Hiểu đúng về thương chiến Mỹ - Trung hiện nay.
Tôi từng nói và giờ tôi nhắc lại rằng thương chiến giữa Mỹ và Trung không bao giờ là cuộc chơi giữa hai người khổng lồ đơn thuần, mà là giữa một đế quốc đang xuống dốc và một nền văn minh cổ đại đã tỉnh dậy sau giấc ngủ ngàn năm.
Hồi 2019, Trump còn kịp tung hỏa mù, còn ngồi đối mặt với Tập tại G20, còn biết bày binh bố trận thuế quan như một trò chơi vặt để kiếm điểm chính trị nội địa. Nhưng tới nay, sau khi Mỹ đã thay ba đời tổng thống quay lại với Trump 2.0 mà vẫn không có chiến lược dài hơi với Trung Quốc, thì anh em cần hiểu: đây không còn là một cuộc thương chiến nữa. Đây là một cuộc phân chia lại trật tự kinh tế toàn cầu. Không đao kiếm, không súng đạn nhưng từng con số GDP, từng dòng chuỗi cung ứng, từng chiếc chip bán dẫn đều là mũi tên giấu trong ống tay áo.
Tôi biết có anh em đang hỏi: Ai thắng?
Tôi không trả lời câu hỏi đó. Vì hỏi như vậy, nghĩa là vẫn còn ngây thơ. Đây không phải là một trận đấu võ mà có trọng tài. Đây là một ván cờ vây kéo dài, nơi mà trung tâm không bao giờ là mục tiêu, mà là "THẾ", thế để chiếm vị, thế để buộc đối thủ sai.
Và Trung Quốc, dù đang gánh hàng trăm lệnh trừng phạt, vẫn đang ung dung. Vì nó có "thế".
Mỹ, kể từ đại dịch 2020, đã vỡ lẽ rằng toàn cầu hóa không phải là thứ có thể kiểm soát bằng lời hứa dân chủ. Nước Mỹ muốn đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc? Đã thử. Intel xây nhà máy ở Arizona, thiếu kỹ sư, đội vốn, trì trệ. Chuyển sang Mexico, container linh kiện bị kẹt ở biên giới vì thủ tục và an ninh. Mỗi một nỗ lực “tách Trung” đều giống như một người già yếu rời khỏi bệnh viện sớm để chứng minh mình còn khỏe. Rồi cũng lết về giường với đôi chân run rẩy và ánh mắt mơ hồ.
Còn Trung Quốc thì sao? Vẫn sản xuất, vẫn vận hành, vẫn tích lũy dữ liệu qua mỗi đồng WeChat Pay và Alipay anh em quẹt hàng ngày. Hạ tầng? Giờ không chỉ là tàu cao tốc nữa mà là xe tự lái, là drone giao hàng, là thành phố thông minh phủ khắp đại lục. Tới năm 2024, nước này đã triển khai gần 3 triệu trạm 5G, gấp hơn 10 lần Mỹ. Điều đó không chỉ là tốc độ tải phim, mà là tốc độ điều phối nền kinh tế theo thời gian thực, thứ Mỹ chưa bao giờ chạm tới.
Tôi nói rồi, cái đáng sợ của Trung Quốc không phải là sản lượng, mà là khả năng kiểm soát sản lượng. Trong khi Mỹ còn đang cãi nhau xem có nên cấm TikTok hay không, Trung Quốc đã kiểm soát được mọi dữ liệu tiêu dùng nội địa, quản lý được luồng vốn và thậm chí định hình được khẩu vị người tiêu dùng.
Ngày xưa, người ta nói Mỹ là trung tâm sáng tạo, còn Trung Quốc là xưởng gia công. Giờ thì khác rồi. Nếu sáng tạo là đốm lửa thì tổ chức sản xuất là chiếc quạt. Trung Quốc có đủ gió để làm đốm lửa nào cũng trở thành đám cháy. Còn Mỹ? Mỗi lần sáng tạo lại đi mua linh kiện, mua đất hiếm, mua dây chuyền từ chính đối thủ mình muốn đánh gục. Trò đó không kéo dài được lâu.
Mỹ có thể sẽ có Trump 2.0, hoặc một biến thể nào đó, nhưng bài toán đối đầu với Trung Quốc thì không còn lời giải dễ nữa. Thương chiến không phải trò đấu khẩu trên Twitter. Nó là một cuộc thi marathon tư duy, mà Mỹ thì đã quen đánh gôn còn Trung Quốc đã chạy mòn gót trong từng con hẻm Đông Quan, từng nẻo đường Nghĩa Ô.
Và khi cuộc chơi này kéo dài thêm 10 năm nữa, anh em sẽ nhận ra ai có thời gian, người đó thắng.
Thế giới này không được vận hành bởi sự tử tế. Nó được điều phối bởi hệ thống. Và chỉ những ai kiểm soát được hệ thống đó thì sản xuất, vận tải, dữ liệu, công nghệ, tài chính, niềm tin... mới là người đặt luật chơi.
Khi hai người khổng lồ gầm gừ, đất rung núi chuyển, thì kẻ đứng giữa không cần gầm theo. Cũng không cần vỗ tay.
Anh Ba nói với anh em điều này, bằng tất cả sự từng trải của một người sống trong cái thế giới chưa từng tử tế này là Việt Nam không có nghĩa vụ phải chọn phe. Chúng ta có nghĩa vụ chọn đúng thời điểm, đúng nhịp, đúng lợi ích.
Cái hay của Việt Nam từ ngàn xưa không nằm ở sức mạnh quân sự, cũng không ở tài nguyên dồi dào, mà nằm ở nghệ thuật lách giữa các khe nứt của đại cục. Khi Nguyên Mông tràn tới, ta đánh rồi lại giảng hoà. Khi Pháp đến, ta đấu. Khi Mỹ vào, ta cũng không run. Tổ tiên chưa bao giờ chọn cái chết, nhưng chưa bao giờ bán sự độc lập.
Thế giới hôm nay không còn mũi tên với giáo dài, nhưng vẫn đầy bẫy rập, trừng phạt, áp lực. Càng khôn khéo bao nhiêu, càng cần tỉnh táo bấy nhiêu.
Vậy nên anh em à, khi nghe tin chiến tranh thương mại, đừng hỏi “ai thắng”. Hãy hỏi: ai đặt ra luật chơi và ai phải chơi theo luật đó?
Bởi kẻ đặt luật mới là độc cô cầu bại trên đời.
————————————————————————

Vui lòng trích nguồn Facebook Nguyen Khanh (Anh Ba Sài Gòn) nếu bê bài đi nơi khác
