Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng cũng là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam. Ðể giành toàn thắng cho chiến dịch, ta phải sử dụng một lực lượng đủ mạnh. Riêng ở tuyến chiến đấu lúc cao nhất có tới hơn 87 nghìn người, gồm 53.830 quân và 33.300 dân công(9). Lượng gạo cần cho chiến dịch là 16 nghìn tấn. Muốn có số lượng gạo đó phải huy động từ hậu phương lên tuyến chiến dịch 25 nghìn tấn. Theo tổng kết của Tổng cục cung cấp ngay sau chiến dịch Tây Bắc (1952), dùng dân công gánh bộ chuyển 5.000 tấn gạo từ Yên Bái lên Cò Nòi (cách Ðiện Biên Phủ 220 km) chỉ còn 400 tấn. Nếu đi tiếp 40 km nữa đến Sơn La thì lượng gạo chỉ còn 200 tấn. Nghĩa là để có một kg gạo đến đích phải có 24 kg tiêu thụ và tổn thất dọc đường. Vậy ở chiến dịch này nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên, phải huy động từ hậu phương hơn 600 nghìn tấn gạo (khoảng một triệu tấn thóc). Giả sử có được số lương thực nói trên cũng không thể vận chuyển lên kịp vì đường quá xa, phải huy động một lực lượng dân công khổng lồ và nếu là thóc cũng không có cách nào xay giã kịp. Ðể giải bài toán hóc búa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp hết sức khoa học, cách mạng và sáng tạo. Ðó là động viên nhân dân Tây Bắc dốc sức đóng góp tại chỗ. Mặt khác đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, sử dụng tối đa số ô-tô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ của nhân dân như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng... phục vụ chiến dịch nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ và tổn thất dọc đường do phải đưa từ xa tới.