Israel công bố học thuyết quốc phòng “6 lớp phòng thủ”
Thứ ba 10/12/2013 21:44
ANTĐ - Ngày 9-12, tờ Bưu điện Jerusalem cho biết, cơ quan an ninh Israel đã soạn thảo một học thuyết quốc phòng mới nhằm đối phó tốt hơn với các mối đe dọa và bảo đảm lợi ích của nhà nước Do Thái này trong khu vực.
Tờ báo, dẫn lời các nguồn tin quân sự cao cấp, cho biết học thuyết này gồm 6 lớp phòng thủ, do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hậu phương và bộ tham mưu quân đội, soạn thảo nhằm đối phó tốt hơn với các mối đe dọa về rocket và tên lửa trong thời chiến.
Hai lớp đầu tiên là răn đe và ngoại giao, những công cụ có thể được sử dụng để "xây dựng liên minh và làm tan rã kẻ thù" mà không cần sử dụng vũ lực, tờ Bưu điện Jerusalem dẫn lời một nguồn tin cho biết.
Trong trường hợp hai lớp đầu tiên không ngăn chặn được xung đột, thì học thuyết kêu gọi tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu quyết định vào các lực lượng đang tìm cách gây tổn hại cho hậu phương Israel, trong đó những mối đe dọa. Rocket, tên lửa và bất kỳ lực lượng nào phóng chúng, đều được xác định và tiêu diệt trước khi tên lửa có thể được phóng vào các trung tâm dân cư của Israel.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome, Hetz, Patriot
Đồng thời, các hệ thống phòng không của Israel, hiện gồm hệ thống phòng không chống rocket và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow 2, sẽ được kích hoạt. Đây là lớp thứ 3 và thứ 4 của học thuyết, được gọi là phòng thủ chủ động.
Lớp thứ 5 là phòng thủ thụ động, như là còi báo động không kích và triển khai hầm tránh bom, và lớp thứ 6 tập trung vào tiến hành các hoạt động dân sự trong thời chiến, tờ báo cho biết.
Học thuyết mới này được công bố vào thời điểm khi mà các quan chức Israel đang ngày càng quan ngại về kho rocket và tên lửa ngày càng lớn của các nước láng giềng, có thể được sử dụng để tấn công vào các trung tâm đô thị đông dân cư trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Nga thử hệ thống radar mới phủ toàn châu Âu
Nga đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống radar phòng không mới, được thiết kế để tìm kiếm, phát hiện các mục tiêu trên không như tên lửa hành trình và UAV ở tầm xa lên tới 300km.
Theo đó, hệ thống
radar này có thể phủ sóng hầu hết khu vực châu Âu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Sergei Shoigu, hệ thống radar này sẽ cho phép Nga mở rộng tầm bao quát và kiểm soát tình hình “về phía Tây”.
“
Tôi đang chỉ thị cho tư lệnh Lực lượng Phòng không – Thiếu Tướng Alexander Golovko và một số chỉ huy liên quan khác phải cam kết rằng hệ thống radar mới sẽ được đưa vào vận hành một cách đầy đủ vào cuối năm 2015”, ông Shoigu cho biết tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng diễn ra hôm qua (9/12).
Hệ thống radar Container sẽ được triển khai cho đơn vị 590 của Nga, trong đó có một trạm chỉ huy, một ăng-ten tiếp và truyền dữ liệu, một hệ thống truyền thông và một đơn vị quản lý dữ liệu.
Nga đang có kế hoạch triển khai một mạng lưới radar kiểu Container như thế này nhằm cung cấp thông tin cảnh báo sớm về những mối đe dọa trên không có thể gây nguy hại đối với toàn bộ lãnh thổ của Nga cũng như khu vực biên giới.
Tuy nhiên, ngày triển khai cụ thể, số lượng trạm radar được cung cấp cho Lực lượng Phòng không, địa điểm chúng được triển khai và các chi tiết khác chưa được tiết lộ.
"Mắt thần" di động đáng mơ ước của Việt Nam
Vostock-E là loại radar di động tối tân của quân đội Việt Nam mà rất nhiều nước muốn có nhưng chưa thể mua.
