lầm lỳchịu đựng. Đất đá trọng điểm ngày nào cũng bị đào xuống, hất lên, bị nghiền nát, nung cháy, đã chuyển sang một màu đen xám. Một nơi như vậy thì khó có thể xe nào qua lọt. Vậy mà về mùa khô, đường bị đánh tắc, lại nhanh chóng thông xe. Đi trên trọng điểm, Thục mới hiểu hết thế nào là sức sống của người Việt Nam.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Đang là mùa mưa nên trọng điểm lầy lội. Thành đi đầu, với kinh nghiệm dày dạn, anh quan sát rất thận trọng, và nói hai từ gọn lỏn: “Đi được!”. Ba người đi lựa theo địa hình, nhưng nhiều chỗ bùn vẫn ngập đến đầu gối. Thành nhắc mọi người phải luôn quan sát những chiếc hầm trú ẩn dọc đường phòng khi bị đánh bất ngờ. Cứ vài chục mét lại có một chiếc hầm như vậy. Hầm không thật kiên cố, nhưng vô cùng quan trọng cho các chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong làm việc trên trọng điểm, cũng như cho cánh lái xe khi không may xe kẹt giữa làn bom. Thục bỗng cảm thấy gai người khi đọc những khẩu hiệu viết trên những mảnh hòm bộc phá cắm dọc trọng điểm: “ Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu ta ta quý hơn vàng, nhưng vì tổ quốc sẵn sàng hiến dâng”…
Sau hơn một giờ đồng hồ thì họ đi hết đoạn ác liệt nhất của trọng điểm. Tách khỏi đường ô tô vài trăm mét, họ đi qua mấy ngôi mộ mới. Thành dừng lại, bẻ nhành lá rừng thay hoa đặt lên từng ngôi mộ. Thục và Vĩnh lẳng lặng làm theo. Thục đọc những tấm bia bằng gỗ cắm trên mộ. Họ đều mười tám, mười chín tuổi. Sau phút mặc niệm, Thành giải thích:
- Mấy cậu này hy sinh hai hôm trước. Họ bị bom bi khi đang làm việc trên mặt đường. Lính mới vào, còn trẻ lắm.
Về gần đến hang QH, ba người đều cảm thấy có gì bất ổn. Đất đá rơi kín lối đi. Chỉ đi thêm đoạn ngắn là thấy ngay mấy hố bom lớn trước cửa hang. Bom đã xé toang tán rừng săng lẻ. Những cây săng lẻ bị phạt ngang tướp táp. Vĩnh thảng thốt: “Trời ơi, anh em có sao không đây?”. Anh nhảy qua những hòn đá chắn ngang, chui qua những thân cây đổ, lao vào hang. Từ trong hang có tiếng reo: “Anh Vĩnh về rồi”.

Chính trị viên lao ra, ôm lấy Vĩnh:
- Chúng nó đánh hai loạt tọa độ. Bọn mình cứ sợ các ông bị dính. Thế này là yên tâm rồi.
Vĩnh hỏi:
- Anh em mình có sao không?
- Đơn vị mình thì không sao, nhưng ba trong số bốn cậu lái xe mới vào hôm qua hy sinh rồi. Các cậu ấy đang kiểm tra kỹ thuật xe thì bị bom đánh trúng. Bọn mình đã chôn cất tử sỹ. Cả tổ còn mình cậu bé kia thôi, thật tội nghiệp.
Ở góc hang, nơi tối qua mấy cậu lái xe và lính thợ ngồi đánh tiến lên, ai thua thì bị bôi nhọ nồi, giờ chỉ một người thanh niên ngồi trân trân nhìn lên trần hang. Thục bỗng nhói lòng khi thấy một chàng trai trẻ có cái nhìn vô hồn như thế. Anh đến gần, khẽ nắm lấy bàn tay chàng trai. Bàn tay ấy vẫn nắm chặt chiếc ac mô ni ca.
- Sáng nay cậu thổi chiếc kèn này phải không?
- Không. Đó là anh tôi. Mấy ngày nay lúc nào lòng anh ấy cũng vui. Cứ có thời gian là anh ấy đọc thư của cô bạn gái, rồi lại thổi kèn. Anh tôi thân với người bạn gái ấy ba năm nay, vừa rồi nhận được thư chị ấy đồng ý nhận lời. Chị ấy là giáo viên. Hai anh chị hợp nhau lắm. Cha mẹ tôi già rồi, chị tôi lấy chồng xa. Anh tôi học giỏi, tài hoa. Xã giữ lại làm công tác thanh niên, nhưng anh ấy cứ trốn cha mẹ vaò bộ đội, rồi không ngờ hai anh em lại ở cùng đơn vị. Giá như sáng nay không phải là tôi, mà là anh ấy ra vũng suối sau tảng đá rửa bát thì anh ấy còn được về với cô gái. Rồi tôi sẽ nói gì với cha mẹ đây - Nói đến đây, chàng trai bật khóc. Anh úp mặt vào đùi, nấc lên từng đợt.
 
Chỉnh sửa bởi quản trị viên:

