Tiếp báo
Nhiều công ty công nghệ cấm nhân viên giao tiếp với Huawei
15/06/2019 10:08 AM |
Kinh doanh
Một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã cấm nhân viên thảo luận về tiêu chuẩn công nghệ và kỹ thuật với đối tác tại Huawei Technologies, sau khi chính phủ Mỹ đưa ra lệnh cấm với công ty Trung Quốc này.
Các nhà sản xuất chip Intel và Qualcomm, công ty nghiên cứu điện thoại InterDigital Wireless và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus đã hạn chế nhân viên có các cuộc thảo luận không chính thức với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Những cuộc thảo luận này là một phần của các cuộc họp quốc tế, nơi các kỹ sư tập hợp lại để đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ viễn thông, bao gồm cả thế hệ mạng di động mới được biết đến với tên gọi 5G.
Bộ Thương mại Mỹ không cấm các công ty tương tác với Huawei. Ngày 16/5, cơ quan này đưa Huawei vào danh sách đen, cấm làm ăn với công ty Mỹ nếu không được Washington cho phép.Sau đó vài ngày, Mỹ lại cho phép công ty Mỹ tương tác với Huawei thông qua các hội đồng tiêu chuẩn tới tháng 8 “như điều kiện cần thiết cho sự phát triển tiêu chuẩn 5G”.
Tuy vậy, nhiều công ty công nghệ lớn tại Mỹ và các nước khác đã khuyến cáo nhận viên hạn chế các hình thức tương tác trực tiếp do không muốn vướng vào rắc rối với chính phủ Mỹ.
Intel và Qualcom cho biết họ đã có hướng dẫn tuân thủ cho nhân viên, nhưng từ chối bình luận thêm.
Người phát ngôn của InterDigital nói công ty đã cung cấp hướng dẫn cho các kỹ sư để đảm bảo tuân thủ các quy định của chính phủ Mỹ.
Một quan chức ở LG Uplus nói công ty này “tự nguyện hạn chế tương tác với nhân viên của Huawei, ngoài các cuộc gặp liên quan đến lắp đặt thiết bị mạng hay vấn đề bảo trì”.
Huawei không có bình luận gì.
5G chậm lại
Lệnh cấm mới có thể làm chậm quá trình triển khai 5G, được kỳ vọng là động lực cho mọi thứ từ truyền video tốc độ cao đến xe tự lái, theo nhiều chuyên gia trong ngành.
Trong buổi hội nghị tuần trước về tiêu chuẩn 5G tại Newport, California, những người tham gia đã bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ lâu dài và cần thiết giữa các kỹ sư cho kết nối điện thoại và mạng di động toàn cầu có thế trở thành nạn nhân trong “cuộc chiến công nghệ” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đại diện của một công ty châu Âu đã có lệnh cấm tương tác với Huawei cho rằng những nhân sự liên quan đến phát triển 5G đang “bất an”. “Điều này có thể đẩy mỗi người về góc riêng của họ, trong khi chúng ta cần sự hợp tác để đi đến 5G. Đáng ra đây phải là thị trường toàn cầu”, người phát ngôn nói.
Trên thực tế, nhiều nhân viên tại các công ty công nghệ nhỏ hơn cho biết họ không bị cấm thảo luận với Huawei tại các cuộc hội nghị tiêu chuẩn, và nhiều nhà cung cấp vẫn giữ những thỏa thuận hiện có với Huawei. Vẫn chưa rõ liệu bao nhiêu liên hệ với Huawei bị hạn chế trong giới công nghệ, nếu có.
“Tôi đã nghe và chứng kiến nhiều sự hiểu lầm từ khách hàng và đồng nghiệp quanh việc lệnh cấm (của Bộ Thương mại Mỹ) thực sự bao gồm những gì”, Doug Jacobson, một luật sư kiểm soát xuất khẩu tại Washington cho biết.
Anh nói việc các công ty cấm nhân viên liên hệ với Huawei là “thừa thãi, vì các điều luật không cấm việc giao tiếp, chỉ có sự chuyển giao công nghệ”.
Với những cáo buộc từ Mỹ rằng thiết bị của hãng có thể được sử dụng bởi chính phủ Trung Quốc cho mục đích gián điệp, Huawei đã trở thành "nhân vật chính" trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Huawei đã liên tiếp phủ nhận sự kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc, quân đội hoặc các tổ chức tình báo.
Các công ty Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đều có những tiêu chuẩn riêng về Wi-Fi, mạng di động và các công nghệ khác trước đó, và loạt thuế "ăn miếng trả miếng" giữa Bắc Kinh và Washington đã làm dấy lên những lo ngại về sự chia rẽ tiếp theo.
Huawei là tổ chức đứng đầu thế giới trong việc đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ. Là một trong các nhà sản xuất hàng đầu thế giới các thiết bị như điện thoại thông minh và các bộ phận mạng quan trọng như bộ định tuyến và chuyển mạch, Huawei cần có tiếng nói trong việc thiết lập tiêu chuẩn để đảm bảo trải nghiệm người dùng khi mạng 5G trở nên phổ biến, các kỹ sư và chuyên gia nói.
Ảnh: Reuters.
Không còn chuyện phiếm
Các kỹ sư và kiến trúc sư hệ thống đại diện cho cấp trên tại các cuộc họp của Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3 (3GPP), hiệp hội toàn cầu của các công ty với mục đích thiết lập các thông số kỹ thuật 5G vào tháng 3/2020, thường biến các cuộc thảo luận chung, chính thức thành các trao đổi nhỏ và riêng tư hơn khi cố gắng tìm kiếm sự đồng tình từ đối thủ.
Nhưng tại buổi họp của 3GPP tuần trước tại California, một trong 3 vị chủ tịch, Balazs Bertenyi của Nokia, nói với người tham gia rằng các cuộc nói chuyện “riêng tư” này sẽ được lưu lại bởi cơ quan tiêu chuẩn bằng văn bản và các phương tiện phổ biến khác.
Chính “ý nghĩa thực tế” trong lệnh cấm mới của Bộ Thương mại Mỹ đã khiến cả giới công nghệ phải dè chừng, mặc dù các cuộc trò chuyện về 5G không bị cấm, ông nói.
Các cuộc nói chuyện không chính thức sẽ giúp các kỹ sư thấy thoải mái hơn khi thảo luận về công nghệ độc quyền với các đổi thủ để chứng tỏ nghiên cứu hoặc cải tiến của họ an toàn hơn.
Một cơ quan tiêu chuẩn riêng, Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) đã cấm kỹ sư của Huawei tham gia các cuộc đánh giá ngang hàng cho các ấn phẩm, dẫn đến sự chỉ trích từ ngành công nghiệp Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Tổ chức này từ chối bình luận thêm ngoài những tuyên bố chính thức trên trang web, và tuyên bố đã nhận được những hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề đánh giá ngang hàng.
“Huawei không chỉ đơn giản là một công ty. Xét trên nhiều phương diện, họ là người dẫn đầu trong công nghệ 5G. Loại bỏ họ sẽ gây khó khăn cho tiến trình phát triển, và chắc chắn sẽ làm đảo lộn toàn bộ dự án”, Jorge Contreras, giáo sư luật tại Đại học Utah và thành viên của IEEE cho biết.
“Nếu ý tưởng là tạo ra một Trung Quốc không có 5G, tôi nghĩ là bất khả thi. Kể cả nếu có, liệu đó có phải điều tốt?”.
Thùy link:
http://cafebiz.vn/nhieu-cong-ty-cong-nghe-cam-nhan-vien-giao-tiep-voi-huawei-20190615094927328.chn