Đây là bài viết về Pơ mu trong đợt lũ năm 2011, cũng chưa xa lắm. Dân bản địa bán 6 củ/m3(Ngang gỗ xà cừ dưới xuôi) là có cơ sở, vì gỗ này cấm buôn bán, vận chuyển nên về xuôi tăng lên khoảng 25 - 30 triệu/m3(đắt hơn Lim Nam phi 1 chút)
Một cán bộ kiểm lâm huyện Mường La (xin giấu tên) cho biết: Riêng gỗ và củi trôi trong đợt lũ ngày 23/6 người dân vớt được ước khoảng 250 m3. Trong đó, gỗ pơ mu bà con vớt về xẻ thành hộp cũng khoảng hơn 100 m3.
Còn ông Lò Văn Sơn ở bản Pá Chiến, xã Chiềng San, huyện Mường La kể: Sau lũ quét, có đến cả ngàn người đổ xô ra bãi Pá Chiến (ngã ba sông Đà - Nậm Chiến) để vớt gỗ trôi từ đầu nguồn về, có cây to kích thước 2 – 3 người ôm, chiều dài trên 8 mét. Lũ cuốn trôi nhiều đất đá, cây to, lũ còn làm ngập, vùi lấp một số diện tích lúa đang chuẩn bị gặt. Dân lấy được củi thì mất ruộng, thiệt hại vĩnh viễn, nhiều nhà không còn ruộng, dân sẽ khổ.
"Ngoài vớt được gỗ pơ mu, mỗi nhà còn tranh thủ mót củi sau lũ để lại. Số củi mót được, đun 1 năm cũng không hết" - Bà Lò Thị Pản ở bản Pá Chiến nói.
Theo ông Lò Văn Học, gỗ vớt về bán ngay tại bến chỉ được 500 đồng/kg, gỗ pơ mu xẻ thành hộp thì được giá 6 triệu đồng/m3. Nhiều khúc gỗ to không vớt kịp thì trôi xuống hồ thuỷ điện Hoà Bình, vài ngày sau gỗ ngấm no nước lại chìm xuống đáy hồ.
Huyện Mường La còn khoảng 2.000 ha rừng pơ mu tự nhiên, phân bố trên các núi đá vôi, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Ngọc Chiến. Trước đây bà con thường xẻ gỗ pơ mu về làm ván lợp, ván thưng nhà. Gần đây, do rừng khai thác không theo quy hoạch, bị chặt phá khai thác lậu nên lượng gỗ trong rừng giảm nhanh và bị cấm khai thác. Tuy nhiên, đợt lũ này cho thấy nạn khai thác gỗ pơ mu trên đầu nguồn suối Nậm Chiến khá nghiêm trọng. Ngành kiểm lâm chưa thực sự vào cuộc để giữ rừng pơ mu, kho rừng vàng quý giá của tỉnh Sơn La.