Hôm nay là ngày kỷ niệm 64 năm ngày tiếp quản Hải Phòng
Từ lúc nhỏ đến khi lớn, em được giáo dục trong nhà trường, và sách báo của Đảng, nhà nước… luôn dùng chữ “tiếp quản” “tiếp thu” đối với những thành phố, thị xã ở miền Bắc, mà Pháp tạm chiếm trước đó, mà không sử dụng từ “giải phóng”, cho nên em xin phép gọi đúng ngôn ngữ cách đây 64 năm
Vì sao Hải Phòng được tiếp thu chậm hơn Hà Nội và là nơi người Pháp rút đi cuối cùng?
Hiệp định Geneva ký hôm 20-7-1954 quy định Việt Nam chia làm 2 miền. Lực lượng Pháp phải có thời gian để tập kết để di chuyển vào Nam và về nước, do vậy Hiệp định quy định sau 300 ngày (kể từ ngày ký kết Hiệp định) người Pháp phải rút hết ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Do vậy, Hải Phòng là nơi người Pháp tập kết quân đội, vũ khí.…. trước khi rút đi, nên có người gọi là “thành phố 300 ngày”.
Ngày thứ 300 chính là ngày 13 tháng 5 năm 1955
Hôm đó, em còn nhớ như in, phố xá vắng lặng, nhà cửa đóng kín, không một ai ra đường. Gia đình em tập trung ở trên gác nhìn qua cửa sổ tầng hai xuống đường, đó là phố Cát Dài, sau ngày tiếp thu người ta đổi thành Hai Bà Trưng. Ngày nay nhiều người Hải Phòng kể cả những người trẻ vẫn gọi là phố Cát Dài (dù không phải là tên chính thức) nhưng có lẽ vì nó 2 âm tiết ngắn hơn (tuy có một âm tiết là …. dài). Ngày xưa con đường này toàn cát, rất ít nhà cửa nên gọi là Cát Dài. Một con phố ngắn cắt ngang đường Cát Dài, nên được gọi là Cát Cụt, dần dần nhà cửa mới mọc lên và đông như ngày nay