guidingstar

Xe tăng
Biển số
OF-3886
Ngày cấp bằng
20/3/07
Số km
1,490
Động cơ
566,291 Mã lực
Tiếp đi cụ!
Nhưng cháu hỏi một tí, là hồi ký này là sáng tác chứ không phải thật đúng không ạ? Vì tiêu đề cụ ghi là "phóng tác"?
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Tiếp đi cụ!
Nhưng cháu hỏi một tí, là hồi ký này là sáng tác chứ không phải thật đúng không ạ? Vì tiêu đề cụ ghi là "phóng tác"?
Câu chuyện này thực ra có đến 90-95% là thật ạ, em phải ghi là phóng tác với lý do : Các nhân vật chủ chốt, lãnh đạo cấp cao đa số là tên thật, các nhân vật khác thì chỉ thay tên thôi. Do đây là hồi ký cho nên dù là trí nhớ điện tử cũng ko thể chính xác 100% những chi tiết cụ thể, nên e phải ghi như vậy.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
- Thôi, nghỉ đi một chút cho lại sức đi em, mai ta tính tiếp –Thục bỗng thấy thương cậu bé như đứa em nhỏ của mình. Nhưng anh cũng hiểu câu nói của mình chẳng có tác dụng gì trước mất mát lớn lao của cậu.
Ngày đầu tiên đi làm việc ở đất lửa, Thục ngộ ra bao điều. Nơi tưởng yên bình nhất thì cái chết vẫn có thể chụp xuống bất cứ lúc nào. Ngược lại, vẫn có thể tìm được bình yên ở nơi tưởng như không còn sự sống. Những người lính trên Trường Sơn này đã sống như thế. Họ biết tin ở những điều may mắn tốt đẹp, và họ cũng sẵn sàng đón nhận về mình sự hy sinh.
Sáng hôm sau, Sau khi tính toán và thống nhất phương án chuyển xăng qua trọng điểm 468, ba người lên báo cáo Binh trạm trưởng. Binh trạm 112 phụ trách một cung đường rất khó khăn và ác liệt. Trên lối vào cơ quan binh trạm, rất nhiều hố bom cũ và mới. Thục hiểu rằng bản thân Binh trạm bộ cũng phải hứng chịu không ít trận bom. Cuộc họp có đủ các cơ quan: tham mưu vận chuyển, công binh, cao xạ, xe, chính trị, hậu cần. Binh Trạm trưởng Nguyễn Điền chăm chú nghe Thành báo cáo:
- Cho đến nay điều kiện kỹ thuật không cho phép dùng tuyến ống bơm xăng từ xóm Hung sang xóm Trứng. Chúng tôi đã trực tiếp thị sát tại hiện trường, và nhận thấy có ba yếu tố có thể chuyển xăng qua trọng điểm bằng sức người. Một là đang mùa mưa nên mật độ đánh phá của địch theo thời gian không dày đặc như trong mùa khô. Theo quy luật, trong mỗi ngày đều có khoảng lặng đủ thời gian để bộ đội đi bộ vượt qua trọng điểm. Hai là trọng điểm tuy bị cày xới xe không đi được, nhưng có thể sửa đường cho người đi. Ba là xăng chuyển đi nhất thiết phải được chứa trong thùng kín. Ta có phuy một trăm lít, bốn người có thể khiêng được. Nếu thiếu phuy thì Đội của đồng chí Vĩnh có thể hàn thêm.
Cuộc họp bắt đầu nóng lên khi một người đứng lên chất vấn:
- Quy luật là một cái gì rất mong manh. Ta hãy tưởng tưởng cả đoàn quân đang đi trên trọng điểm mà địch bất ngờ ném bom tọa độ thì thương vong sẽ làm sao lường hết được?
Mỗi người tham gia một ý. Cuộc họp gần như bế tắc. Binh trạm trưởng hướng về phía Thục:
- Ý đồng chí Phái viên Tổng cục thế nào?
- Báo cáo Binh trạm trưởng – Thục liếc sang phía Thành và Vĩnh rồi tiếp – Chúng tôi đã đi thị sát thực địa và nhận thấy với các dụng cụ chứa hiện có, chúng ta không thể dùng sức người vượt đèo theo đường tránh, bởi vậy mới tính việc đi qua trọng điểm. Hiện nay xăng là mặt hàng sống còn cho tuyến trước và Đoàn 559. Nếu không dùng biện pháp kiệu xăng qua trọng điểm thì phải có cách khác. Tôi xin truyền đạt lại ý của Chủ nhiệm Tổng Cục: Bằng mọi giá phải chuyển được xăng cho 559.
Binh trạm trưởng đăm chiêu nhìn tấm bản đồ tuyến vận chuyển. Ông gõ gõ bút xuống mặt bàn rồi hỏi:
- Phải đưa xăng vượt qua 468. Ai có cách gì hay hơn thì đề xuất.
Một cánh tay giơ lên:
- Chúng ta không có can nhỏ thì dùng ni lông lót trong ba lô cho bộ đội gùi qua núi?
- Cũng là một ý kiến hay. Mọi người nghĩ sao? – Binh trạm trưởng hỏi.
- Tôi thấy đây là một phương án đáng được nghiên cứu –Thành nói - Tuy nhiên phương án này còn ba vấn đề phải xem xét tiếp: Một là nếu gùi xăng thì ba lô chỉ có thể đựng được mười đến mười lăm lít. Như vậy để được một xe chở xăng, ta cần ba trăm đến bốn trăm chuyến. Số người quá lớn, phải xin trên chi viện. Hai là xăng chứ không phải là nước, bởi vậy, không biết ni lông sẽ chịu xăng được bao lâu. Nếu ni lông bục, xăng chảy ra, có thể nguy hiểm tính mạng của người gùi và mất an toàn cho những người khác. Ba là việc đổ xăng vào ba lô và từ ba lô đóng vào phuy sẽ rất dễ tổn thất và mất an toàn.
Sau một hồi thảo luận, Binh trạm trưởng kết luận:
- Chúng ta không thể chờ cấp trên tăng quân được. Bởi vậy, trước mắt, thực hiện phương án kiệu xăng qua trọng điểm. Công binh phải chuẩn bị thật tốt hiện trường. bám sát, cố gắng rút ra quy luật để bộ đội vượt trọng điểm an toàn nhất trong phạm vi có thể. Cùng với việc này, phải chuẩn bị sẵn sàng để chuyển sang phương án gùi xăng khi tình thế bắt buộc.
Sau hai ngày chuẩn bị, đường đã được san lấp lựa theo những chỗ cao. Hầm trú ẩn dọc tuyến được củng cố. Công binh dọn sạch bom lá, bom tai hồng và bom bi. Mười hai chàng trai nhanh nhẹn, khỏe mạnh được chọn ra để thí điểm việc kiệu xăng qua trọng điểm. Ở hai đầu trọng điểm, bộ phận xuất hàng và nhận hàng làm mọi việc để những người “kiệu xăng” có thể tận dụng từng phút yên bình trên trọng điểm. Bộ phận cứu thương sẵn sàng có mặt khi cần thiết.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Buổi sáng, dưới bầu trời xám xịt của mùa mưa, họ lên đường. Cứ bốn người khiêng một phuy xăng một trăm lít. Tổng trọng lượng một trăm ki lô gam không phải là nặng đối với bốn chàng thanh niên, nhưng vì giữa mùa mưa, đường dù được sửa lại, vẫn gập gềnh, lầy lội nên việc vận chuyển thật gian truân.. Cả Thành và Thục đều đứng trên đường để chỉ huy và rút kinh nghiệm. Những người “kiệu xăng” vừa gồng mình cùng ba người bạn giữ cho phuy xăng ổn định trên mỗi bước gập gềnh. Tai họ luôn phải căng lên nghe ngóng, cảnh giác, còn dưới chân, bùn nhão cứ níu chặt họ trong mỗi bước đi. Giữa trọng điểm mênh mông, những thân cây đen cháy và bầu trời xám xịt, tiếng máy bay từ xa như tín hiệu báo điều giữ sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, những người lính vẫn kiên trì từng bước. Mỗi chuyến của họ, ba phuy xăng vượt qua trọng điểm. Thục nhẩm: Mười lăm chuyến như thế này mới được một xe. Với tốc độ này, quy luật đánh phá của địch như thế này, một ngày mới được một xe. Quá chậm, nhưng tăng thêm người đi trên trọng điểm thì thật nguy hiểm. Phải giải bài toán này sao đây? Thục đang nghĩ mung lung, bỗng giật mình vì một tiếng “ối” thảng thốt và tiếng ai đó: “Có người rơi xuống vực rồi”. Anh nhìn thấy ba người đang lảo đảo giữ cho mình và phuy xăng không lăn theo người đồng đội. Khi anh chạy đến thì người lính ấy đã lăn đến đáy vực. Sườn ta luy âm gần như dốc đứng, bom đào xới, đặt những khối đá chênh vênh trên triền dốc. Người lính ngã xuống, kéo lớp đất đá trôi, và mấy hòn đá lớn đã lăn theo, đè lên anh. Phải mất hơn một giờ, tổ quân y mới đưa được tử sỹ về nơi an táng. Thành cho tạm dừng việc kiệu xăng. Điểm lại, ngày đầu chuyển được mười lăm phuy.
Ngày hôm sau, các cọc tiêu báo những chỗ nguy hiểm được đóng dày lên. Đường được san cẩn thận hơn, binh trạm tăng thêm người kiệu xăng. Mặc dù số phuy xăng chuyển qua trọng điểm tăng lên, nhưng thêm hai người hy sinh vì đạp phải bom bi lẫn trong bùn. Hai ngày vất vả và xương máu, binh trạm 112 mới giao đủ hai xe xăng cho Đoàn 559. Sẩm tối, địch rải hỗn hợp bom lá, bom vướng nổ lên trọng điểm. Việc “kiệu xăng” đành dừng lại.
Thục điện báo cáo tình hình cho Cục trưởng. Qua điện thoại, tiếng Cục trưởng đầy lo lắng:
- Chủ nhiệm Tổng cục chỉ thị: Phải chuyển xăng vào cho 559 bằng mọi giá. Tổng cục đã nhận được yêu cầu tăng quân để gùi xăng cho binh trạm. Ý cậu thế nào?
- Báo cáo, đến bây giờ thì anh em chúng tôi trong này chưa nghĩ ra cách nào hơn thế. Phương án này còn nhiều điều bất ổn, nhưng đành phải thử thôi, thủ trưởng ạ.
- Vậy thì Tổng cục sẽ đề nghị Bộ Tổng Tham mưu điều cho binh trạm một tiểu đoàn để phục vụ việc này. Cậu phải cùng Binh trạm tính toán cẩn thận, và thường xuyên báo cáo về.
Mấy hôm sau Binh trạm 112 nhận được một tiểu đoàn tăng cường gồm năm trăm người cả nam và nữ. Thành và Thục cùng dự khi Binh trạm trưởng giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng hồ hởi:
- Chúng tôi không ngờ việc lại quan trọng đến thế. Các đồng chí cứ yên tâm. Quân tôi gùi thồ giỏi lắm. có cậu gùi ba lăm, bốn mươi cân, đi bốn năm cây mà khỏe re.
Binh trạm trưởng cười:
- Gùi loại hàng này tuy không nặng, nhưng khó, và phải bảo đảm an toàn.
- Chúng tôi sẽ quán triệt đến từng người.
Binh trạm xuất ra bốn nghìn mét ni lông để gùi xăng. Thành và Thục kiểm tra kỹ từng mét ni lông lót ba lô. Thử thao tác đổ nước vào ba lô, buộc túm ni lông lại, đi một đoạn, rồi đổ nước ra. Họ nhận thấy công việc tưởng dễ dàng mà hóa ra thật phức tạp. Khi đi thì nước sóng sánh. Khi giao hàng cho kho thì nước bắn tung tóe ra ngoài, làm cẩn thận đến mấy cũng khó tránh được ướt quần áo. Nếu là xăng thì không chỉ dễ gây ngộ độc mà còn rất dễ hỏa hoạn. Bởi vậy, họ phải cử cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn ở đầu đổ xăng vào ba lô và điểm giao xăng cho kho.
Con đường từ nơi nhận xăng đến kho phải đi qua một khu vực đường ô tô bị bom cày xới lầy lội, rồi vượt qua một con dốc dài hơn hai cây số. Hàng trăm con người lội bì bõm qua quãng đường lầy, rồi vượt đèo theo trục tuyến ống cũ. Chuyến đầu đến nơi, niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt mỗi người. Nhưng từ chuyến thứ hai, ni lông ngấm xăng bắt đầu giòn và rách. Xăng ngấm qua ni lông hoặc theo chỗ rách, thấm qua ba lô, qua quần áo rồi vào da thịt. Lúc đầu họ còn đi cố. Nhưng khi ni lông không còn công dụng đựng xăng nữa, xung quanh họ, không gian luôn nồng nặc mùi xăng, họ mất dần sự tỉnh táo. Những người say xăng bắt đầu bước đi lảo đảo. Một số người gục ngã giữa đường, cả túi ni lông bục vỡ, xăng tưới đẫm lên người họ.
Thục và Thành cùng Binh tram trưởng đến Đội điều trị thăm thương binh. Những thương binh cả trai lẫn gái ngộ độc xăng da tím đỏ, phồng rộp. Lán và hầm của Đội điều trị không đủ chỗ. Một số phải nằm trên võng. Họ nằm sấp để những chỗ phồng rộp không bị tổn thương. Đội trưởng Đội điều trị báo cáo với ông rằng có hai trường hợp ngã giữa dốc, xăng tưới lên toàn thân, không có nước dội lên người ngay, xăng ngấm vào lâu quá, cứu không kịp. Nhìn những cô cậu chỉ bằng tuổi con mình nằm la liệt đau đớn, Binh trạm trưởng thốt lên: “Nghiêm trọng đến thế này ư!”. Ông đến bên một chàng trai đang ngồi cho y tá bôi thuốc, hỏi:
- Cậu thấy trong người thế nào?
- Rát lưng thủ trưởng ạ - Chàng trai cười – Tôi bị nhẹ. Chắc vài hôm là tiếp tục đi được.
Câu nói vô tư của câu bé khiến Binh trạm trưởng trở nên trầm tư. Về sở chỉ huy, ông triệu tập một số cơ quan lên hội ý. Theo báo cáo, Một ngày làm việc cật lực của hơn bốn trăm con người, số xăng chuyển vào kho cũng chỉ đủ sức chở cho hai xe. Bốn mươi bảy người ngộ độc, trong đó có hai người hy sinh. Tỷ lệ tổn thất xăng trong quá trình vận chuyển xấp xỉ chuyển bằng đường ống tự tạo của binh trạm. Tiểu đoàn trưởng báo cáo rằng tinh thần anh em vẫn vững. Họ sẵn sằng tiếp tục gùi, và tin rằng binh trạm sẽ có cách khắc phục những sự cố hôm nay. Binh trạm trưởng nhìn vẻ hồn nhiên của tiểu đoàn trưởng, bỗng ông thấy có cái gì nghèn nghẹn. Họ trẻ quá, luôn vô tư và chấp nhận mọi hy sinh. Nhưng họ đâu biết rằng ngộ độc chì tai hại như thế nào, cả bây giờ và cả tương lai sau này của họ. Đúng là phải đưa xăng lên phía trước bằng mọi giá. Nhưng khi giá phải trả là xương máu, người chỉ huy phải biết đâu là giới hạn. Ông nhìn khắp lượt mọi người và nói như nói với lòng mình: “Giá đắt quá, ta phải tìm cách khác”.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Thục cùng Binh trạm phó Binh trạm 114 và Trưởng ban Xăng dầu binh trạm vượt qua phà Xuân sơn lúc mờ sáng. Anh nhận chỉ thị từ Tổng Cục vào đây đôn đốc cố gắng đẩy xăng vào cho 559. Họ đi thêm nửa giờ nữa thì đến kho xăng giã chiến. Những phuy xăng được đặt trong hầm có nắp đất dày, nằm rải rác trong rừng.Cách cất giữ như thế này nhằm giảm tổn thất khi đich đánh vào kho. Trợ lý Binh trạm kể::
- Phải mất mấy tháng trời với bao tổn thất, Tổng cục Đường sắt mới chở được mấy trăm tấn xăng dầu từ Tân Ấp đến Đò Vàng. Đường thủy bị đánh tắc, Bộ Tư lệnh 500 dùng ô tô chở xăng phuy theo đường 22 đến ngã ba sông Son và sông Gianh rồi chuyển xăng xuống phương tiện vận tải đường thủy ngược sông Son giao cho Binh trạm 114. Nhưng vận chuyển mới được vài chuyến thì Sông Son bị địch ngăn chặn dữ dội. Bom từ trường và thủy lôi rải dày đặc trên mỗi khúc sông. Các chiến sỹ công binh cảm tử đã dùng ca nô kéo theo những thanh kim loại và nam châm để phá thông luồng. Do địch đánh phá gắt gao, hầu hết các xà lan ca nô đều bị đánh cháy. Binh trạm đã kết phuy xăng thành mảng. Mỗi mảng bốn mươi phuy. Trên mỗi phuy là ba chiến sỹ chống chèo. Đoàn mảng ngược sông Son dưới sự dòm ngó gắt gao của máy bay địch. Hơn một ngàn người đã đưa những chiếc mảng ấy ngược sông. Trên đường đi, họ chịu không ít trận oanh tạc của địch. Một số hy sinh, một số phuy xăng trúng bom, nhưng anh em đã kịp thời dập lửa. Khi đoàn mảng đến gần Cường Hà thì bị máy bay địch phát hiện. Chúng quần đảo và liên tục bắn phá dọc theo sông. Hai mảng trúng bom bốc cháy. Những người trên mảng và cả những ngườ chèo thuyền ra cứu đều hy sinh. Phải mất ba ngày ta mới tìm được hết thi thể tử sỹ. Qua cuộc vật lộn gian truân ấy, binh trạm đã chuyển về đây được gần một nghìn năm trăm phuy xăng.
Thục vào từng hầm, đếm lại số lượng phuy xăng. Nhìn những phuy xăng xếp ngay ngắn trong hầm, có nhiều phuy móp méo, có phuy còn in vết lõm do mảnh bom hoặc bom bi. Đã vượt qua bao trọng điểm ác liệt, Thục khâm phục và ngạc nhiên trước kỳ công của binh trạm 114.


