PT-76 Việt Nam có hướng nâng câp mới
Cập nhật lúc :10:15 AM, 05/01/2012
Nga vừa mới đưa ra một số gói nâng cấp PT-76 dành cho quân đội các nước đang sử dụng phổ biến loại xe tăng lội nước này như Việt Nam.
(ĐVO) Theo đó, gói nâng cấp xe tăng nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu và kéo dài thời gian phục vụ bằng việc trang bị pháo bắn nhanh, tên lửa chống tăng có điều khiển, động cơ mạnh, khả năng tác chiến ban đêm và khả năng chống bắn tỉa...
Xe tăng PT-76 được Liên Xô xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Iraq, Triều Tiên và Cuba. Về số lượng, tuy không thể sánh được so với loại xe tăng hạng trung T-54/55 dành cho Lục quân nhưng đến nay PT-76 còn phục vụ với số lượng lớn trong quân đội của nhiều nước.
Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 được sử dụng như lực lượng yểm trợ hỏa lực chủ yếu cho Lực lượng Hải quân đánh bộ.
Xe tăng lội nước PT-76.
Sức mạnh chiến đấu mới
Để đáp ứng tình hình mới, các kỹ sư và các nhà thiết kế xe tăng của Nga đề xuất giải pháp "đặc biệt" để hiện đại hóa PT-76.
Ở biến thể nâng cấp mới, xe tăng sẽ được trang bị với các mô-đun chiến đấu mới nhất, trong đó có cả hệ thống chữa cháy tự động.
Nếu ở biến thể ban đầu, kíp chiến đấu của PT-76 có ba người, lãnh các vai trò kiêm nhiệm, xe tăng bị hạn chế về khả năng nhìn đêm thì ở biến thể nâng cấp xe được và trang bị khí tài trinh sát ảnh nhiệt, giúp quan sát quan sát toàn cảnh trong điều kiện cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, bằng việc thay thế tháp pháo 76,2mm cũ bằng pháo tự động 57mm AY220M có tốc độ bắn cao, 4 ống phóng tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet và một súng máy phòng không 12,7mm, cùng với súng phóng lựu tự động 30mm AG-30, kíp xe đã giảm xuống chỉ còn 2 người (lái xe và pháo thủ).
Mô đun tháp pháo mới với pháo 57mm, 4 ống phóng tên lửa chống tăng Kornet...
Với hệ thống theo dõi mục tiêu mới MSA, xe tăng sẽ tự động phát hiện và tăng cường khả năng theo dõi mục tiêu lên từ 4 – 6 lần, và hệ thống sẽ tự động dẫn hướng cho tên lửa chống tăng Kornet tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao.
Do xe tăng PT-76 được thiết kế để lội nước và chủ yếu được Hải quân đánh bộ sử dụng, vì vậy trọng lượng của xe khá nhẹ, chỉ khoảng 14 tấn, đồng nghĩa với việc đó là giáp bảo vệ của xe tăng cũng rất mỏng, dày khoảng 20mm. Vì vậy, việc chống lại các tay súng bắn tỉa hạng nặng, có khả năng xuyên giáp và phá hủy thiết bị là bài toán quan trọng của các nhà thiết kế.
Nhận thức được điểm yếu chết người này, các kỹ sư Nga đưa ra giải pháp độc đáo để bảo vệ kíp xe mà không cần tăng cường vỏ giáp dẫn đến tăng trọng tải, giảm sức cơ động của xe. Họ đã trang bị hệ thống Antisnaypera nhằm cảnh báo, phát hiện các thiết bị quang học gắn trên các khẩu súng bắn tỉa. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho kíp xe biết khu vực họ đang hoạt động có sự xuất hiện của các tay súng bắn tỉa để đối phó.
Mô tả pháo 57mm AY220M.
Về hỏa lực, PT-76 nâng cấp sử dụng pháo 57mm AY220M có tốc độ bắn cực nhanh, 120 phát/phút. Pháo sử dụng đạn nổ mảnh và cả đạn xuyên giáp.
Khi sử dụng đạn xuyên giáp, thậm chí xe tăng PT-76 có thể tự tin tham gia tấn công các xe tăng chủ lực ở khoảng cách 1 km, và tấn công mục tiêu là xe bọc thép BMP, binh lính đối phương ở khoảng cách 2,5 km. Trong trường hợp đặc biệt, pháo AY220M còn có thể sử dụng để tham gia tác chiến phòng không.
Hỏa lực đáng kể khác của xe là tên lửa chống tăng Kornet (có biến thể xuất khẩu là Kornet-E), có thể tấn công phá hủy các mục tiêu trên mặt đất và cả các mục tiêu trên không như trực thăng ở khoảng cách 4 km, tầm tiêu diệt xe tăng là 5 km với khả năng xuyên giáp sau giáp ERA là 1.200mm.
Ngoài ra, Súng phóng lựu tự động AG-30 30mm sẽ tăng cường hiệu quả đáng kể trong việc tấn công bộ binh của đối phương.
Để tăng cường khả năng cơ động và hiệu suất, động cơ của xe tăng cũng được thay thế bằng một động cơ mới, có công suất 420 mã lực (lớn hơn công suất động cơ ban đầu, 240 mã lực), vì vậy vận tốc của xe tăng được nâng đáng kể, giúp xe vượt qua các chướng ngại vật và di chuyển với tốc độ dưới nước là 14 km/h.
Khung gầm của xe tăng PT-76 cũng được gia cố sức chịu đựng các loại mìn chống tăng.
Một lựa chọn khá phổ biến để tăng cường khả năng phòng thủ đó là tháp pháo mới của xe tăng PT-76 sẽ được lắp các ống phóng lựu đạn khói để có thể gây "mù" đối với đối phương.
Với số lượng biên chế khá nhiều của xe tăng PT-76 trong Hải quân Việt Nam, việc lựa chọn nâng cấp để có thể thích ứng với chiến trường tác chiến hiện đại sẽ là một lựa chọn hợp lý.