Văn bản của cụ Đồng chả có gì để suy nghĩ, trừ bọn Tàu thích "Cưỡng từ đoạt lý" cho có lợi về phía chúng nó.
Có bài luận về vụ này. E xin đăng lại:
Trung Quốc sử dụng Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để viện dẫn cho cái gọi là sự "khước từ chủ quyền" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Luận điểm này của Trung Quốc chỉ là một sự ngụy biện, đánh lừa dư luận chứ không có giá trị về mặt Luật pháp Quốc tế. Gần đây xuất hiện các bài viết trên một số Fanpage lớn cũng như một số trang mạng cá nhân đã giải thích sai công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dù có ý tốt là muốn chứng minh công hàm vô hiệu nhưng luận điểm chưa được chặt chẽ, nếu người Việt Nam sử dụng cách chứng minh này sẽ đẩy Việt Nam vào ngõ cụt, tạo thuận lợi cho các luận điểm của Trung Quốc. Các bài viết này khi giải thích bao gồm 2 ý rằng: - Công hàm 1958 không có một từ nào về đảo. - Công hàm tôn trọng hải phận 12 hải lý từ bờ đổ ra của Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài vùng này. Để hiểu rõ hơn xin các bạn đọc lại kĩ một lần nữa, công hàm này ghi rõ là VNDCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc về hải phận. Vậy cái quan trọng là tuyên bố 4/9/1958 về hải phận này như thế nào? Điều 1 trong tuyên bố có đoạn: “Qui định này áp dụng cho tòan lãnh thổ nước CHND Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngòai khơi, Đài Loan tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả cùng các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa - ND), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa - ND) khác thuộc Trung Quốc”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nêu rõ là không tán thành điều nào trong Tuyên bố của Trung Quốc, cho nên khi đưa ra Tòa án quốc tế thì mặc nhiên người ta cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đông tán thành cả văn bản. Cũng có một số ý kiến cho rằng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao theo như Hiến pháp Việt Nam không có quyền quyết định vấn đề lãnh thổ, mà chỉ có Quốc hội mới có quyền. Tuy nhiên, Luật pháp Quốc tế không coi như vậy. Đầu thế kỉ 20, Na Uy và Đan Mạch tranh chấp phần Đông Greenland, và cả 2 đưa nhau ra Tòa án quốc tế. Đan Mạch cho rằng năm 1919, Ngoại trưởng Na Uy đã công nhận chủ quyền của Đan Mạch trên toàn bộ Greenland. Na Uy phản bác lại rằng, theo Hiến pháp Na Uy thì Ngoại trưởng không có quyền phân định lãnh thổ. Tuy nhiên Tòa không công nhận luận điểm này của Na Uy, vì theo Luật pháp quốc tế thì Ngoại trưởng, đại điện của một đất nước, có quyền trong vấn đề lãnh thổ. Kết quả, Tòa xử Đan Mạch thắng. Như vậy, 3 luận điểm trên không thể áp dụng, nó sẽ tạo sơ hở để Trung Quốc lấn tới. Vậy Việt Nam sẽ sử dụng những luận điểm nào để chống lại luận điểm của Trung Quốc? Xin trích lại một phần bài viết trên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông: "Trước hết, cần đặt các tuyên bố nói trên của đại diện chính phủ Việt Nam trong bối cảnh thực tế tình hình những năm 1950- 1960 để hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của chúng. Cụ thể là vào thời điểm những năm đó, VNDCCH đang phải chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) đang đoàn kết và ủng hộ tích cực nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ. Quan hệ giữa VNDCCH và CHNDTH lúc đó là quan hệ đồng minh giữa hai nước XHCN anh em. Trước sự biểu dương lực lượng của Hạm đội 7 Mỹ trên eo biển Đài Loan lúc đó, Công hàm của Thủ tướng phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 là một cử chỉ của Chính phủ Việt Nam ủng hộ Trung Quốc về mặt chính trị chống lại sự khiêu khích của Mỹ, bởi vì việc nới rộng lãnh hải từ 3 hải lý ra 12 hải lý sẽ đẩy tàu chiến Mỹ ra xa ngoài biên giới CHNDTH hơn và làm giảm bớt khả năng đe dọa của chúng đối với lãnh thổ CHNDTH. Tuyên bố ngày 09/5/1965 liên quan đến vùng chiến đấu cũng vậy, nó xảy ra vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn khẩn trương, với sự can thiệp quân sự trực tiếp của