- Biển số
- OF-150172
- Ngày cấp bằng
- 23/7/12
- Số km
- 2,198
- Động cơ
- 380,528 Mã lực
- Nơi ở
- Cầu Giấy - Hà Nội
- Website
- www.hoteljob.vn
Đường Láng có lẽ là con đường gắn bó, nhiều kỷ niệm, nhiều duyên nợ và ấn tượng với nó nhất trong tất cả các đường phố của Thủ đô. Hình ảnh, ký ức tuổi thơ đầu tiên nó còn nhớ được là vào tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi miền Nam được “giải phóng”, chấm dứt cuộc chiến tranh đằng đẵng mấy chục năm, thằng bé 4 tuổi được mẹ đặt lên xe đạp, hoà vào dòng người đổ vào nội thành mừng chiến thắng. Tay nó vẫy thật lực 2 lá cờ đỏ sao vàng và cờ mặt trận nửa đỏ nửa xanh. Gương mặt ai cũng long lanh sướng. Con nhỏ, nên mẹ nó không vào hồ Hoàn Kiếm mà đến Cầu Giấy thì rẽ phải vào đường Láng. Con đường chạy dọc bờ sông với hàng cây lớn lắm, gốc cây quét vôi trắng, cành lá xum xuê, xanh rì. Ngang qua cái ngõ có hàng rào duối, mẹ nó bảo đây là nhà ông Tú Mỡ, đi chút nữa đến Nhà Đỏ, đường vắng thì mẹ nó quay lại. Sau, nó còn phải đến Nhà Đỏ mấy lần nữa để tiêm phòng dại khi bị chó cắn.
Lên 10, hàng ngày thằng bé lặc lè đạp xe chở khoai nước từ nhà ra chợ Cống Mọc bán. Những bó khoai vừa to, dài, nặng và ngứa. Sợ nhất là lúc phải đẩy xe lên dốc Cầu Giấy. Cái đèo hàng yếu, lắc lư, thằng bé cũng yếu, phải tỳ người vào đống khoai để vừa đẩy lên dốc vừa giữ cho xe không bị “tùng bê”. Lên được dốc rồi, nó mải miết đạp, hàng cây xà cừ quét vôi trắng trôi dần lại phía sau từ đầu đến cuối đường Láng đưa nó tới chợ.
Những năm học đại học, chưa có đường Phạm Hùng nối thẳng Thanh Xuân với Mai Dịch như bây giờ nên từ trường Tổng Hợp về nhà, nó phải đi vòng hình chữ U dọc đường Láng về qua Cầu Giấy. 12 giờ tan học, ra khỏi giảng đường, nó tranh thủ hít lấy hít để làn khói xào thuốc lá thơm phức theo gió bay sang từ nhà máy thuốc lá Thăng Long cho đỡ đói rồi vội vàng đạp xe về qua cửa hàng lương thực Yên Lãng. Cậu sinh viên đói ăn nặng 40 ký đánh vật với những tải gạo mậu dịch 70 ký, chọc, vần tìm tải nào đỡ mốc nhất, kéo ra cửa bê lên cân rồi gắng sức sẻ làm đôi vắt lên chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng bố nó mua thanh lý được của cơ quan. Giữa trưa, đói, mệt, bóng mát hàng cây đại thụ và gió sông miên man cùng dàn đồng ca ve sầu như tiếp thêm sức lực cho nó. Chở nặng, nó đếm từng gốc cây xà cừ trên đường để đến chỗ máy xát gạo, máy lại cho trắng, đỡ hôi rồi chở thẳng về chợ cho mẹ kịp bán buổi chợ chiều.
Vào mùa lá rụng, dọc mép đường Láng, cơ man nào là lá, thảm một lớp dầy, có cả quả khô nở xoè như búp sen rụng xuống. Lá xà cừ đun cũng đượm lắm. Nhiều hôm nó dừng xe, tranh thủ vơ gom cả tải tướng về đun thay rơm.
Ra trường năm 1992, nó xin được chân làm bảo vệ đêm ở khách sạn Queen đường Giải Phóng. Do khó ngủ và dốt nên bắt đầu tan ca là nó tống vào người 1 viên seduxen rồi thủng thẳng đạp xe về nhà. Hết đường Trường Chinh, sang đến đường Láng, thuốc ngủ ngấm dần vào người. Sáng sớm, đường vắng, những u, những bướu lồi lõm trên mỗi cái gốc kia như những gương mặt thần cây già nua đang cùng chơi ú oà với nó. Đặt lưng xuống giường, hình ảnh những tia nắng mai rung rinh qua vòm lá đưa nó vào giấc ngủ chập chờn...
Cho đến sau này, văn phòng công ty ở gần cầu Trung Hoà, nó vẫn thích vòng qua sông Tô Lịch để được đi dọc đường Láng, được đi dưới tán hàng cây đại thụ đã gắn với nhiều tháng năm vất vả của nó. Cũng như nhiều người Hà Nội khác, nó chắc chắn rằng, đường Láng là một trong những con đường đẹp và lãng mạn nhất của thủ đô. Vậy mà giờ đây, ở nơi xa, hay tin hàng cây xà cừ đại thụ dọc đường Láng sắp bị chặt, chuyển để cạp rộng đường mà nó thấy hụt hẫng. Sao họ thích chặt cây thế nhỉ và tại sao lại luôn là xà cừ? Hết đường Nguyễn Trãi, Kim Mã, Phạm Văn Đồng, giờ là đường Láng. Để có hàng cây vậy phải mất cả mấy đời người. Hàng trăm năm qua, cây đã thầm lặng cống hiến cho đời, đã chứng kiến bao thăng trầm của thủ đô và đi vào ký ức triệu người con Hà Nội. Vậy mà giờ đây, để đánh đổi, trả giá cho những siêu dự án bất động sản chồm hổm trên quy hoạch và tầm nhìn dài hạn của thành phố, họ sẵn sàng chặt, chặt và chặt...