Sở chỉ huy tiểu đoàn công binh bảo vệ giao thông trọng điểm Trà Ang đóng trong một hang đá cách trọng điểm không xa. Gặp tiểu đoàn trưởng, chỉ kịp uống chén nước, Binh trạm phó đã triệu tập mọi người để bàn kế hoạch chuyển xăng vượt trọng điểm.
- Tôi được Binh trạm trưởng Hoàng Tráng giao nhiệm vụ cùng các đồng chí chuyển xăng qua trọng điểm Trà Ang. Chủ trương của Binh trạm là kiên trì khắc phục mọi khó khăn chuyển hàng, kể cả xăng qua trọng điểm bằng ô tô, vì một chuyến ô tô bằng hàng trăm người chuyển tải. Trong tháng này, đã có một đêm chúng ta thắng lớn. Nhờ nắm chắc quy luật đánh phá của địch, hiệp đồng tốt giữa các lực lượng: công binh, cao xạ, lái xe, ta đã đưa được bốn mươi xe xăng qua trọng điểm này. Tuy nhiên, sau lần đó, địch ngăn chặn quyết liệt hơn, xe không thể qua được, mà 559 thì không thể chờ. Từ việc chuyển xăng ngược sông Son lên Cường Hà, ta hãy thử kéo các phuy xăng ngược suối Trà Ang.
Tiểu đoàn trưởng trải sơ đồ bảo đảm giao thông lên bàn, trình bày toàn bộ tình hình, quy luật đánh phá của địch. Cuối cùng, anh nói:
- Với mức nước hiện nay có thể kéo các phuy xăng ngược suối. Tuy nhiên, toàn bộ khúc suối chúng ta chuyển tải đều nằm trong khu vực trọng điểm, lại không có hầm trú ẩn nên nếu bị đánh lúc đang làm việc thì rất nguy hiểm. Bởi vậy, cần chuẩn bị kỹ.
Binh trạm phó đồng ý và yêu cầu ngay lập tức ra nghiên cứu thực địa.
Đoạn đường chạy dọc suối Trà Ang đi trên sườn núi đá, nằm trong vùng Phong Nha Kẻ Bàng. Giữa rừng đại ngàn ngút ngát, suốt bốn cây số trọng điểm, đá bị bom đào lở lói, trắng xóa. Những đại thụ đã cắm rễ sâu vào đá cả thế kỷ, giờ bị bom chém., chặt hàng trăm lần, cây còn nửa thân, cây còn lại những khúc cành tướp táp. Chúng đã chết từ bao giờ, cháy đen, nhưng vẫn đứng trơ trơ gan lỳ, in hình trên nền trời xám xịt. Vì đi qua vách đá nên đường tắc chủ yếu không phải do lầy, mà do hố bom đào sâu xuống nền, hoặc những khối đá bị bom, rơi từ trên vách xuống. Không phải nền đất nên việc làm hầm trú ẩn dọc đường rất khó khăn. Đơn vị bảo đảm giao thông trên những cung đường vách đá như thế này thương vong thường lớn. Giữa mùa vận chuyển cao điểm, có khi mỗi tháng hàng trăm chiến sỹ công binh hy sinh.
Thục cùng Binh trạm phó và mấy anh em lội dọc theo con suối đục ngầu. Những trọng điểm kiểu này địch thường đánh “chuyên cần” hơn. Đất ở đây đủ cho cây lên thành đại ngàn, nhưng không đủ dày để đào hầm trú ẩn. Bởi vây, Binh trạm phó ra lệnh: dọc suối, chỗ nào không đào được hầm thì phải dùng bao tải đựng đất hoặc cát suối xếp thành hầm chữ A. Một số tảng đá lăn từ trên đường xuống cũng được lệnh phá để tiện cho việc kéo phuy.
Sau ba ngày làm việc cật lực, những tảng đá chắn đường đã được dọn sạch, hầm trú ẩn được đào dựa theo địa hình hoặc tảng đá lớn. Hàng trăm phuy xăng đã được tập kết ở điểm đầu. Gần một trăm chiến sỹ khỏe mạnh, dũng cảm được chọn thành đội chuyển tải. Binh trạm phó nhìn khắp lượt những chàng lính trẻ và nói:
- Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí: Đây là một việc vô cùng khó khăn, có thể phải hy sinh xương máu, vì đoạn tuyến chúng ta kéo phuy thường bị địch đánh rất bất chợt. Biết vậy, nhưng phía trước không còn xăng chở lương thực, vũ khí cho bội đội, không còn xăng chuyển thương binh, nên chúng ta phải bằng mọi giá đưa xăng qua trọng điểm. Đến giờ này, ai cảm thấy sợ, có thể ở lại.
Ông nhìn khắp lượt. Sau vài giây im lặng, Đội trưởng đứng dậy:
- Báo cáo thủ trưởng, trước khi đến đây, chúng tôi đã chọn những người tình nguyện. Mọi người đều sẵn sàng - Anh quay xuống phía các chiến sỹ - Chúng ta sẵn sàng chưa?
- Đã sẵn sàng!
Thục cảm động nhìn những người lính trẻ. Họ chấp nhận dấn thân thật giản đơn và vô tư. Ba ngày ở đây, anh đã hiểu được sự ác liệt của trọng điểm này. Cả ngày lẫn đêm, chẳng mấy khi vắng tiếng gầm rít của máy bay và bom đạn.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Để đảm bảo chắc chắn, đội chuyển tải chia thành nhiều tốp đi dọc suối làm quen với thực địa, biết được vị trí các hầm trú ẩn. Họ được ăn no và yêu cầu ngủ lấy sức cho buổi tối. Mấy cậu lính trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn phút chốc đã lăn ra ngủ. Duy có một cậu vẫn ngồi hý hoáy viết. Thục đến bên nhỏ nhẹ:
- Em tên gì? Đêm nay vất vả đấy, em phải ngủ đi để lấy sức.
- Em tên Quảng. Dù sao cũng có thể coi như sắp vào một trận đánh anh ạ. Những lúc như thế này em nhớ người yêu lắm. Em viết mấy dòng nhật ký, lỡ có chuyện gì, bạn ấy hiểu hết tấm lòng của em.
- Người yêu em bao nhiêu tuổi?
- Mười tám. Bạn ấy đẹp lắm. Nhiều người ngấp nghé. Bạn ấy yêu em, nhưng lại chưa thật tin em yêu bạn ấy, vì bạn ấy bảo trong xã nhiều cô gái để ý đến em. Em đi thế này, nhiều người gửi thư, liệu còn yêu nhau nữa không. Hơn nữa, em đi bộ đội vào nơi ác liệt, lúc nào bạn ấy cũng canh cánh.
Thục nhìn cậu con trai và nhận ra nó đẹp trai thật: to cao, vạm vỡ, mặt vuông chữ điền, đôi lông mày sắc như hai lưỡi mác.
- Vậy em và bạn ấy là nam thanh nữ tú trong xã, đúng không?
- Mọi người bảo vậy. Hai đứa nhớ nhau lắm, nhưng mà mỗi đứa đều cứ lo.
- Vậy em viết đi rồi cố chợp mắt nhé.
Thục ngả lưng, cố tự dìu mình vào giấc ngủ mà trong đầu cứ hiện về hình ảnh mấy người lính kiệu xăng qua trọng điểm 468, những người con trai, con gái lảo đảo vì ngộ độc khi gùi xăng qua núi. Tổn thất trong cuộc chiến thật lắm dạng hình. Tối nay trên hơn ba cây số đường suối chạy dọc trọng điểm Trà Ang này liệu có yên ổn không. Phía trước khát từng giọt xăng. Biết bao xương máu đã đổ xuống các cung đường, các dòng sông, mới đưa được những phuy xăng quý giá vào đến đây. Từ đây vào đến các mặt trận, sẽ còn bao xương máu nữa đổ xuống. Rồi bất giác, anh lại tự giận mình không nghĩ ra kế gì hay hơn để giảm bớt thương vong cho bộ đội khi chuyển xăng.
Tám giờ tối, đội chuyển tải xuất phát. Từ tối đến giờ, trọng điểm không có tiếng bom. Binh trạm phó dặn mọi người:
- Mỗi phút yên tĩnh trên trọng điểm là vô cùng quý giá, các đồng chí phải hết sức khẩn trương. Nếu địch đánh, cố gắng bảo vệ các phuy xăng trong phạm vi có thể. Các đồng chí nhớ cho rằng mỗi phuy xăng vào đến đây đều phải đổi bằng xương máu. Các đồng chí rõ chưa?
- Rõ! – Tiếng toàn đội đồng thanh.
Thục cùng Binh trạm phó và mấy người chỉ huy kiểm tra lại giây buộc kéo phuy. Cách buộc này, khi cần vẫn có thể lăn phuy dễ dàng. Dưới ánh trăng hạ tuần mờ mờ, đoàn người lặng lẽ hai người kéo một phuy xăng dọc theo dòng suối. Họ giữ cự ly cách nhau ba mươi mét để đề giảm bớt thương vong khi bị bom đánh. Thục đứng gần điểm giao hàng ở phía nam trọng điểm. Cứ mỗi phuy xăng đi qua, anh lại cảm thấy trong lòng nhẹ đi một chút. Bóng những người lính xiêu xiêu. Tiếng bì bõm khỏa vào không gian theo mỗi bước chân của họ.
Một tiếng rít xé toạc không gian yên tĩnh. Bom bi bất ngờ chụp lên dọc theo triền suối. Thục xoài người, lăn hai vòng xuống một hầm trú ẩn. Những trái bom bi kế tiếp nhau nổ, lửa tóe trên các tảng đá, trên bờ suối. Lửa tóe lên từ mặt nước. Hai khối lửa bùng lên từ hai phuy xăng trúng bom. Thục hét lên:
- Kéo phuy xăng lên khỏi mặt nước!
Anh lao lên cùng moị người lăn các phuy xăng lên bờ cát. Đây đó đã có một số người gục xuống. Chắc họ bị trúng bom bi. Phía xa, Thục phát hiện một người đang loạng choạng cố đẩy phuy xăng lên bờ, nhưng phuy xăng vẫn cứ lăn trở lại mặt nước.
Anh lao tới và nhận ra ngay đó là Quảng, cậu lính trẻ viết nhật ký lúc chiều, còn người bạn thì đã nằm bất động trong vũng máu. Khi Thục cùng Quảng lăn được phuy xăng xuống một cái hố trên doi cát, cũng là lúc Quảng gục xuống. Thục kéo Quảng vào một căn hầm gần đó. Lúc này anh mới nhận ra khắp người Quảng đầm đìa máu. Quảng thều thào:
- Anh gửi giúp em cuốn nhật ký – Rồi Quảng lịm dần trong tay anh.

