CÂU CHUYỆN VỀ HOÃN THI IELTS: CHẤT LƯỢNG HAY MIẾNG BÁNH CHIA LẠI
Trước hết, tôi rất chia sẻ với các em học sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính này của Bộ GD. Chúng ta đều biết mùa tuyển sinh đại học Mỹ đang bắt đầu từ 1/11 tới 15/11, và nhiều em học sinh có lẽ bây giờ mới thi IELTS hoặc thi lại kỳ vọng lấy kết quả tốt hơn trong 10 ngày tới để kịp nộp kỳ Tuyển Sớm (Early Decision). Nếu quả thực như vậy, thì quyết định này đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới các em đó. Nhưng tôi nghĩ đây là chỉ là số ít, và bất kỳ một can thiệp bằng chính sách công nào cũng có hệ lụy nhất định của nó, nhưng vấn đề nằm ở ý nghĩa của quyết định này và lý do vì sao Bộ GD lại ra một quyết định đột ngột như vậy.
Nhiều năm qua BC và IDP hoạt động ở VN rất hiệu quả kể cả về tài chính lẫn chất lượng đào tạo và khảo thí. Nếu tôi nhớ không lầm thì BC vào Việt Nam từ năm 1993 và IDP là 1996. Với ngần đó năm hoạt động gần như không có sự can thiệp của chính quyền sở tại, có thể nói BC và IDP độc chiếm thị trường này. Những năm đầu đổi mới, người VN học tiếng Anh còn ít, chứng chỉ IELTS chưa thực sự phổ biến ồ ạt như hiện nay. Còn nhớ những thập niên 90s, chỉ những người đi du học Australia mới quan tâm tới thi IELTS. IELTS là cái gì đó cao siêu và xa lạ. Ngày đó ai thi IELTS được 8.0 là khủng khiếp và được tôn sùng như một hình tượng của sự "giỏi tiếng Anh". Với quy môt thị trường khiêm tôn, các nhà khảo thí tổ chức rất chuẩn mực, đặc biệt là việc bảo mật đề thi, kết quả thi. Không có những chuyện "lùm xùm" về chất lượng như hiện nay. Ngày đó bài thi được gửi về UK hoặc Australia để chấm, tùy thuộc vào chỉ định của Cambridge Assessment (Công ty Khảo thi Cambridge). Với số lượng người thi ít, chất lượng giám thị là những người bản ngữ còn đem tới Việt Nam những giá trị về lương tri, liêm chính hàn lâm, hay nói thẳng ra là chưa bị "tha hóa" bởi tiền, thì kết quả thi IELTS quả thực là trung thực và khách quan.
Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, mà đặc biệt là từ 2016 khi mà các trường đại học Mỹ top đầu tiên phong công nhận chứng chỉ IELTS là chứng chỉ xác nhận năng lực ngoại ngữ cho sinh viên quốc tế thì IELTS mới thực sự lấn át TOEFL iBT để dẫn đầu về số lượng người dự thi hàng năm. Một cú huých khủng khiếp nữa đến từ chính Bộ GD khi Bộ khuyến khích các trường đại học trong nước đưa IELTS làm tiêu chí xét tuyển đầu vào. Tệ hại hơn nữa là chính các trường dạy chuyên về ngoại ngữ lại lấy điểm IELTS làm căn cứ để tốt nghiệp. Ví dụ như sinh viên một trường ngoại ngữ phải đạt kết quả IELTS 7.0 trở lên. Những chùm dễ bám vào chính sách của IELTS khiến cho tầm quan trọng của IELTS được nâng quá cao trong chính sách giáo dục quốc dân, từ đó lấn át đi mọi hình thức khảo thí khác đang tồn tại trong VN. Nói đi phải nói lại, IELTS là một công cụ khảo thí vô cùng tốt về nguyên gốc, nhưng vấn đề dẫn tới quyết định ngày hôm nay có lẽ lại nằm ở BC, IDP, và Cambridge Assessment.
