Trường bắn Xuân Vinh tập ở VN lạc hậu 20 năm, thua cả Lào
Hoàng Xuân Vinh quanh năm suốt tháng “nuôi” giấc mơ Olympic trong điều kiện khốn khó, tại một trường bắn lạ nhất thế giới ở Nhổn với nghịch cảnh: tập bia giấy, đấu bia điện tử.
Tại Olympic Sydney 2000, người đồng đội của Xuân Vinh, cựu xạ thủ Nguyễn Trung Hiếu đã từng “sốc” toàn tập khi có mặt ở trường bắn hiện đại trị giá 30 triệu USD. Hiếu cùng HLV của mình đã phải thốt lên mà giờ nghe có vẻ lạ đời “sao lại có thể bắn bằng bia điện tử nhỉ”. Hóa ra, kể từ khi khởi nghiệp, Hiếu đều chỉ được tập bắn với bia giấy. Hiếu nản thực sự, và dù cố gắng làm quen với điều kiện mới, anh vẫn thảm bại.
Ngay sau khi về nước, lãnh đạo bắn súng Việt Nam đã khẩn cấp kiến nghị lãnh đạo xem xét trang bị bia điện tử cho các VĐV tập. Thế nhưng, đến giờ, qua 4 kỳ Olympic, tương ứng với gần 20 năm đằng đẵng, đến lượt Xuân Vinh cùng các xạ thủ hiện vẫn chưa thoát khỏi nghịch cảnh.
Hoàng Xuân Vinh trong một buổi tập ở trường bắn.
Ảnh: Hoàng Hà
Năm 2003 nhờ đăng cai SEA Games 22, một trường bắn mới quy mô, hiện đại đã được xây dựng tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là Trường bắn duy nhất đạt chuẩn tại Việt Nam. Chỉ có điều, không hiểu do kinh phí hay thiết kế mà hệ thống bia bắn tại đây vẫn là... bia giấy.
Giờ đây, qua 13 năm, hệ thống bia giấy tại trường bắn Nhổn đã trở thành của hiếm ngay cả ở khu vực Đông Nam Á. Đơn cử, năm 2009, nước chủ nhà Lào xây dựng trường bắn để tổ chức SEA Games 25 cũng đã hiện đại hóa đồng bộ bằng một hệ thống bia điện tử chuẩn quốc tế. Chưa kể, cả trường bắn và hệ thống bia giấy tại đây cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bắt đầu được tập trung lên ĐTQG từ năm 2000. Có nghĩa là tròn 16 năm, anh đã gắn bó với trường bắn cũ, với cảnh tập luyện với bia giấy, ra nước ngoài thi đấu với bia điện tử. Suốt thời gian đầu, anh cũng rất khổ sở để có thể thích nghi với nghịch cảnh bia giấy bia điện tử ấy.
Từ chỗ tập bia giấy ra đấu bia điện tử, phản xạ của anh bị chậm đi rõ rệt do bị “hút” đèn. Bình thường Vinh chỉ cần từ trên dưới 1,3 giây để nổ phát súng đầu tiên thì phải mất tới 1, 7 đến 1,8 giây mới có thể khai hỏa. Cảm giác, tâm lý thi đấu, và từ đó kết quả thi đấu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Phải qua hàng loạt giải quốc tế, Vinh cùng các đồng đội mới có thể dần làm quen, cho dù coi như phải “chấp sẵn” các đối thủ.
Bia giấy lỗ chỗ những vết thủng ghi nhận thành tích của Hoàng Xuân Vinh.
Ảnh: Hoàng Hà
Sự thiếu ổn định về tâm lý, từng khiến anh vài lần để vuột thành quả quốc tế ở những thời điểm quyết định chắc chắn một phần cũng xuất phát từ câu chuyện buồn kéo dài bia giấy bia điện tử ấy. Phải mãi về sau, sự thua thiệt này của Vinh mới được khắc phục phần nào khi anh có các đợt xuất ngoại tập huấn, chủ yếu tại các trường bắn hiện đại của Hàn Quốc.
Thật khó tin giấc mơ Olympic mà Xuân Vinh vừa vươn tới đã được “nuôi” từ trường bắn cũ và bia giấy ấy. Nó chứng tỏ tài năng, sự khổ luyện để vượt qua nghịch cảnh chỉ có ở Việt Nam của Xuân Vinh quá phi thường. Thế nhưng, nó cũng phơi bày một sự thật phũ phàng, rằng Xuân Vinh đã phải chịu khó vượt khổ như thế nào để chinh phục được kỳ tích. Và tất nhiên, Xuân Vinh là một trường hợp ngoại lệ. Các đồng đội khác vẫn ít nhiều “lãnh đủ” từ nghịch cảnh bia giấy bia điện tử.
Trong cả chục năm qua, ĐTQG bắn súng của Vinh, bộ môn bắn súng không hề xin gì cho mình mà chỉ luôn thiết tha đề nghị Trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia được đầu tư quan tâm nâng cấp, trước hết là một hệ thống bia điện tử cho “giống” mặt bằng chung thế giới. Thậm chí, Vinh cùng HLV của mình còn tranh thủ tại các buổi tổng kết hay gặp mặt để “bày tỏ nỗi niềm mong ước”.
Thế nhưng, đến giờ, khi mà Xuân Vinh đã là nhà vô địch và kỷ lục gia Olympic, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Ngay sau khi trở về từ Brazil, anh sẽ quay lại trường bắn cũ, tập bia giấy để “nuôi” những giấc mơ tiếp theo.
Chưa hiểu thảm trạng trường bắn cũ tiếp tục xuống cấp, hệ thống bia giấy ngày càng cũ, Xuân Vinh cùng các đồng đội của mình phải vượt khó chịu khổ còn kéo dài tới bao giờ. Lý do được những người có trách nhiệm đưa ra, vẫn là câu chuyện kinh phí, khi để xây một trường bắn mới phải tốn hàng trăm tỷ, còn để nâng cấp cũng cần vài chục tỷ, nên chưa giải quyết được.