hàng chục vạn quân Mỹ. Một cuộc chiến tranh khốc liệt bắt đầu lan rộng ra cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, Tuyên bố của VNDCCH nhằm hạn chế khả năng Mỹ có những hành động quân sự ngoài lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương, xâm phạm vào Trung Quốc. Thứ hai, vì tập trung tất cả cho cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, nên chúng ta chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề biền, đảo và biên giới lãnh thổ, đã quá tin cậy những người đồng chí anh em Trung Quốc và có phần thiếu cảnh giác trước mưu đồ lâu dài của họ. Thứ ba, xét về mặt pháp lý, thì những tuyên bố nói trên của Việt Nam không phải là các cam kết quốc tế có tính ràng buộc. Theo Hiệp Định Giơ-ne-vơ 1954, Việt Nam bị chia làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở Nam vĩ tuyến đó nên thuộc sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và các hành vi xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này thuộc thẩm quyền của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền VNDCCH lúc đó không có thẩm quyền và không thể thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Năm 1956, khi Chính phủ Trung Quốc cho quân chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa, Chính phủ VNCH đã phản đối mạnh mẽ. Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa thời kỳ đó là thuộc chủ quyền của VNCH và trên thực tế vẫn do Chính quyền VNCH chiếm giữ và quản lý. Tuyên bố của Thủ tướng phạm Văn Đồng năm 1958 chỉ là ủng hộ việc Trung Quốc tuyên bố có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể bị giải thích là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa." Ta có thể thấy rằng, không có cái gọi là ‘sự khước từ chủ quyền’ vì bản thân VNDCCH không có quyền hay chủ quyền trên 2 quần đảo này để có thể khước từ. Năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Chính phủ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam) tiến hành lật đổ VNCH thành công, trở thành đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam Việt Nam, nên thừa hưởng chủ quyền hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ VNCH. Nên nhớ rằng không phải VNDCCH xâm lược và sát nhập VNCH, vì trên danh nghĩa VNDCCH chưa bao giờ tuyên chiến chính thức, mà chỉ viện trợ người và của cho Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, binh lính, vũ khí đều chiến đấu dưới danh nghĩa của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, sử dụng lá cờ của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đánh thắng xong thì trả ngay chính quyền cho Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, cho nên, là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lật đổ VNCH. Năm 1976, Tổng tuyển cử cả nước diễn ra đánh dấu sự hợp nhất giữa VNDCCH và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, thành lập một chính quyền mới là CHXHCNVN. Đương nhiên, dấu mốc này cho phép CHXHCNVN thừa hưởng chủ quyền từ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trung Quốc cũng lại ngụy biện rằng, VNDCCH khẳng định chủ quyền xuyên suốt toàn bộ nước Việt Nam nên VNCH không hợp pháp. Thực tế, cả VNDCCH và VNCH đều là 2 chính quyền được rất nhiều nước công nhận, và theo Hiệp ước Geneva thì VNDCCH chỉ quản lý phần phía Bắc cửa vĩ tuyến 17, bất luận họ tuyên bố ra sao thì họ cũng chỉ có thẩm quyền với vùng miền Bắc. VNCH , hậu duệ của Quốc gia Việt Nam, có thẩm quyền được quốc tế công nhận với những vùng phía Nam vĩ tuyến 17. Thêm vào đó, VNDCCH lại công nhận Cộng hòa Miền nam Việt Nam là đại diện hợp pháp của Nhân dân Miền Nam trên lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17, cho nên không có lí do gì chứng tỏ VNDCCH có thẩm quyền với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc trong kháng chiến, đồng thời vẫn bảo toàn được chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc và các thế lực thù địch chỉ có thể lợi dụng để đánh lừa dư luận chứ không có giá trị về mặt pháp lý. #TTDULIEUHOANGSA #HSO