———
Mà thôi, tiếc cũng chả thay đổi được gì. Nếu họ sinh ra, lớn lên tại đây và thực sự yêu quý mảnh đất này, hẳn họ đã thấy mỗi cây kia đều có 1 linh hồn thấm đẫm chất Hà Nội và góp phần làm lên Hà Nội.
Hà Nội ngày càng mờ xa!
Giao thừa 2018-2019
http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/ha-noi-chat-dich-chuyen-hon-400-cay-xanh-tren-duong-lang-de-mo-rong-497712.html
Lên 10, hàng ngày thằng bé lặc lè đạp xe chở khoai nước từ nhà ra chợ Cống Mọc bán. Những bó khoai vừa to, dài, nặng và ngứa. Sợ nhất là lúc phải đẩy xe lên dốc Cầu Giấy. Cái đèo hàng yếu, lắc lư, thằng bé cũng yếu, phải tỳ người vào đống khoai để vừa đẩy lên dốc vừa giữ cho xe không bị “tùng bê”. Lên được dốc rồi, nó mải miết đạp, hàng cây xà cừ quét vôi trắng trôi dần lại phía sau từ đầu đến cuối đường Láng đưa nó tới chợ.
Những năm học đại học, chưa có đường Phạm Hùng nối thẳng Thanh Xuân với Mai Dịch như bây giờ nên từ trường Tổng Hợp về nhà, nó phải đi vòng hình chữ U dọc đường Láng về qua Cầu Giấy. 12 giờ tan học, ra khỏi giảng đường, nó tranh thủ hít lấy hít để làn khói xào thuốc lá thơm phức theo gió bay sang từ nhà máy thuốc lá Thăng Long cho đỡ đói rồi vội vàng đạp xe về qua cửa hàng lương thực Yên Lãng. Cậu sinh viên đói ăn nặng 40 ký đánh vật với những tải gạo mậu dịch 70 ký, chọc, vần tìm tải nào đỡ mốc nhất, kéo ra cửa bê lên cân rồi gắng sức sẻ làm đôi vắt lên chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng bố nó mua thanh lý được của cơ quan. Giữa trưa, đói, mệt, bóng mát hàng cây đại thụ và gió sông miên man cùng dàn đồng ca ve sầu như tiếp thêm sức lực cho nó. Chở nặng, nó đếm từng gốc cây xà cừ trên đường để đến chỗ máy xát gạo, máy lại cho trắng, đỡ hôi rồi chở thẳng về chợ cho mẹ kịp bán buổi chợ chiều.
Vào mùa lá rụng, dọc mép đường Láng, cơ man nào là lá, thảm một lớp dầy, có cả quả khô nở xoè như búp sen rụng xuống. Lá xà cừ đun cũng đượm lắm. Nhiều hôm nó dừng xe, tranh thủ vơ gom cả tải tướng về đun thay rơm.
Ra trường năm 1992, nó xin được chân làm bảo vệ đêm ở khách sạn Queen đường Giải Phóng. Do khó ngủ và dốt nên bắt đầu tan ca là nó tống vào người 1 viên seduxen rồi thủng thẳng đạp xe về nhà. Hết đường Trường Chinh, sang đến đường Láng, thuốc ngủ ngấm dần vào người. Sáng sớm, đường vắng, những u, những bướu lồi lõm trên mỗi cái gốc kia như những gương mặt thần cây già nua đang cùng chơi ú oà với nó. Đặt lưng xuống giường, hình ảnh những tia nắng mai rung rinh qua vòm lá đưa nó vào giấc ngủ chập chờn...
Cho đến sau này, văn phòng công ty ở gần cầu Trung Hoà, nó vẫn thích vòng qua sông Tô Lịch để được đi dọc đường Láng, được đi dưới tán hàng cây đại thụ đã gắn với nhiều tháng năm vất vả của nó. Cũng như nhiều người Hà Nội khác, nó chắc chắn rằng, đường Láng là một trong những con đường đẹp và lãng mạn nhất của thủ đô. Vậy mà giờ đây, ở nơi xa, hay tin hàng cây xà cừ đại thụ dọc đường Láng sắp bị chặt, chuyển để cạp rộng đường mà nó thấy hụt hẫng. Sao họ thích chặt cây thế nhỉ và tại sao lại luôn là xà cừ? Hết đường Nguyễn Trãi, Kim Mã, Phạm Văn Đồng, giờ là đường Láng. Để có hàng cây vậy phải mất cả mấy đời người. Hàng trăm năm qua, cây đã thầm lặng cống hiến cho đời, đã chứng kiến bao thăng trầm của thủ đô và đi vào ký ức triệu người con Hà Nội. Vậy mà giờ đây, để đánh đổi, trả giá cho những siêu dự án bất động sản chồm hổm trên quy hoạch và tầm nhìn dài hạn của thành phố, họ sẵn sàng chặt, chặt và chặt...
———
Mà thôi, tiếc cũng chả thay đổi được gì. Nếu họ sinh ra, lớn lên tại đây và thực sự yêu quý mảnh đất này, hẳn họ đã thấy mỗi cây kia đều có 1 linh hồn thấm đẫm chất Hà Nội và góp phần làm lên Hà Nội.
Hà Nội ngày càng mờ xa!
Giao thừa 2018-2019
http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/ha-noi-chat-dich-chuyen-hon-400-cay-xanh-tren-duong-lang-de-mo-rong-497712.html
Chỉnh sửa cuối: