Nét Thanh Lịch - Một Tính Cách Rất Hà Nội (l)(l)(l)
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với công cuộc đổi mới, chấm dứt thời bao cấp, mở ra kinh tế thị trường, Hà Nội thực sự chuyển mình, kinh tế phát triển, dân số tăng nhanh, từ vài chục vạn đã lên vài triệu. Trong số những người đến Hà Nội làm ăn sinh sống với đủ mọi thành phần xã hội, từ trí thức đến công nhân, thợ thủ công và lao động tự do. Họ đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội. Nhưng họ cũng đem đến lối sống tự do thoải mái của nhiều vùng quê, nơi họ từng sinh sống. Thời kỳ này người ta kiếm tiền dễ hơn và tiêu tiền cũng khác hơn. Có thể nói, đây là giai đoạn trật tự xã hội bị xáo trộn nhiều nhất trong quá trình phát triển của lịch sử Thủ đô.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí khi so sánh Hà Nội xưa và nay, ông nói: "Hà Nội bây giờ lớn hơn xưa nhiều, nhà cửa to lớn, lộng lẫy hơn; các công trình văn hóa phong phú, cuộc sống dồi dào hơn. Người ta mặc đẹp hơn, vui chơi nhã hơn, làm ăn giỏi hơn. Nhưng hiện nay mặt trái của kinh tế thị trường cũng tác động không nhỏ tới văn hóa Thủ đô. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là nếp sống ở Hà Nội bây giờ có nhiều biến động hơn".
Theo kết quả điều tra mới đây tại phường Hàng Đào - phường được coi là hạt nhân của Hà Nội, thì số người Hà Nội ở mười đời trở lên không quá 9%. Cũng theo thống kê, hàng năm có khoảng 1/5 số người đến Hà Nội từ nơi khác. Những cư dân mới có rất nhiều tích cực, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Một số người chưa kịp thay đổi nếp sống nông thôn khi ra sống và làm việc tại Hà Nội: coi con đường nhựa của thành phố như con đường làng, coi đài phun nước giữa Thủ đô như cái ao làng, đi giữa phố như đi giữa cánh đồng. Chúng ta chưa tạo được nếp sống thị dân tương ứng với tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh tại Hà Nội. Nói như vậy có lẽ cũng chỉ đúng một phần về sự sa sút trong nếp sống Hà Nội. Những người nhập cư vào Hà Nội đem theo biết bao điều tốt đẹp từ quê hương mình, nhưng cũng đem về không ít những thói quen không phù hợp với nếp sống Hà Nội. Người Hà Nội và văn hóa Hà Nội trong vài thập niên qua đã bị ảnh hưởng bởi sự tác động bên ngoài không chỉ của những người nhập cư từ các địa phương khác, mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn của sự du nhập các phương tiện kỹ thuật và văn hóa từ nước ngoài trong thời mở cửa.
Như vậy, nói về người Hà Nội hiện nay chúng ta phải nhìn nhận cả mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt được thể hiện qua cụm từ: "Văn minh- Thanh lịch" vốn có từ xưa. Nhưng mặt xấu thể hiện qua các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp, lối sống buông thả trong một bộ phận thanh niên... xảy ra hàng ngày trên địa bàn Hà Nội thì cũng không thể coi nó không phải của người Hà Nội. Nét thanh lịch vốn là một tính cách rất Hà Nội, nhưng đã và đang bị nhạt phai; ngược lại, thái độ cục cằn, thô lỗ, biểu thị ý thức không trọng người, cũng không biết trọng mình, thậm chí không biết ngượng đang có chiều hướng tăng, nhất là ở lớp trẻ; thể hiện trong lời nói, dáng điệu, cách ăn mặc, cử chỉ, hành động diễn ra khắp nơi từ trong nhà, ngoài đường, nơi công cộng, cả trong cơ quan, trường học... Hà Nội thanh lịch không thể làm ngơ các hiện tượng đó mà phải tạo dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ, phải làm cho mọi người dân có ý thức gìn giữ và phát huy tính cách thanh lịch như một tài sản quý của Thủ đô.
Vậy đối tượng đó là ai? Phải chăng chỉ từ những người nhập cư từ nơi khác đến? Có thể nói hầu hết những đối tượng trong các loại tệ nạn đó đều sinh ra sau chiến tranh, cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, họ cũng là người Hà Nội. Đây chính là thế hệ mà sau này sẽ là chủ nhân của Hà Nội. Đó là điều rất đáng lo ngại cho tương lai của Hà Nội mà chúng ta phải tính đến nếu chưa là quá muộn.
Phong cách văn minh, thanh lịch của người Hà Nội ngày nay không còn nguyên vẹn như câu ca xưa chắc chắn do nhiều nguyên nhân. Một phần do sự nhập cư ồ ạt từ nhiều địa phương du nhập lối sống "tự do, tùy tiện"; một phần do tác động của kinh tế thị trường, cuộc sống tuy khá hơn, nhưng đồng tiền đã chi phối nếp nghĩ và lối sống của không ít người. Văn hóa ngoại lai xâm nhập cũng tác động rất lớn, nhất là đối với tầng lớp thanh niên. Mới đây, thành phố có chủ trương xây dựng môn "Hà Nội học" đưa vào giảng dạy trong nhà trường là việc làm hết sức cần thiết. Những người sống ở Hà Nội cần hiểu biết về văn hóa, lịch sử Hà Nội.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC 14, chúng ta đã chứng kiến thái độ ứng xử rất có văn hóa của nhân dân Việt Nam đối với khách nước ngoài, làm nức lòng nhân dân trong nước và gây ấn tượng mạnh trong bạn bè quốc tế. Nhân dân Thủ đô, nhất là đội ngũ thanh niên tình nguyện, đã có vai trò nổi bật trong việc tạo nên hình ảnh đẹp về tầm văn hóa của dân tộc ta, được bạn bè quốc tế khâm phục, yêu mến. Bài học thực tế còn tươi mới đó chứng tỏ rằng trong lòng mỗi người dân Thủ đô đều tiềm ẩn những nét đẹp của truyền thông văn hóa, và hy vọng nó sẽ được phát huy, tạo chuyển biến tốt về tư tưởng, đạo đức và lối sống của người dân Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.:^)(c):^)(c):^)(c)