http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/san-luong-o-to-de-ra-van-con-han-che-201408261341439379ca33.chn
Sản lượng ô tô đề ra vẫn còn hạn chế nên các Cty nhập khẩu như HHS sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. HHS là cánh chim đầu đàn của ngành ô-tô tải Việt Nam ạ
Mục tiêu đề ra đối với sản lượng xe sản xuất trong nước năm 2035 đạt 1,5 triệu chiếc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết sản lượng này vẫn ở mức hạn chế.
Sáng nay 26/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị công bố Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2013.
Theo đó, mục tiêu đề ra đối với sản lượng xe sản xuất trong nước năm 2020 là 227.500 chiếc, 2025 là 237.900 chiếc, năm 2035 là hơn 1,5 triệu chiếc. Tuy nhiên, nhận xét về sản lượng mục tiêu đặt ra trong quy hoạch nhiều chuyên gia cho biết sản lượng này vẫn ở mức hạn chế.
Mục tiêu sản lượng còn thấp
Tại hội nghị, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương đã công bố chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam giai đoạn mới. Cụ thể, theo quy hoạch đến 2035, ngành công nghiệp ô tô đảm bảo hiệu quả tổng thể về kinh tế xã hội cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô thế giới, có giá trị xuất khẩu lớn.
“Chúng ta phải đặc biệt chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao cạnh tranh. Trong đó ưu tiên xe có trọng tải nhỏ”, ông Giám khẳng định.
Cụ thể, mục tiêu đối với xe sản xuất trong nước như sau: Năm 2020, tổng sản lượng xe đạt 227.500 chiếc, trong đó xe 9 chỗ đạt 114.000 chiếc, từ 10 chỗ ngồi trở lên 14.200 chiếc, xe tải 97.960 chiếc, xe chuyên dụng 1.340 chiếc.
Năm 2025, tổng sản lượng xe đạt 446.400 chiếc, trong đó xe 9 chỗ 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên đạt 29.100 chiếc, xe tải 197.900 chiếc, xe chuyên dụng 2.400 chiếc.
Năm 2035, tổng sản lượng xe đạt 1.531.400 chiếc, trong đó xe 9 chỗ đạt 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên đạt 84.400 chiếc, xe tải 587.900 chiếc, xe chuyên dụng 6.500 chiếc.
Nhiều đại biểu cho biết sản lượng mục tiêu đề ra vẫn còn hạn chế. Ảnh: Hướng Dương
Về tỷ số xe sản xuất lắp ráp so với nhu cầu nội địa, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 -2035 tăng từ 67% lên 78%.
Về sản lượng xe xuất khẩu, theo quy hoạch đến 2020, tổng lượng xe xuất khẩu đạt 20.000 chiếc, giá trị xuất khẩu linh kiện và phụ tùng đạt 4 tỉ USD đến năm 2025 con số lần lượt là 37.000 chiếc và 5 tỷ USD. Năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu sẽ đạt 90.000 chiếc, giá trị xuất khẩu linh kiện tăng lên 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ công nghiệp nặng Bộ Công Thương công bố quy hoạch cụ thể phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, năm 2030 lượng xe được sản xuất trong nước sẽ tăng lên 862.761 chiếc, tổng lượng xe xuất khẩu đạt 60.000 chiếc.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng công bố chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, giai đoạn đến 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, đáp ứng 35% nhu cầu về linh kiện cho thị trường trong nước. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện ô tô cho khu vực và thế giới. Giai đoạn 2026 đến 2035 đáp ứng tới 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng trong nước.
Đánh giá về sản lượng, ông Bùi Ngọc Huyên, CT HĐQT Công ty cổ phần Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết, sản lượng xe đặt ra trong mục tiêu vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Ông Kiên cho hay, theo một khảo sát từ phía công ty, 50% người dân ở nông thông muốn có xe ô tô bao gồm cả xe tải và xe hơi, 90% người dân ở TP.HCM có mong muốn sở hữu xe ô tô. “Nhu cầu là vậy nhưng làm sao người nghèo có thể sở hữu được ô tô ở Việt Nam bởi thuế phí quá đắt như hiện nay”, ông Huyên nói.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình, sản lượng xe đề ra trong mục tiêu còn khá thấp với nhu cầu thị trường thời kỳ mở cửa, hội nhập.
Tuy nhiên, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương lại cho rằng sản lượng đề ra trong giai đoạn đến 2035 như vậy là hợp lý bởi Bộ đã phối hợp với các ban ngành tính toán kĩ về mức sản lượng này. Theo ông Quang, sản lượng được đề ra dựa trên sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cơ chế chính sách của nhà nước.
Chật vật đạt mục tiêu
Theo các chuyên gia, mặc dù mục tiêu về sản lượng xe và công nghiệp phụ trợ hạn chế nhưng ngành ô tô Việt Nam cũng phải “vật vã” để đạt được mục tiệu đề ra.
Ông Laurent Chapentier, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) bày tỏ, ông rất đồng tình với Bộ Công Thương trong việc đề ra chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam tầm nhìn 2035. Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra thì vấn đề thuế, cơ chế chính sách là trở ngại lớn. “Có một thực tế là xe sản xuất trong nước đắt hơn xe nhập khẩu 20%, doanh nghiệp trong nước rất khó để phát triển được trong điều kiện giá cả chênh lệch lớn như vậy nếu như Nhà nước không có phương án trợ giúp kịp thời”, Ông Laurent Chapentier nói.
Ông Trần Bá Dương, TGĐ Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho hay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi chiến lược phát triển được đề ra muộn hơn so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, gặp sự cạnh tranh rất lớn từ các nước bạn Thái Lan, Indonexia. “Thái Lan và Indonexia đã đạt sản lượng 1 triệu xe, ngành công nghiệp ô tô phát triển với chi phí sản xuất thấp giá thành cạnh tranh hơn nhiều”, ông Dương nói.
Đặc biệt, trong điều kiện chênh lệch giá với xe nhập ngoại quá lớn như hiện nay ông Dương cho biết về cạnh tranh xe lắp ráp trong nước đã mất hẳn lợi thế vì vậy cần phải giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để kích cầu. Ông cho rằng vẫn chưa có sự đồng bộ giữa nhà nước, người tiêu dùng, người sản xuất trong khi tình trạng gian lận thương mại, chi phí sản xuất, thuế vẫn rất cao. Ông khẳng định: “Gian lận thương mại giết chết sản xuất trong nước”.
Trong khi đó, ông Huyên cho biết, thuế phí cao, vốn hạn chế là trở ngại lớn nhất của ngành ô tô. “Ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn từ 1 đến 3 năm, sản xuất ô tô mà vay ngắn hạn thì làm sao mà xoay vòng được. Chính sách về thuế, vốn, cơ chế…mà không đổi mới thì ngành công nghiệp ô tô sẽ không phát triển được chứ đừng nói đến mục tiêu đề ra”, ông Huyên nói.
Ông Huyên cũng khuyến khích việc phát triển, cải tiến ngành công nghiệp phụ trợ, tiến hành liên doanh, liên kết với quốc tế để chuyển giao công nghệ, tiến đến tự chủ sản xuất.
Ông Lê Dương Quang giải thích, không phải các doanh nghiệp nước ngoài không muốn hợp tác với Việt Nam mà do chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị, ông Quang cho biết sẽ sớm có văn bản trình chính phủ, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để đưa ra cơ chế phù hợp nhất, tạo điều kiện cho ngành ô tô phát triển.
Nguồn: Chinhphu.vn