Theo nguồn do Việt Nam thống kê thì tổng viện trợ cho VNCH từ 1954 đến 1975 là trên 26 tỷ USD, trong đó có 16 tỷ USD viện trợ quân sự, 6 tỷ viện trợ khoa học-kỹ thuật, 1,6 tỷ viện trợ nông phẩm, 2,4 tỷ dưới hình thức đổi tiền.[10] Từ khi Mỹ rút lui thì viện trợ cũng giảm, từ 1.614 triệu USD năm 1972-1973 xuống 1.026 triệu USD năm 1973-1974 và 701 triệu USD năm 1974-1975 [11]. Ngoài viện trợ chính thức còn phải kể đến chi tiêu tại chỗ của lính Mỹ, hàng năm đã đổ thêm cả tỷ USD vào miền Nam Việt Nam (trung bình mỗi lính Mỹ được trả 800 USD/tháng), gấp 2-3 lần tổng GDP của cả 8 triệu dân do VNCH kiểm soát[12].
Theo nguồn của Hoa Kỳ thì tổng viện trợ Quân sự cho VNCH từ 1955 đến 1975 là 16,762 tỉ USD, trong đó niên khóa 1972-1973 nhận được cao nhất là 3,349 tỉ USD[13] Tính tới năm 1973 khi quân Mĩ rút quân đã viện trợ 1 khối lượng khổng lồ vũ khí gồm hơn 1 triệu súng bộ binh, 46.000 xe tăng-xe thiết giáp và xe vận tải, hơn 1500 máy bay chiến đấu các loại[14]
Lưu ý số vũ khí và viện trợ trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chiến phí của Mỹ ở Việt Nam. Nó chưa bao gồm số vũ khí và chiến phí do quân đội Mỹ trực tiếp sử dụng trong giai đoạn tham chiến trực tiếp 1964-1973, mà theo thống kê là trên 141 tỷ USD chi phí trực tiếp, tương đương 686 tỷ USD theo thời giá 2008[15]. Mặt khác, nếu tính cả chi phí trong giai đoạn 1954-1963, nhà kinh tế Steven ước tính tổng chi tiêu cuối cùng của Mỹ cho cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ lên tới 925 tỷ USD; gấp 3,8 lần chi phí của Mỹ trong thế chiến thứ nhất và chỉ đứng sau chi phí của Mỹ cho thế chiến thứ hai[15][16].