Các cụ mợ ở Hà Lội nghĩ thế nào???
Khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo các cơ quan xem xét lại tính hiệu quả của loa phường, tôi thấy cả một số đông đồng tình hưởng ứng việc loại bỏ công cụ truyền tin này. Không rõ họ có còn nhớ đã có một thời cái loa phường ấy từng là kênh thông tin hữu ích của cả một thế hệ hay không.
Rất lạ ở chỗ người ta sẵn sàng ra sức tranh đấu để bảo tồn, gìn giữ những gì cũ kỹ, nhưng lại nhẫn tâm đến mức hào hứng gạt bỏ một thứ đã thân thuộc với họ từ rất lâu. Loa phường xét ra cũng là một thứ di sản, mà là di sản vẫn còn giá trị sử dụng chứ không chỉ là thứ di sản cần bảo tồn.
Loa phường xét ra vẫn còn giá trị sử dụng chứ không chỉ là thứ di sản cần bảo tồn
Đầu tiên, xét ở khía cạnh thông tin: Có một lớp người tuổi tác đã lớn, họ xa lạ với internet; có khi họ còn không tưởng tượng ra trên đời này có một hệ thống có thể kết nối hai người ở hai quốc gia với nhau chỉ bằng một cú click chuột. Họ vẫn có nhu cầu về thông tin. Báo chí thì chỉ có những thông tin xã hội chung chung; còn những thông tin ở phường ở khu phố họ sống, họ biết tìm ở đâu nếu không có cái loa phường?
Tôi thường thấy ở lớp tuổi hưu trí người ta dần thu hẹp mối quan tâm, họ thường hướng về những cộng đồng nhỏ hơn. Và như thế, loa phường trở nên một kênh thông tin hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền nội dung thông tin chính sách, an ninh trật tự, quốc phòng, dân số..., loa phường còn giảm đi một số lượng nhân viên hành chính không nhỏ khi thông báo những thông tin thiết thực ở mỗi địa phương.
Tiếp đến, xét ở khía cạnh kinh tế: Tôi không nghĩ người ta muốn bỏ loa phường chỉ vì nó gây khó chịu, đa phần người ta muốn bỏ vì nó đã là hình thức truyền tin cũ kỹ. Họ không tính đến hiệu quả của loa phường trong giai đoạn này. Họ cũng không tính đến việc bộ máy hành chính phải tuyển dụng và trả lương thêm nhiều nhân viên cho công việc thông tin thay cho một cái loa phường. Không cần nhiều người, với loa phường, chỉ cần một cô phát thanh viên có trình độ tầm trung học phổ thông để đọc thông tin là đủ.
Và cuối cùng, tôi thiết nghĩ không nên bỏ hình thức truyền tin này, thậm chí còn phải bảo vệ và phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của nó. Tôi từng thấy ở một số nơi, ngoài mục đích thông báo các thông tin của địa phương, người ta còn sử dụng loa phường để quảng bá các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Điều này, theo tôi, rất nên phát huy. Ví như mỗi cuối tuần có thể mời các cụ trong Hội người cao tuổi lên đọc thơ trên loa phường. Văn nghệ quần chúng như thế vừa tạo được niềm vui cho các cụ, vừa làm phong phú thông tin, lại vừa thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa địa phương của cộng đồng dân cư.
Cứ thử tượng tượng, sau một tuần làm việc đầy căng thẳng ở công sở, mỗi buổi sáng cuối tuần người ta thức dậy trong không khí văn nghệ của thơ ca và âm nhạc "cây nhà lá vườn" tại chính nơi mình đang cư ngụ lại chẳng thú vị biết bao.
Hãy bảo vệ lấy loa phường. Hãy nhìn mỗi sáng tinh mơ như sáng nay người già, trẻ nhỏ thức dậy chạy quanh bờ hồ Hoàn Kiếm trong những giai điệu vừa du dương vừa hùng tráng về thủ đô. Thử tượng tượng mà xem, nếu thiếu những tiếng nhạc ấy, bờ hồ sáng ngày mai sẽ kém vui hơn biết mấy.
Đặng Sinh
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại TP.HCM.