Nó tùy vùng đất cụ. Xưa vùng đất đồi quê em đa phần cây mua, ít cây sim.
Thực ra bây giờ người ta biết nhiều về hoa sim chắc là từ bài thơ (và từ đó là những bài hát) của Hữu Loan
Những đồi hoa sim …,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt...
Hồi học lớp 2 em đi học cách nhà chục cây số, học xong quay ra độ 2 cây đón cậu em thứ 2 học vỡ lòng để cùng về nhà. Có lúc nhóm tụi em lên đến 4 đứa nhưng hết cái lớp ấy chỉ còn 2 anh em tụi em. Kỷ niệm em nhớ nhất không phải là hoa sim, vì có thời gian nhóm gồm 3 đứa, 1 cô bé nữa học lớp 1 tên là Lý. Có 1 lần đi học về trêu nhau, em cầm cái roi cô bé kia sợ chạy. Em lừa "Lại đây tớ cho cái này!". cô bé đến gần em vung roi vụt, nhỡ tay hơi mạnh cô bé ngồi xuống khóc. Cả quãng đường gần chục cây số ấy chỉ có 3 đứa tụi em. Bé nhưng em cũng biết hối hận mình đùa quá đà. Dỗ mãi cô bé mới đứng lên cùng tụi em đi về. Sau nhà cô ấy chuyển đi nơi khác, không biết đi đâu.
Đi xa nên tụi em đi rất sớm, 4 - 5 giờ sáng đã ra khỏi nhà, còn về cứ lang thang dọc đường, 3-4 giờ chiều chưa về đến nhà để ăn cơm trưa. Đường đi tụi em băng qua những quả đồi sim, gọi là đồi, nhưng chỉ là những triền đất thoai thoải, con đường đất dài ấy nếu đi xe đạp sẽ không cảm thấy phải đạp lên dốc hay xuống dốc. Những đồi sim dài vài cây số, chỉ có cây sim và thỉnh thoảng chen lẫn vài cây mua. Suốt dọc những quả đồi ấy không hề có 1 cây cao để có bóng râm.
Mùa quả sim bắt đầu chín là tụi em không đi theo đường nữa mà xuyên qua những đồi sim ấy. Đầu tiên là lần tìm từng gốc sim để tìm những quả chín đầu mùa. Trong các búi sim có tất nhiều ong, nhiều nhất là ong muỗi, rồi mới đến ong vàng. Không cần thận bị ong đốt thì về nhà còn được ăn thêm lươn.
Dịch ra ngoài này cũng có nhiều quả đồi trọc có cây sim. Nhưng cây sim mọc thưa hơn rất nhiều, còn lại toàn đất trống. Thỉnh thoảng mới có 1 cây sim hay mấy thứ cây khác như mâm xôi, chua me (thân bò). Ở những quả đồi này rất nhiều chim đa đa (ngoài Bắc hay gọi là chim bắt tép kho cà). Cứ đầu hè là chúng bắt đầu gáy. Mỗi con chiếm 1 quả đồi nhỏ làm lãnh địa riêng. Đi trên đồi thỉnh thoảng lại giật mình vì com chim đa đa bay vụt lên ngay trước mũi chân của mình.
Hết lớp 2 nhà em đi sơ tán chỗ khác, không ở gần những đồi sim ấy nữa.
Lang thang cả ngày ngoài đồi, 3 - 4 giờ chiều mới về đến nhà ăn cơm trưa, nhưng tụi em không hề thấy đói, vì dù là đồi trọc, ngoài sim vẫn còn có rất nhiều cây quả để ăn như mâm xôi (ăn được cả quả và mầm non), lạc tiên, chua me,...
Sau này đi nhiều nơi vẫn gặp cây sim, có cả cây sim trong những rừng cây lá thưa (như cây thông), nhưng chúng cao, mảnh khảnh hơn và quả thường to và mọng hơn. Ở đó chúng thường bị che lấp bởi những loại cây khác. Em thấy những cây sim này không tạo ra cái hình ảnh "tím hoang biền biệt..." của những đồi sim mênh mông kia.
Bây giờ vào Hà Tĩnh vẫn còn gặp được những đồi sim như vậy!