Hai phuy xăng rần rật cháy. Lửa theo xăng tràn ra mặt nước. Những phuy xăng trúng bi đang trôi cũng bắt đầu bén lửa. Phút chốc, cả mặt suối bùng lên như biển lửa. Hai bên bờ suối nóng ràn rạt, ngột ngạt. Ngồi trong hầm, Thục ho sặc sụa, mặt như rát bỏng. Bên anh, Quảng đã tắt thở. Lửa và các phuy xăng cháy đang trôi theo dòng suối. Thêm mấy loạt bom bi và những tràng đạn hai mươi ly bắn dọc theo suối. May thay, địch đánh dịch về phía hạ lưu nên không thêm phuy xăng nào bén lửa.
Dứt tiếng bom, mọi người lao ra khỏi hầm. Họ đưa thương binh đi sơ cứu và cùng nhau kéo các phuy xăng còn lại trên bờ suối đến nơi giao hàng. Lúc này mọi người mới thấm mệt. Người nào cũng sạm da vì bỏng rát, khát cháy họng. Một vài người kiệt sức ngồi bệt xuống bên phuy xăng sau khi đã giao cho đơn vị tiếp nhận. Thục cùng đội trưởng đội chuyển tải và trợ lý xăng dầu Binh trạm kiểm lại: hai mươi phuy xăng đã tới đích. Chín chiến sỹ hy sinh, bảy bị thương.


Qua một đêm làm việc căng thẳng và cật lực mà Thục vẫn không sao chợp mắt.. Anh nghẹn ngào đọc những trang nhật ký của Quảng:
Ngày…
Em ạ. Trường Sơn đang mùa mưa. Ở trong lán giữa rừng, tiếng mưa gõ lên mái tăng hình như làm cho nỗi nhớ em cứ đầy lên da diết. Tối nay bọn anh sẽ chuyển tải xăng qua trọng điểm Trà Ang. Trọng điểm này ác liệt lắm. Thủ trưởng bảo bọn anh: Ai sợ thì có thể ở lại. Em ơi. Em có sợ không?Trước khi nhận nhiệm vụ, tất cả đội chuyển tải của anh đều chấp nhận mọi điều, kể cả hy sinh. .Trên tuyến Trường Sơn này, gian khổ ác liệt vậy. nhưng bọn anh dễ gì so được với các chiến sỹ ngoài mặt trận. Sau mệnh lênh xung phong là họ bật dậy lao lên phía trước, bất chấp đạn địch bắn ra như mưa, và bên họ lần lượt đồng đội gục ngã. Đêm nay, anh tin rằng anh sẽ làm tròn nhiệm vụ, và sẽ lại vượt qua cái chết như lúc bọn anh kéo các phuy xăng ngược sông Son. Em hãy tin tưởng, hãy chờ anh Em nhé. Còn nếu anh có mệnh hệ gì thì em hãy tin rằng trong cuộc đời mình, có một người đã yêu em bằng tất cả trái tim, và người ấy đã mang trọn tình yêu và hình ảnh em sang bên kia thế giới…

Mắt Thục nhòa đi qua mỗi trang nhật ký. Hình ảnh chàng trai vạm vỡ với đôi lông mày lưỡi mác cứ ám ảnh tâm trí. Nhớ đến lời của Quảng trước khi tắt thở, anh tâm niệm nhất định phải tìm mọi cách chuyển cuốn nhật ký này đến tận tay người con gái.
 