VÌ sao tôi chủ quan nói vậy? Nhìn vào chính quyết định của Bộ GD nhiều người thấy giật mình, nhưng nếu chúng ta nhìn lại một chuỗi chính sách vĩ mô của ngành giáo dục thì lại thấy đây là một quyết định hết sức hợp lý, có quy trình, có logic, có hệ thống giá trị thuyết minh. Để ra quyết định ngày hôm nay, Bộ GD đã mất tới 5 năm nghiên cứu thực tiễn thị trường giáo dục, tổng kết việc áp dụng các chính sách pháp luật về giáo dục để ban hành những chính sách mới. Tôi nhìn thấy sự logic xâu chuỗi từ NĐ 86/2018/NĐ-CP về Hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tới Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT về Liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Đây là những bước dọn đường pháp lý của Bộ GD trước khi ra đòn quyết định vào BC, IDP. Cổ nhân nói: không có lửa thì làm sao có khỏi. Có lẽ chính những lùm xùm trong gian lận thi IELTS, khiến cho một kì thi từ một vị trí được tôn trọng rất cao trở nên một kì thi bát nháo, nhà nhà thi, người người thi, vô tội vạ. Tình thế đã đẩy BC, IDP vào hoàn cảnh phải đánh đổi số lượng với chất lượng. Chúng ta có thể hình dung ra với hàng ngàn thí sinh thi mỗi tuần tại một thành phố thì BC và IDP đào đâu ra đủ examiner để ngồi hỏi thi vấn đáp (thi nói), và với một khối lượng bài viết khổng lồ như vậy, thì BC và IDP chấm kiểu gì? ai chấm? chấm như thế nào? Với sự tổ chức lỏng lẻo thì việc tráo bài thi hay thi hộ hoặc lộ đề thi ngay trước khi thi là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không muốn nói là xảy ra rất nhiều lần, như cơm bữa (điều này chỉ có cơ quan an ninh điều tra nắm rõ, hoặc chí ít Bộ GD đã biết điều này theo như những phát biểu mang tính bật mí của anh Độ Thứ trưởng Bộ.)
Như vậy quyết định ngày hôm nay cũng phần nhiều là do chính BC và IDP mà thôi. Tôi cũng phải nói thêm vai trò của Cambridge Assessment ở dây. Cambridge Assessment là nơi tạo ra đề thi, tạo ra các loại tài liệu luyện thi (tất nhiên có nhiều nxb khác nữa), và cung cấp đề thi cho BC và IDP. Điều đáng nói là tính bảo mật của đề thi chỉ được Cambridge Assessement giám sát cho tới khi trao đề tới BC và IDP, còn lại việc tổ chức thi cử ra sao, đề được lưu chuyển như thế nào, ai là người làm việc đó thì có lẽ Cambridge Assessment không quan tâm, hoặc không đủ năng lực để quan tâm. BC và IDP có lẽ đã ký hợp đồng cam kết bảo mật với Cambridge Assessment rồi, trong kinh doanh đây là chuẩn mực, nhưng có bảo mật được hay không và rò rỉ như thế nào thì ngoài tầm kiểm soát của Cambridge Assessment rồi. Tôi nghĩ cũng đã tới lúc Cambridge Assessment cần chỉnh đốn chính các đối tác của mình.
Ngoài câu chuyện về chất lượng thì nhiều người có nhắc tới lợi nhuận khổng lồ mà kì thi IELTS mang lại cho BC, IDP, và Cambridge Assessment, và rằng Bộ GD "đánh" BC và IDP là để chia lại lợi ích. Tôi nghĩ nói như thế nghe vẻ hơi qua, những cũng "fair". Nếu là tôi thì chả tội gì tôi không chia lại. BC và IDP vào VN từ quan sớm, họ có công lao rất lớn trong việc đưa những tư tưởng giáo dục hiện đại vào VN, nhưng họ cũng kiếm trác từ VN quá nhiều. Có lẽ thị trường VN bây giờ đã hết cái thời "dễ dãi" như một cô gái ngây thơ cứ nằm đó để các anh tới "yêu" em dài lâu rồi lại đi. Thị trường bây giờ khắt khe hơn và bình đẳng hơn. Tối nói thật là chưa nơi nào mà tư bản vào kiếm được nhiều tiền như ở VN. Nhiều bài học về một thời kỳ cấp đất đai quá dễ dãi cho các tập đoàn bán lẽ để rồi họ bán cổ phần công ty holdings bên Singapore hay Cayman/BVI, bán trộm sau lưng Chính phủ Việt Nam không nộp cho CP một đồng thuế nào. Nay đã hết thời đó rồi. Chả tội gì thị trường nhà mình mà Bộ GD lại không nhảy vào thu tô! Tôi hoàn toàn ủng hộ miễn là tiền thu được từ việc liên kết với BC, IDP, Cambridge Assessment tổ chức các kì thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế được bổ sung vào ngân sách giáo dục, được tái đầu tư cho hạ tầng giáo dục, tạo thêm nhiều cơ hội học hành cho con em Việt Nam. Hoàn toàn chính đáng!
Thế nên cho dù là chỉnh đốn chất lượng hay chia lại miếng bánh thì đều tốt cả. Điều tôi mong nhất bây giờ là BC, IDP, Cambridge Assessment và Bộ ngồi với nhau, bàn bạc một cơ chế tốt nhất để sớm mở lại các kỳ thi IELTS. Mọi sự trì hoãn sẽ làm tổn hại tới chính con em Việt Nam mình.
Cuối cùng thì điều tôi băn khoăn là liệu việc can thiệp này có làm cho chất lượng của kỳ thi IELTS tốt lên hay tệ hại đi? Điều đó chỉ có thực tiễn và thời gian mới trả lời được.
Giang Nguyễn