Ứng dụng các công nghệ tàng hình trong thiết kế chế tạo các máy bay chiến đấu đã đặt ra những thách thức rất lớn cho lực lượng
radar cảnh giới, trong đó có lực lượng radar của Việt Nam. Trước những thách thức đó, các nhà khoa học trên thế giới đã phát triển nhiều giải pháp để “vạch mặt” những máy bay tàng hình từ xa.
Các radar chủ động thường gặp khó khăn trong việc phát triển các máy bay tàng hình nhưng với các radar sử dụng băng tần VHF, bước sóng dài tỏ ra rất hiệu quả trong việc phát hiện các máy bay tàng hình. Từ lợi thế này, các nhà thiết kế Belarus đã phát triển thành công radar mạng pha di động kỹ thuật số Vostock.
Radar Vostock do phòng thiết kế Agat/KB Radar, CH Belarus, phát triển. Đây là một trong những phòng thiết kế radar nổi tiếng thời Liên Xô. Radar được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm công nghiệp MILEX-2007 diễn ra tại thủ đô Minsk, Belarus.
Vostok sử dụng ăng-ten mạng pha hoạt động phát - thu bằng cách bức xạ tín hiệu thông qua các mô-đun xử lý. Radar hoạt động ở băng tần VHF có tần số trung tâm 175 MHz, đổi tần linh hoạt với trên 50 kênh, sử dụng 1 trong 2 tần số nhảy ngẫu nhiên để tăng khả năng kháng nhiễu cũng như đối phó với các loại tên lửa chống bức xạ.
Các nhà thiết kế Belarus đã áp dụng rất nhiều thuật toán xử lý tín hiệu mới, cho phép nâng cao độ chính xác, cải thiện khả năng bám bắt mục tiêu trong môi trường lộn xộn. Hiệu suất hoạt động của radar Vostock tăng thêm từ 30-40% so với radar P-18M nâng cấp.
Xe ăng-ten của radar
Vostock-E ở trạng thái hành quân, lợi thế của radar này là khả năng cơ động rất cao cùng thời gian triển khai và thu hồi rất nhanh. Ảnh: Ausairpower.
Sai số đo xa của radar này chỉ là +/- 25m, sai số phương vị +/- 1độ, sai số tốc độ +/- 1,8m/giây. Theo thông số kỹ thuật do nhà sản xuất cung cấp, Vostock có khả năng phát hiện máy bay tàng hình F-117A ở cự ly 72 km trong môi trường nhiễu nặng, tầm trinh sát tối đa 350 km. Radar có khả năng bám bắt cùng lúc không dưới 120 mục tiêu.
Phòng điều khiển được trang bị màn hình hiển thị các tham số về mục tiêu ở dạng bản đồ, tạo thuận lợi cho ê kíp vận hành trong quản lý mục tiêu. Một hệ thống Vostock bao gồm, 1 xe mang ăng-ten, trạm điều khiển tự động từ xa và một máy phát điện diesel. Tất cả đều được đặt trên khung gầm xe việt giã MZKT 65273-020 6x6.
Trạm điều khiển tự động có thể triển khai cách xe ăng-ten và thiết bị tới 500 m. Máy phát điện có thể đặt cách radar tới 50 m nhằm bảo vệ ê kíp vận hành trong điều kiện trạm radar bị trúng hỏa lực của đối phương.
Radar có thời gian triển khai và thu hồi chưa đầy 6 phút. Ê kíp vận hành chỉ có 2 người nên rất phù hợp với chiến thuật “bắn - chuồn” một yêu cầu rất cao trong thời buổi tác chiến công nghệ cao nơi mà “ai nhanh hơn người đó thắng”.
Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên của loại radar tối tân được giới phân tích quân sự nhận định sẽ làm giảm khả năng hoạt động của tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: Ausairpower.
Vostock được sản xuất với 2 biến thể khác nhau, Vostock-D dành cho quân đội Belarus và Vostock-E dành cho xuất khẩu. Tờ Wantchinatimes trong tháng 7/2013 đưa tin, Việt Nam đã lên kế hoạch mua 20 hệ thống radar Vostock-E, đưa Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống radar tối tân này.
Vostock là loại radar mà rất nhiều quốc gia khác mơ ước. Mắt thần này kết hợp với radar 55Zh6UE NEBO-UE, hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga, tạo nên mạng lưới mắt thần đón lõng mọi mục tiêu có ý định xâm nhập chủ quyền quốc gia Việt Nam.