Chỉnh sửa cuối:

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Thục nằm gối lên hai bàn tay, trân trân nhìn lên trần hang đá, trong lòng anh bỗng trào lên nỗi nhớ Khanh da diết. Vào đến đây anh mới hiểu hết sự ác liệt của tuyến lửa Trường Sơn. Chàng trai đã ra đi, mang theo tình yêu của một người con gái. Còn anh? Tối nay, anh sẽ lại cùng đội Chuyển tải bước vào một trận chiến đấu mới. Điều gì sẽ đến với anh, thật khó mà nói trước được. Nếu ra đi, anh sẽ mang theo một mối tình thầm lặng với Khanh. Mối tình ấy thật trong trẻo, ngọt ngào, thánh thiện cùng những ký ức, kỷ niệm đẹp mà anh cất giữ trong sâu thẳm tâm hồn. Hình ảnh Khanh luôn theo anh trên mỗi bước đường hành quân, cả những lúc vất vả nhất, hay những phút giây thư giãn hiếm hoi của người lính thời chiến tranh. Đôi khi nó trở thành nỗi nhớ da diết làm anh quặn thắt trong lòng. Khanh, cái tên ấy trong anh thật thiêng liêng, trìu mến. Buổi sáng yên tĩnh lạ thường, trong hang đá giũa rừng Trường Sơn, nơi trọng điểm ác liệt này, những kỷ niệm bỗng ùa về. Không biết đây có phải là nỗi nhớ cồn cào của người lính trước khi bước vào trận đánh?
Chúng mình quen nhau từ những ngày học ở trường nơi sơ tán. Ngày ấy em còn là một cô bé thật dễ thương với đôi mắt trong veo và mái tóc với những lọn xoăn mềm mại rủ xuống trán. Anh hơn em bốn tuổi, là bạn cùng học với Sơn anh trai em. Anh được người chú đưa ra học và ở cách nhà em một cái ngõ dài trong cùng khu tập thể. Không hiểu vì sao khi đến nhà Sơn chơi lần đầu, vừa gặp cô bé Khanh, anh đã có một cảm giác thật thân thương, trìu mến. Ngày ngày anh chỉ muốn được đi học chung cùng đường với em để chăm sóc và bảo vệ em vì những buổi chiều đi học về bọn con trai trong làng thường hay ra đón đường trêu trọc: “Ê! Cô bé tóc xoăn, dân Hà Nội sơ tán chính gốc đấy chúng mày ơi!”. Có lần anh phải xông ra đánh nhau giải tán đám con trai ngỗ nghịch khi chúng định bày trò trêu em bằng cách giằng lấy cặp sách dấu vào bụi cây. Sau lần đánh nhau ấy, bon chúng không còn dám bén mảng đón đường trêu em nữa. Kỷ niệm thiếu thời thật vô tư, hồn nhiên, trong trẻo. Em đáp lại sự quan tâm của anh bằng sự chăm sóc dịu dàng nho nhỏ. Em phát hiện ra có một cái hốc xinh xắn trong góc tường đầu ngõ gần nhà anh. Mỗi sáng sớm trước khi đi học em thường gửi vào đó cho anh những món quà, khi thì là một củ khoai nướng nóng hổi, thơm phức, khi thì lọ mực, quả na chín và dặn anh đến lấy. Em nói thương anh xa nhà nên không có được bàn tay chăm sóc của mẹ, không được ăn uống đầy đủ như ở gia đình, thật khổ thân. Lâu dần, cái hốc ấy trở thành “bưu điện” để có bài toán khó, không giải được, em cũng để vào đấy nhờ anh giải hộ. Em coi anh như một người anh trai che chở. Còn anh thì chăm sóc em như một cô em gái nhỏ với một mối cảm tình thầm lặng không diễn đạt thành lời.
Tuổi trẻ con vô tư qua nhanh, anh tốt nghiệp cấp III, rồi thi đỗ vào đại học. Tròn 17 tuổi, anh giã từ trường học sơ tán và xa em. Ngày tiễn biệt anh, em đã khóc. Em hỏi có bao giờ anh trở lại nơi này nữa không? Em đã dành cho anh sự lưu luyến của một cô em gái khi phải xa người anh của mình không biết bao lâu nữa mới gặp lại. Còn anh, chính ngày chia tay ấy, anh đã mơ hồ hiểu thế nào là cảm xúc bâng khuâng đầu đời của tuổi học trò. Anh nhập học ở trường đại học trên Hà Nội. Quê anh, một vùng biển đẹp và nghèo, những người dân bám biển để sống qua ngày. Rồi bất hạnh bất ngờ ập đến gia đình anh. Mẹ anh mất vì bệnh, cha suy sụp nhưng ngày ngày vẫn phải gắng gượng ra khơi đánh cá nuôi các con ăn học. Vào một ngày bão tố, cha anh không thấy trở về, nhà cửa ở quê bị lốc cuốn hết, người nhà báo lên và anh gấp gáp về quê hy vọng cùng mọi người tìm được cha và trợ giúp cho các em còn bé dại qua cơn hoạn nạn. May mắn sao cha anh thoát chết, 3 ngày sau tan bão, người ta tìm thấy cha anh cùng mảnh thuyền bị sóng đánh tan nát dạt vào cồn phi lao ven bờ biển cách xa làng chài. Cha anh bị khủng hoảng nặng cả về tinh thần và sức lực. Kinh tế gia đình khánh kịêt. Đang là sinh viên đại học Bách khoa năm thứ nhất, học rất giỏi, anh buộc phải bỏ học về thay cha ra khơi đánh cá nuôi các em.
Ba năm sau, người chú ruột của anh là sỹ quan quân đội tiếc cho khả năng học tập của anh, đã thu xếp mọi việc trong nhà để anh có thể vào học một trường sỹ quan. Chú nói rằng nếu phấn đấu trở thành sỹ quan, anh sẽ có được sự nghiệp sau này và cũng có thể trợ giúp được gia đình, cưu mang được các em, còn nếu không đi học thì chắc anh cũng sẽ nhập ngũ trong đợt nghĩa vụ quân sự sắp tới ở địa phương. E rằng 3 năm chài lưới rớt dần chữ nghĩa, để đảm bảo thi đỗ, chú gửi anh vào một lớp luyện ôn thi đại học của trường Văn hóa quân đội sơ tán trên miền đất trung du. Anh không ngờ ngôi trường sơ tán miền trung du đó lại là nơi ghi dấu kỷ niệm của tâm hồn.
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Hồi đó có 2 lán lớp học toàn là bộ đội, những hạ sỹ quan có năng lực, được gửi đi học ôn để thi vào các trường đào tạo sỹ quan. Ở lớp bên cạnh lán lớp của anh có hai cô gái được gửi vào học cùng. Hai cô nữ sinh xuất hiện giữa lớp học toàn các anh bộ đội trẻ, đã làm cho lớp học trở nên sôi động, Một trong hai cô gái ấy có dáng dong dỏng, gương mặt thanh tú, xinh đẹp. Giữa thời chiến ở vùng trung du này thật khó mà tìm được một người xinh đẹp đến thế. Bao nhiêu chàng bảnh trai, bao nhiêu chàng bẻm mép, bao nhiêu chàng lãng mạn đã trổ tài nói, làm thơ, hoặc lén gấp vào trang vở của cô gái một bông hồng để tỏ tình cảm. Có chàng vì thấy cô gái kiêu sa màthách đố nhau trổ tài tán tỉnh, có chàng “cảm nắng”, tương tư thật lòng. Các hạ sỹ quan truyền nhau và nói với anh rằng, cô gái đó không những xinh đẹp, ngoan hiền, mà còn học rất giỏi, ngay từ khi xuất hiện đã là mối cảm tình, ngưỡng mộ của nhiều chàng hạ sỹ quan trẻ trong lớp. Mà thật kỳ lạ bao nhiêu thư từ gửi gắm như thế mà cô gái vẫn tỏ ra hồn nhiên, nói năng lễ phép dịu dàng, vui vẻ vô tư và chăm chỉ học hành như không hề có chuyện gì xảy ra. Anh bỗng thầm nghĩ và liên tưởng đến Khanh. Đã 3 năm trôi qua rồi, chắc giờ Khanh đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và học giỏi như cô gái đang học ở lán lớp bên kia vậy. Tuy không nói ra, nhưng trong tâm tư của anh, khi nhận lời người chú đi học để thi lại vào trường Sỹ quan, anh đã thầm mong được trở lại miền đát trung du nơi trường sơ tán năm xưa để có cơ hội gặp lại Khanh. Đã mấy năm trôi qua rồi, gia đình Khanh không biết có còn ở nơi sơ tán không hay đã trở về Hà Nội.
Rồi một “sự kiện” đã xảy ra ở lớp học. Chàng bộ đội trẻ nhất trong lớp bắt được một bài thơ của một chàng nào đó viết tỏ tình với cô gái. Giờ giải lao chàng đọc to cho cả lớp cùng nghe. Tác giả bài thơ thì ngượng đỏ mặt. Còn cô gái thì cảm thấy dường như bị xúc phạm, lúng túng, khó xử, Cô đến bày tỏ với thầy giáo là bạn của bố cô ở trường văn hoá. Cô nói với thầy giáo rằng có lẽ cô sẽ xin thôi không học ở đây nữa vì cảm thấy bất tiện, khó tập trung tư tưởng để học tốt và cũng không muốn làm ảnh hưởng đến việc học tập của các anh bộ đội. Thầy giáo một mặt động viên cô gái không nên bỏ lớp, mặt khác yêu cầu lớp cử người lên phòng ở của cô để xin lỗi về sự việc xảy ra, hứa với cô sẽ chấm dứt những sự việc tương tự và đề nghị cô ở lại tiếp tục học.
Thật bất ngờ, anh được anh bạn lớp trưởng lớp bên tin tưởng mời làm “sứ giả” đi cùng để đến xin lỗi và động viên cô gái. Lý do là vì anh có vẻ “có tuổi” , chững chạc nhất và theo họ, anh là người có dáng vẻ tự tin nhất. Anh không ngờ buổi chiều hôm đó đã in dấu vào cuộc đời anh một kỷ niệm không bao giờ quên được.

