Toàn bộ quần thể cao 132m. Vé vào cửa thì rất rẻ: có 2.500 rph thôi, chứng tỏ mục đích quần thể này rõ ràng không phải để thu lợi, mà để phục vụ nhu cầu thống nhất tinh thần các sắc tộc trên đất nước Indonesia, thúc đẩy tinh thần quốc gia, đoàn kết dân tộc. Mua vé đi thang máy lên floor 3 (cao khoảng 120m) mất thêm 7.500 rph/người nữa. Đang đứng thập thò ở cửa bán vé đi thang máy thì ông bán vé nhìn tớ rồi nói luôn: bây giờ muốn xếp hàng chờ lên thang máy lâu lắm, phải 2 giờ nữa mới tới lượt. Ra hỏi cái anh kia kìa. Cái anh kia kìa quả là một tay cò chuyên nghiệp mà ta thường gặp ở các nơi nhiều cò dịch vụ ở Sài Gòn: cao, to, bụng bự, mặt mũi đờ đẫn vì ít phải động não. Anh ta ra hiệu bảo đi theo anh ta dắt lên cho. Đi theo mấy bước anh chàng ra giá: 75.000 rph/người lên thẳng lầu 3 không phải chờ. Haha, thấy có mùi hấp dẫn rồi đây. Thế là tớ ra tay trả giá: phần vì rất muốn lên xem trên đỉnh, phần vì muốn giao tiếp xem thái độ dân tình ở đây ra sao, phần muốn thử tài trả giá. Tớ nói luôn: 40.000 cho 2 người. Anh chàng nhăn nhó (thế là có khả năng rồi) và hạ còn 120.000/2 người. Tớ chân thì vẫn đi, miệng thì vẫn không đồng ý.
Đi qua hàng người rồng rắn. Thế này dễ có 2 giờ thật, thằng cha bán vé không nói xạo mình. Thế mới có chuyện kẻ ăn trên ngồi chốc. Nhưng nói thật, khi đi ngang qua mặt hàng dân thường đang kiên nhẫn xếp hàng đứng chờ, tớ cũng thấy ngài ngại. Cái tâm lý dùng tiền để mua quyền ưu tiên so với mọi người, thực ra là tớ không quen. Cái tâm lý công bằng, bình đẳng của phương Tây đã ăn sâu vào đầu tớ. Nhưng cảm giác khoái trá khi dùng tiền để nhử người khác cũng mạnh chẳng kém. Anh chàng kia đã hạ xuống còn 100.000, rồi 75.000/ 2 người. Đã tới cửa thang máy ở tầng 2 (chỗ này không cao lắm, và chẳng có ai xếp hàng ở đây, vì mọi người xếp hàng ở cửa thang tầng 1 hết rồi). Tớ bèn ra giá chót (mà tớ cho là hợp lý): 70.000 rph cho 2 người. Anh chàng vội vã đồng ý, một phần bởi sự cứng đầu lì lợm và kiên quyết của người trả giá. Anh ta đòi đưa ngay tiền, nhưng tớ nhất quyết không chịu, đòi phải đi cùng thang máy lên tận trên cùng rồi mới đưa. Vả lại, dân Indo hay có tiết mục mình đưa tiền lớn rồi họ bảo không có tiền nhỏ thối lại, rồi xù luôn. Trò này với tớ không ăn thua. Lên đến nơi rồi, nhìn quanh không có ai có ý định giựt tiền hay đuổi mình xuống, tớ mới rút tờ 100.000 ra đưa cho anh kia sau khi anh ta đưa đủ 30.000 cho tớ trước.
Kể cảnh quan cũng đáng đồng tiền. Việc ăn trên ngồi trước thiên hạ thật
là một sự bại hoại đạo đức. Nhưng dù sao, cảm giác dùng một chút tiền nhử người và mua quyền ưu tiên cũng vẫn thú vị và hấp dẫn - đó chính là thực tế cuộc sống, ta không thể phủ nhận.
Một thánh đường Hồi giáo rất lớn