Chiều nắng dịu, rặng tre đằng ngà chạy dọc theo lối đi lao xao trong gió. Anh cùng người bạn lên căn nhà nhỏ lưng đồi nơi cô gái ở. Một căn nhà tường trát tooc xi, có hàng rào dâm bụt vây quanh vườn cây ăn trái. Anh tần ngần đứng trước cửa, tay cầm tập báo lấy cớ mang tới cho cô gái đọc. Nhìn qua cửa, thấy cô gái đang ngồi quay lưng lại, mái tóc dường như vừa gội trông như vẫn còn ướt, hơi gợn sóng, buông mềm xuống bờ vai thon thả. Cô gái đang chăm chú, mải mê học bài. Tự nhiên anh thấy mình không đủ can đảm bước vào. Chờ anh bạn cùng đi bước thêm vài bước đến sát cạnh, cảm thấy tự tin hơn hơn, anh đứng từ ngoài nói vọng vào: “Chào em gái! Các anh thay mặt lớp lên gặp em để…., để.....” Anh chưa nói dứt câu, cô gái quay người lại ngước nhìn lên, Anh sững sờ đánh rơi chồng báo đang cầm trên tay: “Trời ơi! Khanh đấy sao!”. Đúng là em thật rồi! Khanh của bốn năm về trước, cô bé Khanh của những kỷ niệm ngọt ngào thời niên thiếu. giờ đây trước mặt anh là một thiếu nữ, xinh đẹp dường kia. Mái tóc xoăn ngày xưa thường kết thành hai cái đuôi sam nhí nhảnh,xinh xinh, giờ đã là một mái tóc gợn sóng, óng ả buông qua bờ vai xuống bộ ngực căng tròn. Ngày xưa, mỗi khi em xấu hổ hay làm một việc gì năng nhọc, đôi má em thường ửng đỏ như hai trái bồ quân. Giờ đây, đôi má ấy phớt hồng với làn da trắng mịn màng. Còn đôi mắt. Chao ôi, vẫn là đôi mắt Khanh với cái nhìn trong veo ngày xưa, nhưng giờ đây là đôi mắt to trong với cái nhìn hút hồn sâu thăm thẳm. Đứng cách Khanh chừng vài bước chân, khi ánh mắt hai người chạm nhau. anh Bỗng thấy mình không thể đứng vững, chân tay lóng ngóng, Anh cố giấu nỗi lúng túng, vờ cúi nhặt mấy tờ báo đánh rơi, rồi nói với Khanh giọng líu ríu: Ôi, em đúng là Khanh, con bác Vũ đấy phải không? Khanh cười reo vui rạng rỡ: Vâng! Là em đây. Anh Thục ơi! Đúng là anh rồi! May quá! Thế là em được gặp lại anh. Vừa trông thấy anh là em nhận ngay ra anh. Trí nhớ của em tốt hơn anh, đúng không? Mà em nghe nói anh đang học đại học Bách khoa ở Hà Nội. Em nhẩm tính anh đang là năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp rồi cơ mà? Sao anh lại ở đây?

Anh không nhớ lúc đó anh đã nói với em những gì. Hình như anh đã nói nhiều, nhiều lắm để che đi những cảm xúc bất ngờ ùa ập đến, trào dâng trong lòng. Và anh cũng nghe em nói, kể với anh nhiều chuyện lắm về gia đình, về anh Sơn anh trai em, về miền đất trung du một thời luyến nhớ.

Rồi những ngày cùng học, chúng mình đã có những buổi chiều hàn huyên trên triền đồi lộng gió. Anh trải lòng về những ngày tháng khó khăn đã qua. Em đã lắng nghe bằng sự cảm động, thương mến thành thực và trong trẻo vô tư của một người em gái.

Còn anh, chắc em sẽ không bao giờ biết được, cuộc đời và tâm hồn anh chỉ một lần ấy, trót chạm vào ánh mắt của em sau 4 năm xa cách, khi những kỷ niệm và ký ức tuổi thơ ngọt ngào ghi dấu nơi sâu thẳm tâm hồn, bỗng chốc trỗi dậy, trào dâng thành một cảm xúc mới mẻ, kỳ diệu. Và dường như sau phút giây kỳ diệu ấy, trong suốt những năm tháng sau này, tình yêu trong anh cứ lớn dần lên, không thể nào cưỡng được. Bao lần lấy hết can đảm, mà sao đứng trước em, anh lại không thể nói ra tình cảm rất thực của lòng minh. Vì em quá xinh đẹp, quá giỏi giang? Vì nhà anh nghèo, trong khi cha em là một sỹ quan quân đội cao cấp? Vì anh quá nhút nhát? Hay vì em lúc nào cũng dành cho anh những tình cảm trìu mến trong trẻo, vô tư, hồn nhiên như của một người em gái với người anh trai? Có lẽ vì tất cả, hay vì lý do nào đó, anh cũng không biết nữa. Nhưng anh đã yêu em từ lâu mất rồi. Một tình yêu lặng thầm, sâu sắc. Anh luôn nhớ em, yêu em đến quặn thắt trong lòng với một mối tình thiết tha. Còn em, sẽ có bao giờ em hiểu được? Phải chăng trong em, anh mãi mãi vẫn là một người anh trai thân mến, tin cậy của em như những ngày xưa. Giờ đây, anh đang dấn thân nơi chiến trường khốc liệt nhất. Sự sống và cái chết với anh, với đồng đội anh nơi đây chỉ là gang tấc. Có thể ngày mai anh sẽ không trở về. Nếu vậy, anh sẽ ra đi, mang theo trọn vẹn ảnh hình em và một mối tình đơn phương, mà em không hề biết. Cầu mong Khanh của anh sẽ không bao giờ phải có những điều muộn phiền và luôn có được một cuộc sống hạnh phúc với những gì tốt đẹp nhất!
 

chitom

Xe tăng
Biển số
OF-92529
Ngày cấp bằng
22/4/11
Số km
1,397
Động cơ
415,659 Mã lực
Chiều. Binh trạm phó cùng những cán bộ có liên quan rút kinh nghiệm cho trận đánh tối nay. Ngay lập tức, số hầm trú ẩn được đào dày lên. Trong phương án tác chiến, y tá cùng dụng cụ cứu thương được bố trí giữa cung đường. Phương án cứu phuy xăng được phổ biến chi tiết đến từng người. Đêm nay đội chuyển tải xuất quân sớm hơn. Mọi người đã quen địa hình, lại rút kinh nghiệm đêm qua nên công việc trông chừng như trôi chảy. Trăng hạ tuần đã lách qua đám mây , chiếu xuống đại ngàn. Ánh trăng tuy không ngọc ngà như đêm rằm, nhưng cũng đủ soi rõ lèn đá lở lói và dòng người bì bõm lặng lẽ kéo những phuy xăng ngược dòng suối. Từng phuy, từng phuy được tập kết nơi giao nhận. Đã qua thời điểm đêm qua địch đánh được nửa giờ. Chính vào lúc Thục đang mừng thầm, thì bom bắt đầu nổ. Lại là bom bi. Nhưng lần này, không phải là một loạt bom bất chợt theo kiểu bom tọa độ như đêm qua. Rõ ràng đây là trân đánh tập kích. Những loạt bom nối nhau nổ. Nhiều phuy xăng đã bốc cháy. Lửa bùng lên từ những phuy xăng trên mặt suối và cả những phuy xăng đang trên bờ cát. Rồi những loạt bom sát thương, bom phá. Những phuy xăng trúng bom bốc cháy bị hất tung lên trời. Trong biển lửa, nhiều người gục xuống. Ai đó đang cố lăn trên bờ cát để dập tắt lửa bén vào quàn áo. Cả khúc suối Trà Ang ngập trong lửa và những tiếng nổ chát chúa.
Khi dứt tiếng bom, mọi người lại lao ra cứu đồng đội và các phuy xăng còn lại. Nhưng những người đầu tiên lao ra khỏi hầm, đã vấp vào những sợi dây lạ, và lại những tiếng nổ. Họ gục xuống. Đội trưởng hét lên: “Địch thả bom vướng nổ, mọi người nằm im trong hầm !”.
Ngay khi có thể nhận rõ mặt người, tốp công binh bắt đầu gỡ bom vướng. Phải mất ba giờ đồng hồ, họ mới mở được đường đưa thương binh và những người trong các hầm trú ẩn vượt được ra ngoài trọng điểm.
Đêm thứ hai, ba mươi phuy xăng đã tới đích, nhưng hai mươi chín chiến sỹ hy sinh, mười tám người bị thương. Những người vượt qua cái chết thì da đều sạm đen, bỏng rát Trong lúc lăn vào hầm. Thục cũng bị một viên bi găm vào bắp tay. Vì lúc bom nổ, anh cố kéo một thương binh vào hầm, nên không phân biệt được máu của mình hay của người lính kia. Phải đến lúc hoàn toàn yên tĩnh, anh mới cảm thấy nhói và nhận ra vết thủng trên tay áo. Dù sao vết thương ấy cũng còn là vô cùng may mắn so với tổn thất đêm nay.

Với cánh tay mang băng trắng, Thục cùng Binh trạm phó xuống trạm quân y. Những người bị thương rên rỉ vì đau đớn. Không chỉ là những vết thương vì bom, mà cả những vết bỏng sâu trên da thịt họ. Binh trạm phó nghe bác sỹ trưởng trạm báo cáo, rồi ông im lặng đi qua các giường thương binh. Ông ngồi xuống bên một thương binh băng trắng kín chân tay và đầu, kể cả đôi mắt, Ông khẽ nắm cánh tay anh.
- Bác sỹ đấy phải không- Tiếng nói yếu ớt nhoi ra từ dưới lớp băng.
- Tôi đây- Bác sỹ trưởng trạm đáp.
- Mắt tôi còn nhìn được không bác sỹ? Chỉ cần nhìn được là cuộc sống tươi đẹp lắm rồi, phải không bác sỹ?
- Phải rồi. Anh cứ yên tâm điều trị. Rồi mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.
Cảm thấy bác sỹ định giới thiệu mình, Binh trạm phó ra hiệu để anh thôi. Thục bỗng nhận ra ngấn nước trên đôi mắt người sỹ quan già. Ông kín đáo nhìn sang chỗ khác. Ra khỏi hầm, bác sỹ báo cáo với ông rằng người thương binh ấy rất lạc quan, nhưng đôi mắt của anh rất khó cứu vãn. Binh trạm phó yên lặng giây lát và nói:
- Hãy cố gắng điều trị tốt nhất cho họ. Trong khả năng của mình, Binh trạm sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của các đồng chí.

Từ trạm quân y, họ ra nghĩa trang. Đội trưởng đội chuyển tải cũng đang có mặt ở đó. Những ngôi mộ mới đắp, những tấm bia bằng gỗ với những dòng chữ chưa khô hắc ín ghi tên tuổi người nằm dưới mộ. Mấy đội viên đội chuyển tải đưa cho Binh trạm phó những bông hoa cúc dại để ông đặt lên từng ngôi mộ. Lại những ngôi mộ mà những người năm dưới đó hầu hết chưa tròn hai mươi tuổi. Từng dạn dày trên tuyến Trường Sơn ác liệt, từng bao nhiêu lần viếng mộ các chiến sỹ của mình ngã xuống, mà sao lần này ông thấy lòng quặn thắt. Ông nhớ đến tiếng đồng thanh “Sẵn sàng” của họ cách đây mấy ngày.
- Báo cáo Thủ trưởng, xe chở xăng đi giao cho 559 đã sẵn sàng lên đường, đang chờ chỉ thị của thủ trưởng – Trưởng Ban Xăng dầu đứng nghiêm báo cáo.

Ba chiếc Zil ba cầu phủ đầy lá ngụy trang đang đậu ở bãi xe. Mấy cậu lính lái đang thu dọn bát đĩa của bữa cơm chiều vừa ăn xong. Một thanh niên cao gầy, da ngăm đen chạy đến đứng nghiêm:
- Báo cáo thủ trưởng, tôi, đại đội trưởng đại đội ba, tiểu đoàn xe, đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường giao xăng cho 559. Xin chỉ thị đồng chí.
Binh trạm phó kiểm tra kỹ từng chiếc xe. Trên ca pô mỗi xe là “giàn mướp” bằng những lớp nứa đập dập để ngăn bom bi rơi xuống đầu máy. Hai bên cửa xe và thành xe cũng được bao bọc cẩn thận bởi một lớp áo giáp bằng thân cây nứa đập dập như thế. Giàn mướp và lớp áo giáp ấy sẽ bảo vệ người lái xe trong loạt bom đầu tiên nếu bom không rơi trúng xe. Ồng trèo lên thùng xe kiểm tra từng phuy xăng. Nhìn những phuy xăng móp méo, ông chạnh lòng nghĩ đến biết bao gian nan tổn thất đã qua và những đoạn đường ác liệt phía trước của những chiếc xe này. Đoạn đã qua đầy xương máu, đoạn trước mắt cũng chẳng kém gì. Ông đã chỉ thị chọn những xe tốt nhất của binh trạm, mỗi xe có hai lái, đều là những người dạn dày kinh nghiệm. Vậy mà ông thấy vẫn phải nói cho họ hiểu hơn trước lúc lên đường.
 
Thông tin thớt
Đang tải
Top